> Hành trình theo dấu đường Hồ Chí Minh trên biển
> Điểm cuối trên tuyến đường huyền thoại
Anh hùng, Đại tá Nguyễn Đắc Thắng, 76 tuổi và vợ là Trung úy Huỳnh Biên Thùy, 73 tuổi, sôi nổi hẳn lên khi hồi tưởng lại mối tình nảy nở từ cách đây nửa thế kỷ.
Hồi đó, bà Thùy là y tá thuộc Đoàn 962, làm nhiệm vụ tiếp đón đoàn tàu không số vào bến Vàm Lũng (xã Tân Ân, Ngọc Hiển, Cà Mau). Tháng 9-1964, chàng trai Nguyễn Đắc Thắng, quê Cần Thơ, tập kết ra Bắc, rồi lên tàu không số chuyển vũ khí vào Nam.
Đó là lần thứ 5, chàng trai vùng quê gạo trắng nước trong cùng đồng đội vượt biển, băng qua lửa đạn, lèo lái tàu vào bến Vàm Lũng an toàn. Đêm văn nghệ, nữ y tá Thùy nổi tiếng xinh đẹp, nết na, lại có giọng hát hay, múa dẻo ở đoàn văn công Chim Việt trổ tài.
Thủy thủ Thắng xao xuyến, bâng khuâng, không muốn chia tay. “Sự đồng cảm về gia đình có người thân bị địch sát hại đưa chúng tôi lại gần nhau. Tôi khâm phục sự dũng cảm, gan dạ và mưu trí của những chiến sỹ tàu không số nên đem lòng thương yêu”, bà Thùy tâm sự.
Tình yêu đến tự nhiên và họ báo cáo tổ chức, rồi mỗi người mỗi ngả. Chàng thủy thủ tiếp tục gắn với những chuyến tàu không số suốt hơn 8 năm không gặp người thương. Cô y tá quân y ở lại, đằng đẵng chờ tin, hằng ngày ngắm nhìn tấm ảnh đen trắng của người yêu để vơi đi nỗi nhớ.
Một hôm nữ ý tá Thùy nhận hung tin, tàu không số bị giặc tấn công, phải tự phá hủy để giữ bí mật tại vùng biển Quảng Ngãi, thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng cùng đồng đội hy sinh. Anh chị em ở Đoàn 962 làm lễ truy điệu cho các anh, nhưng nữ y tá Thùy vẫn giữ trọn niềm tin anh Thắng còn sống và tiếp tục chờ đợi.
Sự thật, tàu không số chở đầy vũ khí phải tự phá hủy để giữ bí mật, nhưng thuyền trưởng Thắng cùng nhiều đồng đội bơi vào bờ thoát chết. Ông Nguyễn Văn Việt, cựu chiến binh Đoàn 962, kể: “Tôi rơi nước mắt nhìn chị Thùy xung phong vào bộ phận chiến đấu của Đoàn 962, vượt lộ Vòng Cung (Cần Thơ) năm 1968 với hy vọng sẽ gặp anh Thắng!”
Niềm tin của nữ y tá quân y đã đúng, tháng 9-1972, chuyến tàu không số mang mật số S 950, do thuyền trưởng Thắng chỉ huy bất ngờ cập bến Vàm Lũng. “Tổ chức làm lễ thành hôn giữa rừng. Tuần trăng mật của chúng tôi ở trong chòi lá, giữa rừng, phía dưới là công sự”, Đại tá Thắng hồi tưởng. Sau tuần trăng mật của đời quân ngũ, thuyền trưởng Thắng lại trở ra Bắc nhận vũ khí, người vợ trẻ ở lại chiến đấu và chờ đợi.
Làm rể Đất Mũi
Không ít thủy thủ tàu không số cập bến Vàm Lũng rồi ở lại chiến đấu, kết hôn với thiếu nữ vùng sông nước và gây dựng cuộc sống tại đây. Trong căn nhà cấp 4 lụp xụp ở phường 5 (TP Cà Mau), ông Phùng Văn Quý, 66 tuổi, cựu thủy thủ tàu không số, kể: “Tôi đang học lớp 9 ở trường Hoàng Hóa (Thanh Hóa) được lệnh tổng động viên, gác bút nhập ngũ. Sau 2 tháng huấn luyện, tôi được lệnh lên tàu. Tàu vượt biển ngày đêm, rồi vào bến có rất nhiều dừa nước, những người đón tiếp tàu mặc áo bà ba, quấn khăn rằn, tôi mới biết vào đến Bến Tre!”.
Rồi ông Quý lại cùng đồng đội ra Bắc nhận vũ khí, vượt biển trở lại miền Nam. Chuyến tàu thứ 4 (ngày 10-5-1965) bị lộ phải tự phá hủy ở vùng biển Cà Mau, ông Phùng Văn Quý lên bờ chiến đấu. “Nhóm tôi có 3 người vào được mé rừng, nằm núp dưới cây mắm, không biết đi đâu vì sợ gặp giặc sau đó may mắn gặp chiến sĩ Đoàn 962”, ông Quý kể.
Gia nhập Đoàn 962, ông Quý vào sinh ra tử qua nhiều trận đánh, tham gia giải phóng miền Nam...mãi năm 1989 mới phục viên. Bà Lâm Thị Liên, 56 tuổi, vợ ông Quý, tiếp lời: “Vợ chồng tôi được sống bên nhau khi đã già. Tuổi thanh xuân của chúng tôi để lại trong chiến tranh hết rồi. Lúc còn trẻ, ông đi đánh giặc. Tôi ở nhà nuôi con, chăm sóc mẹ già”.
Đoàn 962 từng chiến đấu trong vùng rừng ngập mặn Cà Mau bị rải chất độc hóa học nên nhiều cựu binh gánh hậu quả chiến tranh. Vợ chồng Đại tá Nguyễn Đắc Thắng- Huỳnh Biên Thùy, Phùng Văn Quý - Lâm Thị Liên đều có con bị di chứng chất độc da cam.
Do cuộc sống còn khó khăn, vợ con ông Quý chưa một lần về thăm quê nội Thanh Hóa. “Tôi làm dâu mà chưa lần nào được về quê chồng. Hay tin bà nội cháu qua đời, gom tiền bạc chỉ đủ cho ông về thọ tang, mẹ con tôi đành ở lại”, bà Liên ngậm ngùi.