Muốn tiếp tục dịch vụ, phải khai báo với ngân hàng
Năm 2007, Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) cấp đầu 11 số cho các mạng di động. Đến nay, hơn 70 triệu thuê bao sử dụng đầu số này, chiếm khoảng 50% tổng số thuê bao di động. Trong đó, Viettel có số lượng thuê bao lớn nhất (43 triệu), VinaPhone (17 triệu), MobiFone (11 triệu). Hai nhà mạng Gtel, Vietnamobile có số lượng thuê bao ít hơn.
Để thực hiện chuyển đổi từ 15/9/2018, các nhà mạng cho biết, đã sẵn sàng cả về nhân lực, kỹ thuật. Việc chuyển thuê bao 11 số về 10 số sẽ thực hiện trên hệ thống kỹ thuật của nhà mạng, diễn ra ban đêm để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến việc nghe, gọi, nhắn tin của khách hàng. Tuy nhiên, thực tế khi thực hiện chuyển đổi, chủ thuê bao có rất nhiều việc phải làm.
Hiện nay, rất nhiều thuê bao di động sử dụng số điện thoại di động là kênh kết nối với các dịch vụ của ngân hàng, trường học, bệnh viện, các tài khoản trực tuyến như Facebook, Google, các chợ điện tử như Adayroi, Lazada, Shopee…
Với ngân hàng, số điện thoại di động vừa là kênh kết nối vừa là kênh xác thực sử dụng các dịch vụ Internet Banking hay SMS Banking, liên quan đến chuyển tiền, gửi tiền hay rút tiền. Khi thực hiện chuyển đổi, thay vì việc ngân hàng tự động cập nhật thuê bao mới, khách hàng sẽ phải chủ động đến điểm giao dịch của ngân hàng để khai báo thay đổi số điện thoại liên hệ.
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải, Bộ đã làm việc nhiều lần với Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, do vướng vấn đề pháp lý nên ngân hàng không thể tự động cập nhật thuê bao chuyển đổi của khách hàng. Để có thể tiếp tục các dịch vụ, khách hàng buộc phải khai báo lại số điện thoại. Ngân hàng Nhà nước sẽ hỗ trợ việc tiếp nhận kế hoạch chuyển đổi chi tiết các đầu số của từng nhà mạng, thông báo đến các ngân hàng thương mại để các ngân hàng chuẩn bị nhân lực, kỹ thuật tiếp nhận một lượng lớn khách hàng thay đổi đầu số di động.
Cùng với ngân hàng, các nhà mạng cũng khuyến khích người dùng nên chủ động liên hệ với các bên liên quan như Facebook, Google, nhà trường, bệnh viện hay các dịch vụ trực tuyến khác có dùng số điện thoại làm tài khoản. Đại diện VinaPhone nhấn mạnh, khách hàng nên chủ động thu xếp thời gian để thay đổi các cơ sở dữ liệu (số điện thoại mới) của mình tại một số dịch vụ đặc thù như ngân hàng, bệnh viện, trường học để việc liên hệ được thông suốt, đặc biệt là đảm bảo quyền lợi và tài sản của mình. Ngoài ra, với khách hàng in số di động trên card visit, biển quảng cáo, bao bì cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Lưu ý thời điểm chuyển đổi của từng thuê bao
Các chuyên gia khuyến cáo, trước khi khai báo việc thay đổi số điện thoại của mình với ngân hàng, Facebook, Google và các bên liên quan khác, người dùng phải biết chính xác thời điểm chuyển đổi thuê bao của mình để tránh gián đoạn dịch vụ.
Theo kế hoạch được Bộ Thông tin và Truyền thông đặt ra thì từ 00h00 ngày 15/09/2018 đến 23h59 ngày 14/11/2018 sẽ thực hiện quay số song song, tức là thuê bao gọi đến cả mã mạng cũ và mã mạng mới đều nghe máy được. Từ 00h00 ngày 15/11/2018 đến 23h59 ngày 30/6/2019 là giai đoạn duy trì âm thông báo. Trong thời gian này, các cuộc gọi quay theo mã mạng mới được tiến hành bình thường, các cuộc gọi quay số theo mã mạng cũ được định tuyến và âm thông báo bằng cả hai thứ tiếng Việt và Anh. Từ 23h59 phút ngày 30/6/2019, cuộc gọi chỉ thành công khi người sử dụng quay số theo mã mạng mới. Tuy nhiên, đây là kế hoạch chung. Thời điểm chuyển đổi chi tiết của từng thuê bao sẽ do các nhà mạng quyết định.
Các nhà mạng Viettel, MobiFone và Vietnamobile chưa công bố kế hoạch chuyển đổi chi tiết. Tuy nhiên, đại diện các nhà mạng đều khẳng định trước khi chuyển đổi và sau khi chuyển đổi thành công sẽ nhắn tin báo cho khách hàng. Khách hàng có thể căn cứ trên tin nhắn thông báo của nhà mạng để chủ động việc cập nhật lại thuê bao của mình cho các bên liên quan.
Liên quan đến việc cập nhật lại các thuê bao 11 số trên danh bạ điện thoại, đại diện các nhà mạng cho biết đã xây dựng xong phần mềm hỗ trợ người dùng đồng bộ danh bạ. Khách hàng Viettel có thể đồng bộ danh bạ trên ứng dụng MyViettel. Theo đó, toàn bộ thuê bao 11 số của khách hàng lưu trong danh bạ (bao gồm tất cả các mạng Viettel, Vinaphone, Mobifone…) đều được tự động chuyển về 10 số. VinaPhone và MobiFone cũng hỗ trợ khách hàng tương tự trên ứng dụng MyVinaphone và MyMobifone. Với khách hàng sử dụng các dòng điện thoại phổ thông (feature phone), để được tự động chuyển đổi danh bạ, khách hàng có thể ra các điểm giao dịch của nhà mạng.
Tuy nhiên, thời điểm nào khách hàng có thể đồng bộ danh bạ vẫn đang được Cục Viễn thông và nhà mạng cân nhắc, bởi theo đại diện Cục Viễn thông, nếu đồng bộ danh bạ sớm, khi các đầu số còn chưa chuyển đổi hết có thể dẫn đến gián đoạn dịch vụ của khách hàng.
Hiện tại, Vinaphone, Gtel đã công bố kế hoạch chuyển đổi chi tiết. VinaPhone sẽ chuyển đổi trong 5 đêm. Thuê bao có đầu 0124 sẽ về đầu 084 từ đêm 15/9 đến rạng sáng ngày 16/9/2018. Đêm 18/9 đến rạng sáng 19/9/2018, đầu số 0127 chuyển sang 081. Đêm 21/9 đến rạng sáng 22/9/2018 đầu số 0129 chuyển sang 082. Đêm 23/9 tới rạng sáng 24/9/2018 đầu số 0123 chuyển sang 083. Đêm 25/9 tới rạng sáng 26/9/2018 để chuyển thành đầu số 085. Gtel chuyển đổi trong 4 đêm, đầu số 01992 sẽ chuyển về đầu 0592 vào đêm 15/9. Đầu số 01993 sẽ chuyển về đầu số 0593 vào đêm 17/9, đầu số 01998 sẽ về đầu số 0598 vào đêm 19/9 và đầu số 01999 sẽ về đầu số 0599 vào đêm 21/9.