Chính ông Obama đã nói tại trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ (Lầu Năm Góc), trước sự có mặt của bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta và chủ tịch Hội đồng Tham mưu liên quân Martin Demsey rằng“chúng ta sẽ tăng cường sự hiện diện ở châu Á-Thái Bình Dương, và chuyện giảm ngân sách không phải dành cho khu vực tối quan trọng này”.
Phát biểu của ông Obama cho thấy quyết tâm của chính giới Mỹ trong việc tái cân bằng cán cân ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cũng như bày tỏ cam kết với các đồng minh lâu năm và cả những đối tác đang nổi lên.
Theo chiến lược mới, duy trì hòa bình, ổn định và tự do thương mại trong khu vực đầy năng động này sẽ phụ thuộc phần nào vào sự đối trọng trong cán cân quân sự, cũng như mức độ hiện diện của quân đội Mỹ.
Không chỉ ở châu Á-Thái Bình Dương,tại điểm nóng Trung Đông, chiến lược quốc phòng mới của Mỹ cũng hướng tới mục tiêu cân bằng giữa việc đẩy lùi nguy cơ bạo lực, đối đầu từ những nhóm cực đoan, giảm đụng độ và đảm bảo an ninh, ổn định ở vùng Vịnh, bao gồm cả việc hạn chế sự gia tăng số tên lửa đạn đạo và vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Đó là còn chưa nói tới yêu cầu của chiến lược đề ra, là phải khéo léo cân bằng giữa việc duy trì ngôi vị bá chủ số 1 trong khi ngân sách đang trên đà teo tóp. Chính vì lẽ đó, người Mỹ, một mặt hướng về châu Á, một mặt vẫn phải luôn trong tư thế sẵn sàng đối mặt với những nguy cơ tiềm tàng từ khu vực Trung Đông.
Tuy nhiên, khó khăn về kinh tế không có nghĩa Mỹ đang từ bỏ vị trí quốc gia hàng đầu về sức mạnh quân sự. Nhưng điều này đặt ra cho chính giới Mỹ bài toán thu gọn quân đội, vẫn đủ mạnh để thực hiện các nhiệm vụ nhưng gọn nhẹ và ít tốn kém hơn.
Thêm một sự cân bằng nữa đặt ra cho những người ở Lầu Năm Góc và Nhà Trắng. Tuy nhiên, cũng cần nhớ rằng dù có khó khăn về tiền bạc, Mỹ vẫn là quốc gia số 1 đầu tư cho quân sự, bằng chứng là ngân sách quốc phòng của nước này vẫn lớn hơn tổng ngân sách của 10 quốc gia kế tiếp cộng lại.
Tuy nhiên, chuyện eo hẹp ngân sách dẫn tới tái cơ cấu là lẽ thường tình. Nhưng vì sao Mỹ lại chuyển trọng tâm qua châu Á-Thái Bình Dương?Vì đây là khu vực kinh tế phát triển rất năng động, hay vì lý do nào khác? Câu trả lời là đây: Trung Quốc đang ngày càng mạnh lên.
Tuy chưa thể so sánh với Mỹ về kinh tế, lại càng chưa thể so sánh với họ về năng lực và sức mạnh quân sự, nhưng Trung Quốc, một quốc gia đang lên, chắc chắn là một đối thủ tiềm tàng. Và điều này thách thức ngôi vị bá chủ của người Mỹ. Vì vậy, sự gia tăng hiện diện của đội quân “sao và sọc”ở châu Á-Thái Bình Dương cũng là điều dễ hiểu..