Thời tiết Hà Nội những ngày cuối năm rét buốt, có những ngày nhiệt độ xuống 9 độ C, thế nhưng đội cứu hộ vẫn thầm lặng làm công việc tình nguyện, rong ruổi khắp nẻo đường làm nhiệm vụ đi tuần, cứu giúp người gặp tai nạn giao thông, sơ cứu vết thương và giúp những người gặp sự cố trên đường phố.
Đội cứu hộ FAS Angel là đội tình nguyện do những người tài xế lái xe ôm công nghệ sáng lập từ tháng 9/2019, với thông điệp “Không bỏ rơi ai cả”. Thời gian hoạt động chính là vào đêm, cứ đến 21 giờ 30 phút hằng ngày đội cứu hộ lại chuẩn bị hành trang lên đường, có những khi hoạt động suốt 24 giờ, tất cả các ngày trong tuần.
Ban đầu thành lập đội chỉ có hai người, nhưng đến nay thành viên đã lên đến gần 70 người, trong đó có 20 thành viên nòng cốt có thể sơ cứu thành thạo tại hiện trường. Để hoạt động chuyên nghiệp, đội cứu hộ lập nhóm công khai trên mạng xã hội, trước khi vào đội đều được đào tạo sơ cứu một cách bài bản, có đồng phục áo dạ quang với thông điệp trên áo để người dân dễ nhận biết.
Chia sẻ về ý tưởng thành lập đội, anh Phạm Quốc Việt cho biết: “Nhiều năm trước, tôi là người từng bị bỏ rơi trong một vụ tai nạn giao thông. Trong khoảnh khắc đó tôi đau đớn, sợ hãi và bất lực trước dòng người đi qua nhưng không một ai dừng lại cứu giúp. Tôi đã từng trải qua cảm giác kinh hoàng đó nên mong muốn không một ai phải chịu cảm giác lạc lõng bất lực giống như tôi. Chính điều đấy đã thôi thúc tôi thành lập nên đội cứu hộ, nhân thêm nhiều tấm lòng nghĩa hiệp”.
Anh cho biết trung bình mỗi ngày đội cứu hộ đã sơ cứu khoảng 8 – 12 ca, chủ yếu vào các giờ cao điểm và đêm. Công việc chính của đội là sơ cứu vết thương cho người bị tai nạn, bảo vệ hiện trường và tài sản của nạn nhân, chờ lực lượng chức năng đến xử lý. Mọi chi phí đi lại, trang bị dụng cụ, y tế sơ cứu vết thương đều từ tiền túi của thành viên.
Các thành viên trong đội đều được đào tạo sơ cứu một cách bài bản, thường xuyên tổ chức các buổi dạy sơ cấp cứu miễn phí, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ các tổ chức chuyên về kỹ năng sơ cứu. Đội được chia thành từng nhóm, túc trực tại nhiều địa điểm khác nhau để sẵn sàng ứng cứu khi cần thiết.
Hằng tuần, đội Fas Angle đều tập hợp để chia sẻ, học hỏi cũng như nâng cao kỹ năng sơ cấp cứu
“Công việc đều xuất phát từ tâm”
Ban ngày, các thành viên trong đội đều đi làm, ban đêm đi làm công việc cứu hộ. Với thu nhập ít ỏi, hàng tháng, các thành viên trong đội FAS Angel vẫn sẵn sàng mua băng gạc, các dụng cụ y tế phục vụ cho công việc thiện nguyện mỗi đêm của mình. Các thành viên trong đội cho biết, đây là những việc tử tế, có ý nghĩa tốt đẹp cho cuộc sống và cộng đồng nên đã thôi thúc họ tham gia thiện nguyện.
Bằng sự nhiệt tình và tâm huyết, anh Phạm Quốc Việt luôn nỗ lực gắn kết, truyền cảm hứng tới các thành viên. Anh khuyên mọi người trong đội: “Hãy làm việc vì cái tâm trước tiên, hãy cứ coi người bị nạn như là người thân của mình, và luôn đề cao năm tiêu chí: không bỏ rơi, không thu phí, không tranh cãi, không phân biệt, không kết án”.
Theo anh Phạm Quốc Việt, “Quá trình hoạt động của đội còn gặp nhiều khó khăn, cái khó khăn nhất hiện tại đó là kinh phí để duy trì, vì các thành viên trong đội đều phải đi làm công việc chính, chăm sóc gia đình và công việc thiện nguyện. Hy vọng các ban ngành, đoàn thể có thể hỗ trợ về vật chất như bông băng để khuyến khích động viên mọi người tham gia”.
Mến mộ tấm lòng hiệp nghĩa của các thành viên trong đội, anh Nguyễn Văn Nam (24 tuổi) đã xin gia nhập đội FAS Angel. Anh chia sẻ: “Trước khi chưa gặp đội, do tính chất công việc thường xuyên di chuyển trên các cung đường vào buổi tối thì hầu như hôm nào cũng gặp vài vụ tai nạn giao thông, nhưng chỉ biết gọi xe cấp cứu và hỗ trợ người bị nạn lên xe đến bệnh viện. Lúc đó trong đầu cũng nghĩ mình sẽ làm gì đó để giúp cho những người bị nạn, và một lần có duyên được gặp gỡ đội và nhận thấy đây là một việc làm rất tốt nên đã xin tham gia vào hỗ trợ cùng đội”.
Anh Quang Huy (sinh năm 1992, Hà Nội) từng được nhóm FAS Angle giúp đỡ chia sẻ: “Tôi bị tai nạn giao thông khi lưu thông trên đường Nguyễn Trãi vào vài ngày trước, cũng may là tôi chỉ bị thương ở chân, nhưng rất nhanh, các tình nguyện viên của đội cứu hộ đã đến và kịp thời giúp đỡ, cầm máu và sơ cứu cho tôi rất chuyên nghiệp. Tôi nhận thấy đây là công việc rất ý nghĩa và đáng trân trọng, mong các anh luôn khỏe mạnh để lan tỏa những điều tốt đẹp cho xã hội”.