Tôi về xóm Mỗ Thượng, xã Yên Khang, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, nơi ông Khưnưmôtô đã cùng vợ con sinh sống trong thời gian ông bỏ hàng ngũ quân Nhật đến khi gia nhập quân đội Việt Nam, chiến đấu và hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Ông Vũ Mạnh Hùng- con trai ông Khưnưmôtô đưa tôi đến mảnh đất mà gia đình ông đã sống lúc ông còn nhỏ.
Trên mảnh đất này trước đây có hai ngôi nhà. Một ngôi của ông Khưnưmôtô và vợ là bà Mai Thị Tuyết. Ngôi bên cạnh là nhà ông Mai Văn Đảng - anh ruột bà Tuyết. Gần 50 năm trôi qua, nhà bà Tuyết không có người ở nên đã hư hỏng. Ông Đảng đã trồng lên mảnh đất đó nhiều loại cây ăn quả, cây nào cũng xanh tốt.
Ông Hùng đứng lặng im rất lâu, nhớ lại những kỷ niệm thời thơ ấu và kể cho tôi nghe về mẹ ông, bà Mai Thị Tuyết. Qua lời kể đầy xúc cảm của ông, tôi hình dung ra quãng đường dài từ những ngày mẹ ông rời quê lên Hà Nội, sống một thời gian ở 64 phố Nhà Chung. Lúc đó bà đang là một thiếu nữ trẻ trung, xinh đẹp. Gia đình bà mở một cửa hàng ăn nhỏ tại phố Đường Thành. Trong số lính Nhật thường tới ăn ở quán, bà mến ông Khưnưmôtô, một người lính hiền lành, vui vẻ. Trong câu chuyện hàng ngày ông tỏ thái độ thông cảm với nỗi khổ của những người dân Việt và bất bình trước những việc làm của quân Nhật.
Ông quý mến bà, hai người yêu nhau và gia đình bà đồng ý cho ông bà cưới nhau năm 1943. Sau đám cưới, ông lấy tên Việt Nam là Vũ Chí Thành. Cả nhà vui mừng khôn xiết khi cậu con trai đầu lòng Vũ Mạnh Hùng ra đời. Năm 1945, ông bỏ hàng ngũ quân đội Nhật đưa vợ con về quê vợ sinh sống. Sau một thời gian, ông tham gia quân đội Việt Nam, vinh dự khi trở thành anh bộ đội cụ Hồ nên ông lấy tên mới là Hồ Mai Thanh, chiến đấu tại Sư đoàn 354. Ông lập được nhiều chiến công nên được đề bạt chức vụ đại đội phó. Ông hy sinh ngày 15/2/1950 sau một trận đánh đồn tại Hưng Yên. Năm 1958, ông được truy tặng Huân chương Chiến thắng.
Đám cưới của Vũ Anh Phong - cháu nội của ông Khưnưmôtô. Người thứ 2 từ phải sang là ông Vũ Mạnh Hùng (Ảnh gia đình cung cấp)
Biết chúng tôi về thăm, ông Mai Văn Đạt, một người bạn của ông Khưnưmôtô chống gậy sang chơi. Ông Đạt năm nay đã 89 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn. Ông say sưa kể cho chúng tôi nghe về những đêm ông Khưnưmôtô huấn luyện quân sự cho du kích trong xã, những buổi diễn tập tiếp cận đồn địch lấy lá cờ treo trên chòi canh. Ông kể về những buổi kiểm tra quân sự khắt khe và cả về thanh gươm dài mà ông Khưnưmôtô thường đeo bên mình.
Anh Mai Văn Huy, con trai ông Đảng, nguyên là sĩ quan quân đội kể lại lúc bố anh còn sống, ông thường nhắc tên người em rể Khưnưmôtô với niềm kính phục và chuyện cả xã Yên Khang đau buồn khi biết tin ông Khưnưmôtô hy sinh. Bố anh kể rằng: Hôm ấy, đánh xong đồn giặc ở Hưng Yên, ông Khưnưmôtô cùng đơn vị bơi qua sông về căn cứ. Chiến sĩ liên lạc của đơn vị bị cuốn vào dòng nước xoáy. Ông bơi đến cứu, nhưng vì đuối sức nên cả hai cùng hy sinh. Nhân dân tìm thấy thi thể hai người đồng đội ấy, một người Nhật, một người Việt, vẫn ôm lấy nhau ở bến đò Tân Đệ, Thái Bình.
Chia tay chúng tôi, ông Vũ Mạnh Hùng và những người thân trong gia đình đều nói lên nỗi niềm day dứt đã bao năm nay, đó là đến bây giờ vẫn chưa biết quê hương của ông Khưnưmôtô ở đâu trên đất nước Nhật Bản để tìm về cội nguồn. Trong chiến tranh, gia đình di chuyển nhiều nơi nên các giấy tờ liên quan đến thân thế ông Khưnưmôtô đã bị thất lạc.
Hy vọng qua bài viết này, những ai biết về ông Khưnưmôtô sẽ cung cấp thêm thông tin để gia đình ông Vũ Mạnh Hùng có thể tìm được quê hương của ông trên đất nước Mặt Trời mọc.
Địa chỉ của ông Hùng:
188 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội.
ĐT: 0934550710
Nguyễn Đình Lâm
Tiến sĩ - nhà văn