Chuyện một người chiến sĩ

TP - Để lại cánh tay phải nơi chiến trường, nỗi đau thể xác và tinh thần lúc đầu tưởng chừng tuyệt vọng… Nhưng, mấy chục năm phục vụ trong quân ngũ, ông là một quân nhân mẫu mực, với gia đình, ông là trụ cột của một tổ ấm hạnh phúc. 
Những nỗ lực của họa sĩ thương binh một tay Nguyễn Đình Lực đã cho ra đời những bức tranh sơn dầu sống động, tinh tế, không thua kém những họa sĩ chuyên nghiệp. Ảnh: Cảnh Kỳ.

Đánh đàn, thổi sáo, viết nhạc, vẽ tranh, chơi thể thao… Mà không chỉ chơi mà còn giành huy chương. Tất cả, chỉ với cánh tay trái còn lại và nghị lực của một người chiến sĩ. 

Ông là trung tá thương binh hạng 3/4 Nguyễn Đình Lực (phường An Hòa, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ). 

Vượt lên chính mình

Một chiều cuối tuần của tháng 12, tại căn nhà khang trang và đầy đủ tiện nghi nằm trong con hẻm ở nội ô thành phố Cần Thơ (cơ ngơi có được từ nỗ lực gây dựng của vợ chồng trung tá thương binh), tôi bị thu hút bởi những bức tranh sơn dầu khổ lớn mà tác giả chính là chủ nhà, người thương binh một tay Nguyễn Đình Lực. Chính ông cũng không nhớ nổi bàn tay trái  của mình đã vẽ bao nhiêu bức tranh như vậy. Những bức tranh sống động, tinh tế. Câu chuyện bắt đầu từ câu nói giản dị của ông: “Tất cả là do mình cố gắng thôi”.  

Sinh ra ở vùng quê nghèo chiêm trũng thuộc xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, từ nhỏ đã đam mê hội họa, được cha (là họa sĩ) hướng dẫn cùng với hoa tay “tự nhiên”, Nguyễn Đình Lực đã trở thành một “họa sĩ làng”.  

Những ngày mùa xuân 1975, Nguyễn Đình Lực tạm gác đam mê, lên đường nhập ngũ, trở thành một chiến sĩ thông tin tại chiến trường Bình Trị Thiên. Tháng 9/1977, ông được điều động vào Tây Nguyên. Trong một lần làm nhiệm vụ, ông không may lọt vào ổ phục kích của địch. Cánh tay phải bị trúng đạn, dù được các bác sĩ hết lòng cứu chữa nhưng không thể giữ lại được.

Vượt qua những ngày đầu đau đớn tưởng chừng như tuyệt vọng, ông bắt đầu tập viết, tập vẽ bằng bàn tay trái còn lại. “Vạn sự khởi đầu nan, những ngày đầu rất khó khăn, là cả một thách thức ngỡ rằng không qua nổi, tự hỏi mình có vượt lên được không? Nhưng rồi, nhớ lời Bác dạy thương binh “tàn mà không phế”, “không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền…”, nhớ đến những tấm gương, những anh hùng, tôi lại tiếp tục vẽ, nhiều khi quên ăn quên ngủ…” – ông chia sẻ. 

Trời không phụ lòng người, những cố gắng của ông rồi cũng dần có được thành quả, bàn tay trái quen dần và làm chủ được cây bút, cây cọ, làm chủ được từng nét vẽ, ánh sáng của những đam mê, ánh sáng tương lai dần mở ra cho một họa sĩ thương binh đầy nghị lực.

Nghệ sĩ thương binh tài hoa Nguyễn Đình Lực thể hiện ca khúc “Tấm áo mẹ vá năm xưa”. Ảnh: Cảnh Kỳ.

Bức tranh tỏ tình

Cùng với quyết tâm, nỗ lực khổ luyện, một điều đặc biệt đã đến với ông trong những ngày khó khăn. Thời gian ông được điều trị vết thương, một nữ đồng đội đã luôn bên cạnh chăm sóc, động viên ông, bức tranh đầu tiên vẽ bằng tay trái của ông chính là vẽ người đặc biệt này, đó cũng là lời tỏ tình của chàng thương binh với cô gái đồng đội quê Hà Nam. “Cô ấy đến khi mình đã mất một cánh tay, thế mới đáng trân quý chứ” – ông cười hiền. 

Bà là Trần Thị Mỳ, bạn đời của ông. Không phải vì lòng thương hại, chính sự mến phục và yêu quý đã đưa bà đến với ông, mặc cho những lời qua tiếng lại, gia đình can ngăn. Bà nhớ lại: “Bức tranh lúc đó tuy không đẹp nhưng là một kỷ niệm không thể nào quên, đó là quyết tâm, là nghị lực và hơn thế nữa lại chính là lời tỏ tình của ông ấy”.

Đó cũng là bức tranh đánh dấu sự bắt đầu của họa sĩ một tay Nguyễn Đình Lực, cũng từ đó, bà đã song hành cùng ông trong cuộc đời và là chỗ dựa cho ông trên bước đường nghệ thuật. Không chỉ vẽ, ông tích cực tập luyện đàn ghi ta, đàn bầu, thổi sáo, hát… (những “món nghề” đã đưa ông thành một “giọng ca vàng” của Quân khu 9 sau này).

Tài hoa “nở rộ” nơi quê hương thứ hai

Sau khi về quê, chuyển ngành làm cán bộ tuyên huấn của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nam Ninh (cũ), cuộc sống của người thương binh một tay gặp nhiều khó khăn. Năm 1986, một dịp ông vào Cần Thơ, biết ông là người có tài hội họa và rất nghị lực, các đồng chí ở Quân khu 9 đã đề nghị ông trở lại phục vụ quân đội. Từ đây, Cần Thơ và Quân khu 9 là nhà, là quê hương thứ hai của ông, nơi ông tiếp tục cống hiến, nỗ lực phát huy khả năng với những bức tranh, bản nhạc của một họa sĩ, nghệ sĩ thương binh vượt lên chính mình.

Suốt thời gian công tác tại Nhà văn hóa Quân khu 9, dù công việc chính là họa sĩ phụ trách trang trí cho bảo tàng của Quân khu, các phòng truyền thống của các đơn vị…, nhưng thương binh Nguyễn Đình Lực còn nổi tiếng trong và ngoài Quân khu với những lần tham gia hội diễn văn nghệ, được mời đi biểu diễn nhiều nơi. Hát và đệm ghi ta, độc tấu sáo, độc tấu đàn bầu… đã mang về cho ông nhiều huy chương, nhiều bằng khen, giấy khen trong nhiều năm tại các hội diễn văn nghệ của Quân khu và toàn quốc. Chia sẻ về âm nhạc, ông cho biết hồi còn trong quân ngũ có học một thời gian ngắn tại Đoàn văn công Quân khu 4, được gặp và được nhạc sĩ Thuận Yến chỉ dẫn về sáng tác, song để chơi đàn, thổi sáo chỉ với một tay thành công như vậy thì ông phải tự học và khổ luyện là chính.   

“Tấm áo ấy bấy lâu nay con thường vẫn mặc. Để nhớ ngày chúng con về Hà Bắc, quần nhau với giặc, áo con rách thêm…” Dứt tiếng đàn và lời ca bài hát “Tấm áo mẹ vá năm xưa” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý (ca khúc từng đem về cho ông huy chương bạc tiếng hát người khuyết tật toàn quốc năm 2014), ông kể lại những ngày đầu khi mới vào Cần Thơ, trở lại phục vụ quân đội, với bao bộn bề lo toan. Gia đình 5 người sống tạm tại mảnh đất mượn của Bảo tàng Quân khu 9. Ngoài giờ làm việc, ông tích cực vẽ, viết thêm ở ngoài, vợ ông thì bán tạp hóa hay làm những gì có thể để kiếm đồng ra đồng vào, nuôi con ăn học. 

Cuộc sống cứ bình yên trôi qua trong sự lạc quan, yêu đời và nỗ lực cố gắng không ngừng nghỉ của ông và gia đình, những bức tranh của ông ngày càng được nhiều người biết đến, đơn đặt hàng cũng ngày một nhiều lên… Rồi ông cũng có một căn nhà hai lầu khang trang, ba người con trai lần lượt học hành, thành đạt, lập gia đình, trong đó một người hiện công tác trong ngành công an của thành phố Cần Thơ. Lao động vất vả, khổ luyện nhiều năm khiến trái tim ông mang bệnh phải mổ, ba lần tai biến, vợ ông cũng mang khối u hai lần phẫu thuật, ông bà vẫn chăm sóc nhau và vượt qua tất cả. “Ông trời chưa gọi đến mình” – ông cười.

Dù đã nghỉ hưu, năm nay 66 tuổi nhưng hàng ngày ông vẫn chạy xe máy đến phòng vẽ (tại Câu lạc bộ Hưu trí thành phố) cùng hai đồng nghiệp khác tiếp tục niềm đam mê hội họa. Những ngày cuối năm dương lịch, ông vẫn đang bận rộn với hai bức tranh khổ lớn cho khách hàng ở thành phố Hồ Chí Minh. Khi được hỏi về thu nhập từ vẽ tranh, ông nói: “Bây giờ làm vì mình vẫn còn làm được, làm lấy niềm vui thôi, không quan trọng tiền bạc đâu”. Lúc rảnh rỗi ông còn chơi bóng bàn, vừa giải trí vừa rèn luyện sức khỏe, ông từng đi thi đấu toàn quốc dành cho người khuyết tật và còn là Phó Chủ tịch Hội Thể thao người khuyết tật thành phố Cần Thơ.

Một trong những bài hát yêu thích của ông là ca khúc “Cuộc đời vẫn đẹp sao” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. “Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao. Dù đạn bom man rợ thét gào. Dù thân thể thiên nhiên mang đầy thương tích…” - ông đàn và hát tặng tôi trước lúc chia tay.

Một tay làm nên tất cả

Một kỷ niệm đặc biệt được ông chia sẻ là lần vẽ quảng cáo trên phà Cần Thơ, ông đã dũng cảm nhận lời đặt hàng và hoàn thành tác phẩm khi treo mình để vẽ hai bên thành phà lúc phà đang chạy. 

Theo đại tá Trần Hùng – Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP.Cần Thơ (nguyên Phó Chủ nhiệm Nhà văn hóa Quân khu 9, nguyên Phó trưởng Phòng Tuyên huấn Quân khu 9), trung tá Nguyễn Đình Lực là một thương binh nhiều nghị lực vươn lên trong cuộc sống, trách nhiệm trong công việc, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Dù chỉ một tay nhưng ông có thể cắt kẻ khẩu hiệu, trang trí khánh tiết, vẽ tranh theo yêu cầu, thậm chí leo thang đóng đinh, đặc biệt là thổi sáo, đánh đàn… “Từ một công nhân quốc phòng thành một quân nhân chuyên nghiệp, về hưu mang hàm trung tá là cả một nỗ lực rất lớn. Hơn nữa, dù mắc trọng bệnh nhưng ông vẫn rất lạc quan, phấn đấu xây dựng gia đình từ khó khăn trở nên khá giả, con cái trưởng thành… Đó là tấm gương sáng về người lính Cụ Hồ.”