> Quá tải, thiếu nhân lực và thiết bị
> Bộ trưởng Bộ Y tế: Đi khám bệnh như hành xác!
“Ban giám đốc lậu”
Tiến sỹ Đặng Quang Tâm hết thời hạn được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ từ tháng 7-2012. Phó giám đốc Phan Thanh Tòng tương tự. Phó giám đốc phụ trách chuyên môn La Văn Phương, hết thời hạn được bổ nhiệm từ tháng 4-2012.
Trưởng phòng Tổ chức của Bệnh viện Lâm Thị Nhàn cho biết, lãnh đạo bệnh viện đã làm quy trình báo cáo Bộ Y tế đề nghị bổ nhiệm lại ban giám đốc nhưng không được trả lời, nên cứ theo quyết định bổ nhiệm năm 2007 để làm việc.
Một chuyên gia ngành nội vụ cho rằng, ban giám đốc cũ vẫn điều hành bệnh viện là sai luật, đó là “ban giám đốc lậu”.
Vị chuyên gia giải thích, nếu vì lý do nào đó mà chưa ban hành quyết định bổ nhiệm mới thì cấp thẩm quyền phải có văn bản gia hạn nhiệm vụ cho ban giám đốc cũ. Trưởng phòng tổ chức Nhàn cho biết, Bộ Y tế chưa có văn bản gia hạn hay ủy nhiệm gì cả.
Thế nhưng, ngày 1-10-2012, tiến sỹ Tâm đã ký loạt quyết định bổ nhiệm 11 trưởng khoa, phòng. Bà Nhàn giải thích, vì những khoa và phòng đó chưa có cấp trưởng nên cần bổ nhiệm.
Tuy nhiên, dư luận trong bệnh viện bất bình là nơi cần và có người đủ điều kiện để bổ nhiệm thì lại chưa, như Khoa Dược với Tiến sỹ Dương Xuân Chữ vẫn phụ trách khoa 3 năm nay.
Trong lúc, một số người mới là bác sỹ chuyên khoa cấp một lại được bổ nhiệm (không theo khuyến cáo của Bộ Y tế là cần bổ nhiệm bác sỹ chuyên khoa cấp hai), hoặc bổ nhiệm người chỉ mấy tháng nữa nghỉ hưu.
Hơn thế, từ ngày không còn chức vụ giám đốc, tiến sỹ Tâm còn ký nhiều hợp đồng mua thuốc và vật tư y tế trị giá hàng trăm tỷ đồng. Trong đó, nhiều loại thuốc được áp giá mà không qua đấu thầu. Một chuyên gia pháp luật cho biết, các văn bản liên quan đến pháp lý như giao dịch kinh tế, bổ nhiệm nhân sự đó, nếu xảy ra tranh chấp sẽ bị "tuyên" vô hiệu.
Báo cáo lệch gần trăm tỷ đồng
Tìm hiểu của phóng viên, Bộ Y tế chậm ban hành quyết định bổ nhiệm ban giám đốc mới của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, có nguyên nhân ở nhiều đơn thư tố cáo ban giám đốc cũ tiêu cực. Tập trung nhiều vào tiến sỹ Đặng Quang Tâm. Chẳng hạn, vụ đấu thầu thuốc giữa năm 2011.
Vụ đấu thầu này có hai bộ hồ sơ: Một để chính thức đấu thầu và một để thanh toán với Kho bạc Nhà nước. Bộ hồ sơ chính thức đấu thầu kèm “Quyết định về việc phê duyệt kết quả đấu thầu rộng rãi trong nước mua thuốc năm 2011 bằng nguồn thu viện phí” số 357, được tiến sỹ Tâm ký ngày 24-8-2011, trị giá gói thầu hơn 135 tỷ đồng. Còn bộ hồ sơ để thanh toán với Kho bạc Nhà nước, kèm quyết định cùng số, cùng tên gọi nhưng sau một ngày, 25-8-2011, trị giá gói thầu hơn 256 tỷ đồng.
Hồ sơ thanh toán với Kho bạc Nhà nước nhiều hơn đấu thầu 121 tỷ đồng, vì trong bản “danh mục thuốc bệnh viện” được chèn thêm nhiều loại thuốc đắt tiền. Chẳng hạn, chèn thêm biệt dược Glutathion 600 mg của Cty Châu Á Thái Bình Dương với giá 135.000 đồng/lọ. Trong lúc, cùng loại thuốc và xuất xứ châu Á, Cty Âu Việt trúng thầu chỉ với giá 96.000 đồng/lọ.
Đây là loại thuốc tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, một trong 5 loại thuốc được Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cảnh báo có thể phá vỡ quỹ bảo hiểm y tế.
Cũng chèn thêm trong hồ sơ thanh toán với Kho bạc Nhà nước, còn có biệt dược Lydocef 1g (Cefoperazon + sulbactam) do Cty Phương Châu cung cấp, giá cao hơn cùng loại qua đấu thầu của Cty Minh Tâm. Đây là thuốc kháng sinh, được mua số lượng lớn, giá trị chênh lệch một năm khoảng 500 triệu đồng.
Dược sỹ Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, cho rằng đó là dấu hiệu của “marketing đen”.
Ông Sơn giải thích, thuốc cùng loại nhưng giá cao vẫn đưa được vào bệnh viện thì đấu thầu chỉ là hình thức, cả năm sẽ không kê đơn thuốc giá thấp mà tập trung kê thuốc giá cao để hưởng hoa hồng.
Còn ông Bùi Đức Phong, Phó Chánh thanh tra Bộ Y tế phụ trách khu vực phía Nam cho biết, đã yêu cầu Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ giải trình, nếu có sai phạm sẽ xử lý nghiêm (?).