Chuyện trang phục 1001
Mỗi khi chuẩn bị cho single/album mới, các nghệ sĩ Hàn Quốc không chỉ lo tập bài hát mới, luyện vũ đạo mới mà còn chăm chút cho cả trang phục. Mỗi album, họ sẽ diện những kiểu quần áo hoàn toàn khác nhau.
Một bộ trang phục diễn tốn kém bao nhiêu?
Chẳng có nhóm nhạc nào chỉ có duy nhất một bộ trang phục cho suốt chiến dịch quảng bá album mới. Mỗi mẫu, họ phải có ít nhất là 3 bộ để thay đổi. Chưa kể mỗi album lại có nhiều mẫu trang phục khác nhau, thậm chí trong một tuần cao điểm, khi biểu diễn ở nhiều chương trình ca nhạc thì một nhóm cần ít nhất 3 mẫu trang phục.
Tính trung bình, một bộ ngốn của công ty quản lý gần 200 đôla (4,2 triệu đồng) bao gồm toàn bộ tiền thiết kế, chất liệu rồi may đo.
Dĩ nhiên với những nhóm nhạc danh tiếng, con số này sẽ cao hơn. Chẳng hạn như nhóm SNSD đang sở hữu những trang phục biểu diễn đắt nhất so với đồng nghiệp.
Chất liệu để thiết kế quần áo cho nhóm đều phải nhập khẩu từ nước ngoài, chưa kể mỗi lần xuất hiện họ đều gây bất ngờ với phong cách khác nhau. Lúc thì nữ tính với váy ren, lúc thì khỏe khoắn với trang phục thể thao, lúc lại có chút mạnh mẽ như những cô quân nhân.
Nhưng nếu xét rộng ra toàn bộ Kpop, thì các ca sĩ solo chắc chắn tốn nhiều tiền cho trang phục hơn. Họ chỉ có một mình mà vẫn phải tỏa sáng khắp sân khấu, nên cần đầu tư mạnh cho phần ngoại hình.
Thường thì đồ diễn của ca sĩ hát đơn sẽ cầu kỳ, nhiều tầng nhiều lớp, đính nhiều đá lấp lánh, có khi chi phí một bộ cũng bằng tiền làm phục trang cho cả một nhóm. Nữ ca sĩ Son Dam Bi từng thú nhận rằng cô có những bộ đồ đắt hơn cả nhóm After school.
Tại sao các nhóm nhạc ít khi mặc giống hệt nhau?
Nhìn thoáng qua, bạn sẽ nghĩ nhóm nhạc này đang mặc đồng phục vì kiểu dáng, màu sắc y sì. Nhưng ngắm kỹ, bạn thấy ngay là mỗi cô gái lại có một bộ đồ khác, tuy chỉ là các điểm nhấn nhỏ mà thôi. Chẳng hạn như UEE có phần vai và đùi hơi to, nên sẽ hạn chế các mẫu váy áo có tay bồng, tay xòe.
Jooyeon cũng ở nhóm After school lại thiếu tự tin vào bờ vai mảnh dẻ, rất thích chọn áo được may cầu kỳ ở phần vai hoặc mặc thêm áo khoác. Như vậy các nhà thiết kế trang phục cho nhóm nhạc hẳn rất đau đầu khi cùng một bộ đồ đó, họ phải làm ra nhiều phiên bản khác nhau, tùy theo vóc dáng của từng người.
Trang phục diễn ở nước ngoài và tại Hàn Quốc có gì khác nhau không?
Thật ra là không. Dù một nhóm nhạc Hàn có biểu diễn ở đâu chăng nữa, thì đồ diễn của họ vẫn do các bộ phận thiết kế người Hàn đảm trách. Có khác chăng là họ sẽ nghiên cứu thêm gu khán giả tại đó để có những thay đổi phù hợp, hoặc tạo ra một vài bộ đặc biệt dành riêng cho thị trường nước đó.
Các nhà thiết kế Hàn Quốc cũng rất khéo léo lấy lòng khán giả nước ngoài bằng cách để nghệ sĩ diện phụ kiện của các thương hiệu địa phương tại nơi nhóm nhạc biểu diễn.
Sau khi quảng bá xong một album, trang phục đó sẽ đi đâu?
Mỗi nhóm nhạc có một cách xử lý khác nhau. SNSD sẽ gửi tặng các tổ chức từ thiện để họ mang ra đấu giá lấy tiền giúp đỡ người gặp khó khăn. Nhóm 2NE1 sẽ gửi trả trang phục cho những nhà thiết kế đã tạo ra chúng, để họ giữ lại làm kỷ niệm.
Nhóm After school thì sẽ tìm cách tái chế, cắt phần tay áo, may thêm chân váy phủ ra ngoài quần ngắn… để tạo thành một bộ mới, có thể dùng lại trong một dịp nào đó như tham dự sự kiện chẳng hạn.
Làm thế nào để tránh sự cố?
Các nhóm nhạc nữ Hàn Quốc luôn khiến khán giả thót tim khi họ mặc áo lẫn quần rất ngắn và nhảy nhót tưng bừng, dễ gây ra sự cố lộ hàng bất kỳ lúc nào.
Thực tế thì đã có ca sĩ bị phê phán vì nhảy sung quá mà tuột dây áo ngoài, lộ cả áo lót trong, hoặc là váy bay quá cao nên bị hở quần chip. Các nhà thiết kế ngày càng quan tâm đến yếu tố đẹp nhưng phải đảm bảo an toàn.
Được chú trọng nhiều nhất là những chiếc quần soọc, được may bằng vải cực kỳ co giãn, cắt may theo số chuẩn của từng thành viên để đảm bảo ôm khít, họ vẫn cử động thoải mái mà không lo quần “phản” chủ. Nếu có mặc váy ngắn, các cô gái nhất định kèm thêm quần soọc bên trong để kín đáo tuyệt đối.
Các nhóm nhạc có thích trang phục diễn của mình không?
Không phải lúc nào các cô gái cũng ưng ý với đồ diễn của mình. Bởi trang phục do các stylist thiết kế, ca sĩ ít khi được quyền can thiệp hay góp ý vào. Nhóm T-ara thừa nhận rằng họ không bao giờ biết trước mình sẽ được mặc gì cho buổi biểu diễn.
Nhiều hôm, họ đến sâu khấu rồi thì thùng đựng đồ mới tới nơi, và mỗi lần mở ra là một lần các cô gái tha hồ hồi hộp vì không biết bên trong là đồ kiểu gì.
Lần đầu tiên nhìn thấy trang phục cho album Roly Poly, là bộ đồng phục học sinh kiểu ngày xưa với váy dài ngang bắp chân, áo vest rộng cổ điển - cả nhóm đã muốn khóc vì chẳng đẹp gì cả. Nhưng đó là đồ diễn, phục vụ cho công việc thì T-ara vẫn phải mặc thôi.
Hyoyeon nhóm SNSD từng kể rằng, cô thường xuyên thấy ấm ức, khi trang phục của mình luôn xấu hơn các cô gái khác trong nhóm.
Hyoyeon thường thấy tủi thân, pha chút ghen tị khi bạn bè luôn được mặc đồ đẹp hơn mình, dường như bộ đồ nào xấu nhất thì sẽ dành cho cô vậy.
Bản thân các fan của SNSD khi xem lại trang phục diễn của nhóm, cũng thấy đồ của Hyoyeon đúng là kỳ cục, kém bắt mắt nhất.
Đến bây giờ, Hyoyeon đã làm quen với việc này bằng cách tự an ủi bản thân rằng đồ của mình có thể không rực rỡ, nhưng lại hợp với vóc dáng và phong cách của cô thì sao.
Theo Hồng Tuyết
Sinh Viên Việt Nam