Sinh năm 1916 tại Xuân Trường, tỉnh Nam Định, sớm giác ngộ cách mạng, từng là Huyện ủy viên Huyện ủy Xuân Trường, trong Ban Chấp hành Tỉnh hội Phụ nữ tỉnh Nam Định, tháng 6/1954, bà được điều động lên công tác ở Cục Quân báo - Bộ Quốc phòng. Từ đó, hơn 30 năm hoạt động trên mặt trận đầy gian khó, hiểm nguy (bị địch bắt tù đày, tra tấn dã man), dù không qua một lớp đào tạo nghiệp vụ nào, nhưng bà đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một sĩ quan tình báo, khai thác được những tài liệu quân sự giá trị, có ý nghĩa chiến lược.
Nỗi ân hận duy nhất
Năm 1954, bà được tổ chức điều động theo đồng bào di cư vào miền Nam hoạt động. Để yên tâm công tác theo yêu cầu của cấp trên, bà đã cưới vợ cho chồng, đem hạnh phúc của mình đặt vào tay người phụ nữ khác, không mong muốn gì hơn là có người thay mình chăm sóc chồng. Một mình ra đi, vào tận hang ổ quân thù với quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, bà chỉ day dứt một điều: nhớ và thương mẹ. Với bí danh Trần Thị Mỹ, “di cư” vào Nam với danh nghĩa chị dâu, chồng chết, không có con, đi cùng em chồng. Xe qua cầu Long Biên để xuống Hải Phòng, bà không cầm được nước mắt. Nghề đầu tiên bà học là bán guốc. Bà hòa vào trong số những người di cư nghèo. Cái tết đầu tiên xa miền Bắc, bà ra Phan Thiết bí mật gặp cơ sở và nắm được một số tình hình cùng tập tài liệu ghi rõ việc tổ chức lại quân đội, việc thành lập các sư đoàn, tình hình trang bị theo tổ chức mới, tính năng, tác dụng của những loại pháo xe tăng mới và loại máy bay phản lực đầu tiên sẽ đưa vào Việt Nam.
Giữa lúc hiến binh quốc gia và lính Tây đen bắn nhau ở ngã Bảy, quân Bình Xuyên gây hấn và nổ súng vào Quân đội quốc gia, tình hình rối ren và vô cùng phức tạp, bà bất ngờ nhận được chỉ thị từ Hà Nội gọi ra báo cáo, địa điểm liên lạc ở Hải Phòng. Vượt qua nhiều hiểm nguy, đến Hải Phòng an toàn, bà được hướng dẫn lên Hà Nội làm việc với Cục. Bà và một số nhân viên tình báo khi đó phải góp phần làm sáng tỏ câu hỏi lớn của đồng chí Cục trưởng: “Theo chị thì liệu hai năm sau có tổng tuyển cử không? Liệu sẽ có quan hệ bình thường giữa hai miền được không?”.
Bà lại được lệnh bí mật lên đường vào Nam. Đồng chí cán bộ làm việc trực tiếp có gạn hỏi bà có nguyện vọng gì không. Thực ra có một điều, ngay từ khi về đến Hà Nội, bà đã định trình bày là muốn được gặp mẹ để nói cho mẹ biết mình đi làm nhiệm vụ, để mẹ khỏi lo lắng. Nhưng bà hiểu ngay ra tình thế không thuận, đành lẳng lặng ra đi. Và đó là nỗi ân hận duy nhất, ân hận suốt đời bà. Bà chỉ biết cầu xin mẹ kính yêu lượng thứ cho đứa con gái vì cách mạng nên đã không trọn vẹn đạo hiếu.
Bà không đi bán guốc nữa mà theo bà con tạm thời tản cư về Tân Sơn Nhì, ở trong xóm mồ côi, tìm cách liên lạc với Đặc khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, phòng khi liên lạc với miền Bắc bị đứt. Chính khi tìm mọi cách bắt liên lạc với Đặc khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, bà đã đứng trước một tình huống cực kỳ gay cấn. Sau này, khi gặp được người của Đặc khu, bà mới biết, các đồng chí ở cơ quan Tuyên huấn - Đặc khu đã họp bàn về bà, gọi bà là “mụ Sáu di cư”, nghi bà là tay sai của Ngô Đình Diệm đi dò la tin tức, có người đề nghị thủ tiêu bà.
Đầu năm 1956, liên lạc với Hà Nội bị đứt. Bà phải lặn lội ra Huế, tìm cách gửi tài liệu, nhưng ba tháng trôi qua vẫn không thực hiện được vì lúc đó, các cơ sở cách mạng bị địch đàn áp, bị vỡ nhiều. Về Sài Gòn, bà tìm cách đi theo đường qua Campuchia, gửi thư về “nhà”. Liên lạc với T.Ư được nối lại.
Bị tra tấn chết đi sống lại
...Hôm đó là Rằm tháng 7, bà mua đồ chay về ăn, gần tối, có tiếng gõ cửa. Bà bị lộ do chỉ điểm. Tại nơi giam, những trận đòn vùi dập bà trong tòa biệt thự sang trọng. Mười ngón tay bà bị đập sưng vù, hai đầu gối bị đánh phồng bạnh lên, hai bả vai tím đen. Những chiếc đinh bù loong vẫn liên tiếp nện lên người. Không moi được gì, chúng đem máy quay điện đến. Bà chỉ còn thấy những tia xanh đỏ lóa lên rồi lịm đi... Chúng lại treo ngược bà lên rồi đạp văng từ bên này sang bên kia, có lúc xoay tít như con quay. Đầu óc bà choáng váng, nước mắt, nước mũi trào ra. Sau đó, chúng dúi đầu bà vào thùng nước xà phòng, bắt phải nuốt cho đầy bụng. Tiếp đến, chúng trói chặt người bà vắt trên thành phuy chứa nước bẩn, đưa máy quay điện dí sát vành tai rồi quay mạnh. Bà bị hất nhào đầu xuống nước, toàn thân giãy giụa như người sắp chết, máu ứa ra.
Khi tỉnh lại, nghĩ đến những cơ sở tin cậy, những đứa trẻ bà thực sự coi như con, như cháu, bà giàn giụa nước mắt. Bà thầm kêu lên: “Các cháu ơi, dẫu cho chúng có kề dao vào tận cổ bác, có dí súng vào trước ngực bác, thì bác chịu tất cả, chứ bác không bao giờ khai ra các cháu đâu”.
Cuối cùng, tên chủ sự nói với bà: “Nếu thực bà chỉ là người đi buôn đi bán thì giấy, bút đây, bà viết hai câu: đả đảo Cộng sản, đả đảo Hồ Chí Minh, chúng tôi thả bà ngay”. Bà thấy nóng hai bên thái dương, nhưng vẫn cố kìm mình, tìm ra lý lẽ đáp lại. Bà bảo tay đau, vả lại Cụ Hồ có bắt bớ bà đâu mà hô đả đảo. Tên chủ sự bảo bà hô bằng miệng cũng được. Bà không kìm được nữa, đứng dậy, chỉ vào mặt hắn mà chửi: “Tổ sư cha cái thằng Ngô Đình Diệm nhà mày”. Tên chủ sự đạp bà lộn vào chân tường. Hai mắt hoa lên, bà ngất lịm. Lại những cuộc tra tấn chết đi sống lại. Bà nghiến răng lại nói: “Mày cứ quay điện đi, quay nữa đi, quay cho chết đi, tao không sợ. Bỏ đây tao quay cho”. Bà dứt dây trói ra, cầm lấy bình quay tít, người tung ra khỏi ghế, lao đầu xuống nhà, chết ngất.
Bà bị đưa đến trại Vân Đồn rồi chuyển về biệt khu thủ đô. Tại đây, bà tìm cách giữ vững tinh thần cho anh em bạn tù, yêu cầu có chế độ cải thiện cuộc sống cho tù nhân. Anh em tù trong trại coi bà như chị cả.
Về sau này, do chính người của chúng kể lại, bà được biết, có một cuộc nói chuyện giữa Phan Khanh và Dương Văn Hiếu: “Tôi đã có thêm một số tài liệu có thể kết luận: Trần Thị Mỹ tức là Đinh Thị Vân... Chắc chắn nó là giao thông đường dây tình báo trung ương”. Dương Văn Hiếu nói: “Tôi tưởng nó còn ghê gớm hơn ấy chứ. Biết rõ không phải là khó lắm, nhưng đánh ngã cái mụ này mới thật là khó”.
Không khai thác được gì ở bà, địch đưa bà tới sở thú - nơi chúng tra tấn, hành hạ tù nhân bằng những thủ đoạn vô cùng dã man. Bà lấy cái ghim cài đầu, rồi hì hụi khắc lên tường: “Tôi là Trần Thị Mỹ, quê ở Nam Định, bị bắt ngày 19/8/1959, đã qua an ninh quân đội, trại Vân Đồn, trại Lê Văn Duyệt... Hôm nay tôi về đây, sẵn sàng chết ở đây”.
Trung tướng Nguyễn Văn Là trao quân hàm đại úy cho Vũ Trọng Quyền (điệp viên trong đường dây của bà Đinh Thị Vân)
Dương Văn Minh lật Ngô Đình Diệm, rồi Nguyễn Khánh lật Dương Văn Minh. Dương Văn Hiếu quyết định bắn tất cả tù nhân ở trại Lê Văn Duyệt, nhưng rồi hắn và thuộc hạ bị bắt. Bà thoát khỏi nhà tù. Khi xét cho bà về, gã thẩm vấn nói: “Hồ sơ của bác như thế này mà chúng nó giam bác 5 năm à? Lại 5 năm biệt phòng, mỗi năm tính bằng 4 năm tù thường, như thế vị chi là 20 năm. Cha mẹ ơi, bọn quỷ này ác nghiệt quá thôi. Tội nghiệp cho bác”. Bà cười, nghĩ thầm: Cả bộ máy phản gián tinh vi, hiểm hóc của bè lũ chúng mày đã thua tao chứ không riêng một đứa nào đâu.
Gửi sớm nhiều tin quan trọng
Chiều 18/5/1964, bà về đến nhà một cơ sở, sau ba ngày ra Tổng nha trình diện, nhờ người quen giúp cho làm ngay được căn cước. Ra tù, về ngay chỗ bị bắt, xin được buôn bán, tức là làm cho địch bị bất ngờ, bà sẵn sàng tư thế lao vào công việc. Trước hết là nắm lại tình hình các cơ sở. Những người trong lưới tình báo bà gây dựng được đều đã luồn sâu leo cao, ở nơi trọng yếu trong các cơ quan quân sự của địch hoặc có quan hệ với những nhân vật đang giữ chức vụ khá quan trọng.
Lãnh đạo của bà nhận xét: “Về mặt chỉ đạo, đồng chí Vân đã gây được lòng tin đối với cơ sở. Về mặt tình cảm, đồng chí đã tạo nên được sự gắn bó, đôi khi còn hơn cả ruột thịt. Cái thế hợp pháp của đồng chí đối với địch vẫn rất thuận lợi, uy tín của đồng chí với cơ sở sau những ngày bị tù đày lại càng được bồi đắp vững chắc hơn. Có thể nói, cây trồng đã kết trái, bây giờ là mùa thu hoạch”.
Thế trận đã cài, mỗi cơ sở giống như một mũi tiến công tranh thủ thời gian giành lấy thắng lợi, khi từ từ, khi đột biến, nhưng luôn luôn giành thắng lợi, và mỗi ngày, thắng lợi một quan trọng hơn. Bà đã cùng cơ sở của mình gửi sớm cho tổ chức những tin quan trọng như: Mỹ sẽ đưa bao nhiêu quân vào miền Nam; sự bố trí giữa quân Mỹ và ngụy, hỗn hợp Mỹ - ngụy; kế hoạch xây dựng nghĩa quân, địa phương quân của chúng trên tất cả 43 tỉnh miền Nam; chiến dịch “ba mũi tên tìm diệt” của Mỹ - ngụy sẽ được tiến hành từng bước ra sao; âm mưu chiến dịch tiêu diệt Trung ương Cục miền Nam - chiến dịch Gian-xơn Xi-ti với ý đồ “đập tan cơ quan đầu não của Việt cộng” của địch; phục vụ chiến dịch Mậu Thân 1968…
(Viết nhân 70 năm ngày thành lập ngành Tình báo Quốc phòng)
(Còn nữa)
Cho đến ngày cuối cùng bà rời khỏi Sài Gòn, địch vẫn không biết gì về lưới tình báo của bà. Ngày 25/8/1970, bà vinh dự được Đảng, Nhà nước trao danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.