Bùi Bắc từng là biên tập viên Nhà XB Kim Đồng. Đã từng vài chục niên cùng công tác ở cơ quan T.Ư Đoàn. Rồi một thời gian dài chung bàn ở nhà ăn tập thể 55 Quang Trung. Về hưu lại chung cái bàn bóng. Nhưng một dịp tình cờ, tôi phát hiện ra lão không phải tên Bắc mà là một cái tên khác. Cái tên ấy được phát lộ trong một gia cảnh không thường.
…Năm rất xa, trong cuộc gặp dịp Tết ở nhà một người bà con, một ông cán bộ cỡ “bự” bỗng chỉ vào Bùi Bắc (BB) rồi oang oang “Bố anh này đã kết nạp ông Lê Duẩn vào Đảng”. Bà con họ hàng ngạc nhiên. Kể cả Bùi Bắc nhưng BB không dám hỏi. Về nhà anh gạn chuyện bố thì ông từ tốn.
“Năm đó ông Duẩn tròn 20 tuổi, làm bên đường sắt. Là một thanh niên yêu nước, muốn tìm đến Đảng, nhờ người giới thiệu, ông Duẩn tìm đến cha, lúc đó cha đang làm bí thư tỉnh ủy bí mật Quảng Nam, làm việc ăn lương ở Sở Bưu điện Tourane (nay là TP Đà Nẵng). Thấy ông Duẩn chân thành, nhiệt huyết, cha rất quý và sốt sắng muốn kết nạp ông vào Đảng.
Nhưng những người khác không chịu. Họ nói anh này thuê nhà trọ ở cùng với một người có cha là tri huyện. Nếu ông Duẩn tham gia thì tổ chức sẽ bị lộ. Sau đó, ông Duẩn gia nhập Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, một tổ chức khác của Cộng sản”.
Chỉ khi BB nhiệt tình mở chuyện thì chúng tôi mới biết ông có người cha độc đáo.
Cụ tên Bùi Châu. Bạn thân với học giả Đào Duy Anh. Có lần, BB hỏi: “Có phải ông Trần Phú kết nạp bác với cha cháu vào Đảng không?” Ông Đào trả lời: “Không phải. Ông Trần Phú, cha cháu và bác thì cũng chỉ là một lứa thanh niên đầu tiên tham gia Hội yêu nước Phục Việt. Hội này lớn mạnh nhanh chóng, sau nhiều lần đổi tên, tháng 7 năm 1928 thì tổ chức Đại hội, đổi thành Tân Việt Cách mạng Đảng (TVCMĐ), bác được bầu làm Tổng bí thư.
Ông Trần Phú, năm 1927 được cử đi học Đại học Đông phương ở Liên Xô, năm 1930 ông về làm Tổng Bí thư Đông Dương cộng sản Đảng (ĐDCSĐ). Năm 1927 cha cháu cũng được cử đi học như vậy nhưng vì đã lấy vợ, có con một tuổi nên sau khi suy nghĩ kỹ cha cháu từ chối vì không muốn xa vợ con”.
TVCMĐ tập hợp các trí thức, phần là lớn giáo viên, công chức, có cả những trí thức nổi tiếng như Đào Duy Anh, Cao Xuân Huy, Đặng Thai Mai... TVCMĐ chủ trương “Đánh đổ đế quốc, xây dựng một xã hội bình đẳng, bác ái...”.
Cụ Bùi Châu trở thành một trong những người Cộng sản đầu tiên. Làm việc ở bưu điện, cụ làm nhiệm vụ nhận và phân phối sách báo, tài liệu gửi từ hải ngoại về chủ nghĩa Mác, bao gồm cả báo “Nhân Đạo”, “Người cùng khổ” v.v... Có lần BB thấy trong quyển lý lịch cha mình có lưu một tờ giấy chữ đẹp viết nắn nót, ký tên Đào Duy Anh. Giấy ấy chứng năm 1928, khi ông Đào Duy Anh là Tổng bí thư thì cụ Bùi Châu được Bầu vào Ban chấp hành trung ương TVCMĐ.
Năm 1929, TVCMĐ chia làm hai phái, một phái thành lập Liên Đoàn Việt Nam, đấu tranh giải phóng đất nước. Phái thứ hai thành lập Đông dương Cộng sản Liên Đoàn tiếp tục con đường chủ nghĩa Mác-Lê.
Bùi Châu, cha BB bị bắt năm 1930. Mặc dù kiên quyết không khai báo, nhưng do người khác đã khai ra, cụ vẫn bị kết án ba năm tù, là một trong những người tù lâu nhất của Tân Việt hồi đó. (Chi tiết này BB cho biết có ghi rõ trong Lý lịch cán bộ của cha mình).
Năm 1933 ra tù, vẫn trong thời kỳ khủng bố gắt gao, cụ Bùi Châu lặng lẽ về quê Kỳ Anh, Hà Tĩnh, sinh sống làm ăn ở đó cho đến năm 1954.
Ông Đào Duy Anh vào tù sớm hơn BC một chút. Ra tù, ông say mê nghiên cứu khoa học xã hội. Trong những năm ba mươi, ông biên soạn một bộ từ điển Pháp-Việt lớn, hai tập, rất được ưa chuộng. Về bộ từ điển này, BB kể cho tôi nhiều chuyện thú vị. Nhưng xin hầu bạn đọc vào dịp khác.
Hai ông Đào Duy Anh và Bùi Châu thỉnh thoảng vẫn thư từ thăm hỏi nhau. Năm 1956, biết ở Nghệ-Tĩnh tiến hành Cải cách ruộng đất tàn khốc. Thương bạn, ông gửi thư cho ông Bùi Châu mời ra Hà Nội. Ông nói thêm là sắp xuất bản một bộ sách lớn, ông sẽ dùng một phần nhuận bút mua cho Bùi Châu một căn nhà. Lúc đó Bùi Châu còn 4 con đang đi học, viện rằng tuổi đã cao ngại đi xa nên từ chối.
Buổi sáng cuối cùng của cụ Bùi Châu trong BV Việt Xô, ông Đào ngồi bên giường bệnh cùng với mẹ và bảy chị em của BB. Lúc ra về, ông đưa cho BB một mảnh giấy nhỏ, chữ nắn nót, chép bài thơ.
“Mừng anh nhẹ bước ngoài tro bụi,
Tôi vẫn loay hoay với kiếp người.
Anh hết nổi chìm trong bể khổ.
Tôi còn nặng gánh sầu muôn đời”.
Đào Vệ Thạch (một bút danh của Đào Duy Anh) bái khốc!
Học giả Đào Duy Anh mất năm 1988, sau người cha của Bùi Bắc 7 năm.
Ông Đào từng muốn người bạn già Bùi Châu chuyển ra Hà Nội mà không thành. Nhưng một người lại làm được việc này. Người đó là TBT Lê Duẩn.
Mỹ đẩy mạnh chiến tranh phá hoại leo thang phá hoại. Năm 1966, nhà cụ Bùi Châu ở thị xã Hà Tĩnh bị cháy trụi. Lúc này cụ đã 63 tuổi và hoàn tất thủ tục nghỉ hưu ở Hà Tĩnh. TBT Lê Duẩn thu xếp cho cụ Châu làm một cán bộ nghiên cứu ở UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Cơ quan mới cấp cho cụ một căn hộ nhỏ trong khu tập thể UBTW MTTQVN, 52 Quán Sứ, Hà Nội.
Trong thời gian ở Hà Nội, mỗi lần cụ Châu ốm nặng, ông Duẩn đều đến thăm. Có lần, trong Bệnh viện Việt Xô, đứng giữa đám người nhà và một số y bác sỹ vây quanh, ông Duẩn nói: “Tôi luôn luôn xem anh chị Bùi Châu như anh chị ruột của tôi”.
Tết năm 1984, BB chở mẹ đến chúc Tết ông Lê Duẩn tại nhà riêng. Lúc tiễn, ông cũng nhắc lại đúng câu trên với những khách khác.
Tại đám tang, người đầu tiên vào viếng Bùi Châu là TBT Lê Duẩn với một vòng hoa cá nhân ghi tên ông và một vòng hoa to hơn có dòng chữ “Ban Chấp hành TW ĐCSVN kính viếng”.
Bùi Bắc nói thêm “Có nhiều người nói về ông Lê Duẩn thế này thế khác. Nhưng với anh em tôi đều hết sức kính trọng ông vì cái tình nghĩa thủy chung đối với bạn bè thủa hàn vi”.
Sau đám tang, nhiều người cùng cơ quan nói với BB: “Bắc khiêm tốn và kín tiếng thế! Ở NXB Kim Đồng và cả T.Ư Đoàn chưa ai biết là gia đình Bắc có mối quan hệ với ông Lê Duẩn”.
Trong câu chuyện BB còn cho biết, cha anh vốn chơi thân với người em gái TBT Trần Phú - bà Trần Thị Loan, cùng hoạt động trong tổ chức TVCMĐ. Sau năm 1975 cụ Châu có gặp lại bà Loan. Chuyện khá ly kỳ. Phạm vi bài viết này có hạn xin khất bạn đọc một dịp khác.
Mùa hè năm 2020, BB về thăm quê. Chuyến hành hương này đã bổ sung nhiều chuyện về người cha mà khi cụ còn sống, BB không hề biết. Nhiều vị lão thành cách mạng còn sống ngồi với BB ôn lại những kỷ niệm thời kháng chiến chống Pháp cụ Châu làm Chủ tịch ủy ban huyện Kỳ Anh. Rồi hòa bình đảm nhận chức Phó ty Y tế Hà Tĩnh!
Nhiều vị tấm tắc rằng cụ Châu có một điểm rất lạ là suốt mấy chục năm ở huyện rồi lên tỉnh chưa hề có ai biết là cụ từng hoạt động cách mạng trước 1930. Mãi đến đầu những năm 60, Tổng bí thư Lê Duẩn về Hà Tĩnh tìm đến nhà, người ta mới biết láng máng… Trong khi những người khác thường khoe khoang, thậm chí thêm thắt vào, khai man, để hưởng bổng lộc.
Gần 20 năm sau khi mất, cụ Bùi Châu được truy tặng Huân chương độc lập hạng Nhì.
BB có tới mấy cái giấy khai sinh, một bản chép tay và nhiều bản đánh máy. Bản chép tay tên Bùi Văn Bác mà các bản đánh máy lại là Bùi Bắc. Cụ Châu đặt tên khai sinh cho con là Bác có nghĩa là uyên bác! Cái tên hay nhưng mấy bà chị của BB “tố” với cha rằng “Bác với chả chú! Cha định bắt người lớn cũng phải gọi nó bằng bác à?”. Ông cụ không nói gì, chỉ cười lành!
BB vào học lớp 1. Trong lớp có một số thằng nghịch ngợm, xuyên tạc Bùi Bắc thành Bò Bắc. Oái oăm, dân Hà Tĩnh hồi đó, thay vì nói đi ăn thịt chó thì họ lại nói là ăn thịt bò Bắc. Quán thịt chó thì treo biển “Thịt bò Bắc”. BB ấm ức, không muốn đi học nữa.
“Thấy tôi trốn học, lại chứng kiến một ông bạn đứng trước cửa, réo: “Bò Bắc! Bò Bắc!...”, anh rể tôi viết một bức thư, bảo tôi đem chuyển cho thầy giáo. Chữ người lớn khó đọc nên tôi không hiểu nội dung bức thư ngoài chữ Bùi Việt Bắc. Từ đó thầy giáo bắt đầu gọi tôi là Bùi Việt Bắc và trong sổ điểm của thầy cũng ghi tên này. Tôi mang tên này cho đến tận bây giờ và tất cả các giấy tờ tùy thân đều là Bùi Việt Bắc, dù tôi không thích. Tôi thích nhất là cái tên cha tôi đặt lúc đầu”.
Dạo dịch Covid-19 đang hoành hành, một chiều bóng bàn, tự dưng ngó khí sắc BB vượng hẳn lên. Hóa ra có tin vui thật. Cái tin Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển phối hợp cùng với phân hội Từ điển học thuộc Hội Ngôn ngữ học tổ chức tọa đàm giới thiệu cuốn sách “Vui buồn cùng tiếng Việt” tác giả là Bùi Bắc.
Về cuốn sách của BB (NXB Hội Nhà văn ấn hành trước Tết Nhâm Dần, 188 trg, gồm hơn 60 bài viết) đọc khá thú vị. Nhưng có lẽ phải mượn và trích lời nhận xét của PGS. TS Phạm Văn Tình trong cuộc hội thảo về tác phẩm.
“Là biên tập viên kì cựu ở NXB Kim Đồng, Bùi Việt Bắc còn được nhiều bạn đọc biết đến với tư cách một dịch giả. 30 năm miệt mài với chuyện chuyển ngữ (từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, trong đó có tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Hán…), Bùi Việt Bắc đã tích lũy cho mình một hành trang, vốn liếng không hề nhỏ. Khi tiếp xúc với các bản dịch (hay bài viết liên quan), ông phát hiện ra rất nhiều nhầm lẫn, sai sót về cách dùng từ, dùng ngữ, diễn đạt… Cuốn sách, đề cập khoảng 60 từ thôi. 60 từ là 60 vấn đề. Ông phát hiện ra sự nhầm lẫn tai hại của những từ tưởng như đã rất quen (tới mức gần như “đóng đinh”) trong sách báo tiếng Việt. Ông lên tiếng nhắc nhở về những từ ngữ cũ tiếng Việt “bị thất truyền” nay nên dùng lại thế nào cho phải khi dịch. Ông lưu ý những người sử dụng tiếng Việt đừng quá dễ dãi khi chấp nhận những từ, những tổ hợp tưởng như đã quen thuộc không sai nhưng “ngô nghê”... Với Bùi Bắc, mỗi từ, mỗi ngữ, mỗi trường hợp liên quan tới dịch thuật đều có thể thành một câu chuyện ngôn từ. Với người đọc bình thường đã thú vị, nhưng càng thú vị hơn với những ai đang làm công việc viết lách, nghiên cứu, dịch thuật v.v.”.
Lần đó tôi ngỏ với BB là nên dụng công làm cuốn hồi ký! BB bộc bạch rằng, nhiều người cũng hối thúc anh như vậy nhưng ngại cái nỗi cụ nhà sinh anh khi đã trên 40 tuổi, tính cụ lại kín đáo ít khi bộc bạch với con cái thành thử tư liệu còn mỏng. Và nhiều tư liệu về cụ còn đương tản mát, thất lạc phải mất nhiều công sức hệ thống.
Nghe vậy thì biết vậy. Nhưng tôi biết anh đương rất quyết tâm.
CLB Bóng bàn lâu nay vắng đi thành viên BB. Anh sang Úc chơi với con cháu đương định cư bên ấy.
Rồi đùng cái, chúng tôi nghe một tin chẳng lành, anh bị tai biến. May mà cũng nhẹ.
Cầu mong BB của chúng tôi tai qua nạn khỏi, lành lặn trở về với CLB thân quen. Và nữa, sớm hoàn thành tập hồi ký về câu chuyện của người cha mà anh đã dự định, ấp ủ.