Khi ấy Trầm 26 tuổi, đang là mẹ của bé trai hơn 2 tuổi. Chị gửi con nhỏ nhờ cha mẹ ruột chăm sóc, chạy xe máy lên núi với những đứa trẻ người Dao nói tiếng phổ thông còn chưa sõi.
Có lúc rơi nước mắt vì nản
Nhà Trầm ở xã Xuân Trường. Khoảng cách từ Xuân Trường đến điểm trường Cà Lò là 18 cây số. Nếu ở thành phố, khoảng cách này không phải trở ngại, còn ở vùng núi non lại là thách thức lớn, ngay cả với người đã quen vất vả như cô giáo tiểu học Lý Thanh Trầm. Chị kể: “Đường đã được mở thông nhưng vẫn rất khó đi. 8 km chạy trên đường quốc lộ thì tương đối dễ dàng, 10 km còn lại vừa đi vừa phải dắt xe máy. Cho nên, tôi không thể sáng đi dạy, tối về nhà, mà phải ở lại điểm trường, trong phòng công vụ dành cho giáo viên”. Chị nói tiếp: “Cà Lò là điểm khó khăn nhất của xã Khánh Xuân. Từ trung tâm xã vào đến Cà Lò hơn 30 cây số. Ở đây một số phụ nữ không biết chữ. Đàn ông biết chữ, học vấn tốt hơn nên có một số người đi làm thuê. Còn phụ nữ ở nhà đi hái rau, nuôi lợn, đi lấy củi về đun, việc trồng ngô cũng đến tay họ. Người Dao ở Cà Lò chủ yếu ăn ngô. Họ sống trong những ngôi nhà sàn, giao tiếp với nhau bằng tiếng của dân tộc mình”.
Điểm trường Cà Lò có 2 phòng học, các lớp được ghép với nhau, học sinh thưa thớt. Trầm giới thiệu: “Năm nay, lớp 1 chỉ có 5 em. Lớp 2 có 2 em. Lớp 3 có 5 em. Lớp 4 có 8 em”. Có kinh nghiệm dạy lớp ghép nhiều năm nhưng chị vẫn thấy: “Dạy lớp ghép khó trong truyền đạt kiến thức, đang dạy lớp 1 thì học sinh lớp 2 không tập trung, làm việc riêng hoặc ngó nghiêng và ngược lại”. Người phụ trách điểm trường Cà Lò lo lắng, sang năm có khi lớp 1 còn bị teo đi bởi nếu chỉ có 1 em đến trường thì không thể mở lớp. Khi ấy, phụ huynh muốn cho con đi học, phải chọn điểm trường khác nhưng lại xa nhà.
Chị cho biết, ở Cà Lò các con thường tự đi học, vì trường chỉ cách nhà khoảng 1 cây số. Nhưng 7 năm trước, khi Trầm mới đến Cà Lò, học sinh rất ngại đến trường. Nữ giáo viên 9x nhớ lại những ngày đầu bỡ ngỡ: “Giờ giấc ăn uống của các em ở nhà so với trường học lệch pha khá nhiều. Chẳng hạn, bữa sáng ở trường thường bắt đầu từ 6 giờ rưỡi đến 7 giờ. Còn ở nhà, các em lại ăn sáng vào lúc 10 giờ trưa. Ăn trưa vào lúc 2 giờ chiều. 9 giờ tối mới ăn bữa tối. Cho nên, 10 giờ trưa các em về nhà ăn cơm liền trốn biệt, buổi chiều không chịu đến trường học tiếp. Đã có lúc tôi khóc vì nản. Vượt đường xá hiểm trở đến đây với các em mà các em không chịu đi học. Được phân công phụ trách điểm trường, tôi phải đến từng gia đình vận động phụ huynh đưa các em trở lại trường học. Nhưng không phải lúc nào cũng thành công. Tôi thất bại ngay từ lần vận động đầu tiên”. Các em không chịu đi học biết bao giờ Cà Lò mới xoá được cái đói, cái nghèo? Trăn trở ấy khiến cô giáo tiểu học nhiều đêm mất ngủ. Cuối cùng, Trầm tìm ra giải pháp: Tổ chức bữa ăn trưa cho các em tại trường. Nhờ giải pháp này, thái độ của học trò liền thay đổi theo hướng tích cực. Chị phân tích: “Nếu để các em về nhà ăn trưa, các em sẽ trốn học vào buổi chiều, dần dần dẫn tới bỏ học. Ăn trưa tại trường giúp cô trò gắn bó nhau hơn. Các em ăn xong, chơi ngoài sân một lát rồi buổi chiều lại vào học. Không còn cớ trốn học”.
Với những đứa trẻ sống trong gia đình mà các thành viên chỉ giao tiếp bằng tiếng của dân tộc mình thì việc dạy học của giáo viên đòi hỏi kiên nhẫn hơn và nhất định họ phải biết tiếng dân tộc của các em. Học trò ở Cà Lò là người Dao. Lý Thanh Trầm là người Tày. Bảo Lạc là huyện có nhiều dân tộc thiểu số cùng chung sống. Là cô giáo tiểu học, Trầm buộc phải tìm hiểu và học thêm tiếng của một số dân tộc anh em. Trên lớp, các giáo viên dạy “song ngữ”, vừa nói tiếng phổ thông, vừa nói tiếng Dao. Nếu dạy bằng tiếng phổ thông các em không tiếp thu được, giáo viên liền chuyển sang nói bằng tiếng Dao. Các giáo viên cứ dùng “song ngữ” cho đến khi các em nghe và nói tiếng phổ thông trôi chảy mới dừng. Cô giáo người Tày khoe: “Bây giờ không chỉ học trò nói được tiếng phổ thông, một số phụ huynh cũng nói được tiếng phổ thông rồi, dù vốn từ của họ còn rất hạn chế”. Trong giao tiếp của người Dao ở Cà Lò hôm nay không chỉ có tiếng Dao được sử dụng mà tiếng phổ thông cũng đã được dùng. Thành quả ấy có một phần công sức của những giáo viên bám xóm nghèo, heo hút như Trầm.
Ngoài dạy chữ cho trẻ, Trầm và các giáo viên tiểu học ở đây còn phải dạy các em những điều nhỏ bé trong cuộc sống. Có những chuyện ngộ nghĩnh khiến chị nhớ mãi: “Vài bạn nhỏ mùa hè thì mặc áo phao, mùa đông lại mặc một manh áo mỏng. Tôi hỏi: Các em mặc như thế này trong mùa đông không lạnh sao? Các em đáp: Không lạnh. Miệng các em nói thế nhưng người lại run bần bật.Tôi phải nhắc các em, mùa hè thì mặc áo mỏng, mùa đông mặc áo ấm. Bây giờ các em không còn làm chuyện ngược đời nữa”. Mùa đông miền biên viễn thường lạnh, 7 năm đón đông ở Cà Lò, Trầm đã tận thấy 3 lần tuyết rơi.
Chỉ muốn cô giáo ở lại thôi
Tết đến xuân về những đứa trẻ ở điểm trường Cà Lò không khoe quần áo mới. Lý Thanh Trầm kể: “Bố mẹ cho các em mặc thế nào thì các em mặc như thế, không đòi hỏi. Quần áo mới không có, quần áo cũ cũng bị rách, vì cha mẹ các em vài năm mới sắm cho các con một bộ quần áo mới nhân một dịp đặc biệt nào đó. Hồi mới về Cà Lò nhìn các em thương quá nên tôi xin quần áo của một số tổ chức từ thiện cho các em. Trầm còn kết nối được với tổ chức thiện nguyện để tổ chức đón tết cho bà con Cà Lò. Chị kể: “Ngày tết không phải nhà người Dao nào ở Cà Lò cũng có bánh chưng. Gia đình có điều kiện mới làm vài cái bánh chưng cho con. Ăn dăm cái bánh chưng là hết Tết rồi”.
Dù cuộc sống ở Cà Lò khó khăn vô vàn, cách biệt với thế giới văn minh bên ngoài nhưng ấm áp tình người. Trầm kể, khi giáo viên kêu gọi trợ giúp các phụ huynh luôn chung tay. Họ sẵn sàng cùng điểm trường sang sửa lớp học, san nền làm bếp. Quan hệ giữa phụ huynh và giáo viên thân gần như người nhà. Lý Thanh Trầm vừa được chuyển công tác về điểm trường gần nhà hơn, nơi có điện, có sóng điện thoại, có Internet. Khi chia tay, phụ huynh nắm tay cô giáo nói rằng: “Không muốn cho cô đi đâu, muốn cô ở đây thôi”. Chị vừa phát hiện vấn đề về sức khoẻ nên không thể tiếp tục ở lại. Hơn 7 năm xa nhà, con trai của Trầm cũng đã vào tuổi thiếu niên. Trầm cần gần con nhiều hơn vì chị đang gánh cả vai trò làm cha lẫn làm mẹ. “Tôi đã chia tay bố của con trai từ khi con còn nhỏ. Cũng là lỗi tại tôi, tôi không thể thường xuyên ở nhà để cáng đáng công việc gia đình, lo lắng cho con cái như một người vợ, người mẹ bình thường”, chị trải lòng.
Lý Thanh Trầm thú nhận: Đã có những lúc tinh thần chị suy sụp, muốn bỏ Cà Lò, bỏ những đứa trẻ người Dao để trở về bên gia đình. Nhưng cha mẹ chị động viên con gái: “Cứ để con nhỏ ở lại, cha mẹ giúp chăm sóc. Mọi thứ không thể cứ khó khăn mãi, rồi đường xá ở Cà Lò sẽ tốt lên, đời sống sẽ tốt lên”. Nghe cha mẹ động viên, Trầm lại bước tiếp. Sống không thể thiếu niềm tin và hy vọng. Như xã Xuân Trường, nơi Trầm sinh ra và lớn lên, cách đây hơn 40 năm không có đường ô tô, không có điện, chuồng gia súc được làm ngay dưới nhà sàn. Bây giờ đã khác, Xuân Trường đã có điện, có Internet, lại còn là điểm du lịch được nhiều khách phương xa tìm đến vì cảnh sắc hữu tình.
7 năm ở điểm trường Cà Lò, Trầm thấm thía nỗi vất vả của người dân nơi đây. Chị chia sẻ: “Ở đây không có nước máy, nước nguồn cũng không, chỉ chờ vào thời tiết, trời mưa hứng được nhiều nước sẽ có nước dùng dài ngày. Nhưng trời không mưa thì nhà nhà thiếu nước sinh hoạt. Chẳng hạn, thời điểm này trời không mưa chỉ có sương, người dân sẽ thiếu nước. Muốn có nước phải đi lấy ở rất xa”. Những giáo viên ở điểm trường Cà Lò thực hiện nhiều biện pháp tiết kiệm nước tối đa: “Chúng tôi vo gạo xong không đổ nước đi mà đun nóng lên để rửa bát. Việc tắm rửa, vệ sinh chỉ qua loa, nhanh chóng. Muốn tắm rửa sạch sẽ, thoải mái phải đợi đến cuối tuần học trò nghỉ, cô giáo được về nhà”. Để cải thiện phần nào vấn đề khan nước sinh hoạt, Trầm lại kết nối các tổ chức từ thiện xin téc nước. Người Cà Lò sống cảnh không điện rất nhiều năm, bây giờ đã có nguồn điện từ năng lượng mặt trời. Ban đêm mỗi ngôi nhà đã có chút ánh sáng, tuy chưa đủ xoá bóng đêm mịt mù.