Kiev và Mátxcơva đã đổ lỗi cho nhau về sự cố vỡ đập Kakhovka hôm 6/6, khiến lũ lụt tràn vào các thị trấn xung quanh và buộc hàng trăm thường dân phải sơ tán.
Trong bối cảnh mực nước vẫn đang tăng, các quan chức và các nhà phân tích đã bắt đầu đánh giá thiệt hại về môi trường ở một trong những quốc gia có nền nông nghiệp màu mỡ nhất thế giới.
Giới phân tích cho biết sự cố vỡ đập xảy ra đúng lúc Ukraine chuẩn bị phát động một cuộc phản công nên có thể gây trở ngại của quân đội nước này trong bất kỳ cuộc tấn công nào, dù Kiev chưa tiết lộ thông tin cụ thể về kế hoạch và hướng tiến công.
Ben Barry – thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho biết: “Hãy nhớ rằng Nga đang ở thế phòng thủ chiến lược và Ukraine đang ở thế tấn công chiến lược, trong ngắn hạn, đó chắc chắn là một lợi thế cho Nga”.
“Điều đó sẽ giúp ích cho người Nga cho đến khi nước rút vì nó khiến quân đội Ukraine gặp khó khăn hơn trong việc tấn công các điểm vượt sông”.
Maciej Matysiak, chuyên gia an ninh tại Stratpoints Foundation, cựu phó giám đốc cơ quan phản gián của quân đội Ba Lan, cho biết nước sông tràn bờ sẽ ngăn cản việc sử dụng vũ khí hạng nặng như xe tăng trong ít nhất một tháng.
Lũ lụt đã nhấn chìm các ngôi làng và thị trấn xung quanh thành phố Kherson, trong khi các quan chức Nga cảnh báo rằng con kênh chính cung cấp nước cho bán đảo Crimea (đã sáp nhập Nga) đang nhận được ít nước hơn.
Hồ chứa rộng lớn của con đập cũng cung cấp nước làm mát cho nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu ở Zaporozhye do Nga kiểm soát. Tuy nhiên, cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc đã giảm thiểu nguy cơ trước mắt, nói rằng các nguồn nước thay thế có thể cung cấp cho cơ sở trong nhiều tháng nếu cần thiết.
Thiệt hại kéo dài nhiều năm
Theo các chuyên gia, thiệt hại gây ra từ vụ vỡ đập có thể rất nghiêm trọng, gây thêm căng thẳng cho chuỗi cung ứng toàn cầu. Giá lúa mì đã tăng hơn 3% vào ngày 6/6.
“Đó thực sự là một con đập rất lớn, một trong những hồ chứa lớn nhất thế giới”, Mohammad Heidarzadeh, một kỹ sư xây dựng tại Đại học Bath ở Anh, cho biết.
"Dựa trên kinh nghiệm về các sự cố tương tự trên toàn thế giới, một khu vực rất rộng lớn sẽ bị ảnh hưởng và tác động đến năng suất của ngành nông nghiệp."
Heidarzadeh cho biết lũ lụt sẽ gây ra nhiều gián đoạn hơn cho chuỗi cung ứng nông nghiệp, trong khi bùn do nước lũ để lại có thể sẽ mất nhiều năm để dọn sạch.
Modupe Jimoh, chuyên gia Kỹ thuật Dân dụng và Nhân đạo tại Đại học Warwick, dự đoán một lượng đáng kể đất nông nghiệp sẽ bị hư hại, ảnh hưởng đến nguồn cung cấp thực phẩm.
Bà nói thêm, nước lũ sẽ khiến các hóa chất công nghiệp và chất bôi trơn ngấm vào đất, gây tổn hại đến các hệ sinh thái và đa dạng sinh học.
“Và ở những nơi sự đa dạng sinh học đã phát triển trong một thời gian dài, bạn sẽ mất rất nhiều năm để khắc phục thiệt hại, sau đó tái thiết. Khi bị nước cuốn trôi, một số loài sẽ biến mất vĩnh viễn."
Ukraine đã cáo buộc Nga cho nổ tung con đập, gây lũ lụt cho các thị trấn và thành phố ở hạ lưu sông Dnipro, bao gồm cả thành phố Kherson do Ukraine kiểm soát.
Mátxcơva đã “chĩa mũi dùi” vào Kiev, cáo buộc rằng Ukraine từng tấn công con đập này - sử dụng tên lửa HIMARS do Mỹ cung cấp - và xả nước từ một hồ chứa thượng nguồn trên sông Dnipro ngay trước khi đập Kakhovka bị sập.
Nga cáo buộc Ukraine phá hủy con đập để đánh lạc hướng khỏi những gì mà Mátxcơva cho là thất bại quân sự của Ukraine. Cho đến nay, cả hai bên đều chưa cung cấp bằng chứng cho những tuyên bố của mình.
Marina Miron, một nhà nghiên cứu tại King's College London, gọi đây là một "bước ngoặt" trong cuộc xung đột, nhưng cho biết cả hai bên có thể nhận được một số lợi thế từ việc phá hủy đập Kakhovka.
"Đối với người Nga, lý do có thể khiến họ làm việc đó là nhằm ngăn chặn cuộc phản công của Ukraine. Và để tạo ra một tình huống nhân đạo ở Kherson, nơi mọi người cần được sơ tán, tạo ra các đầm lầy để người Ukraine không thể sử dụng bộ binh cơ giới của họ chẳng hạn", bà nói.
Còn đối với Ukraine, vụ việc có thể là một cách để đánh lạc hướng người Nga trong khi Kiev tiến hành phản công, bà nói thêm.