Kỳ vọng sự dẫn dắt từ đầu tư công
Trao đổi với PV Tiền Phong, PGS, TS. Phạm Thế Anh - Trưởng Khoa kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân - đánh giá, điểm sáng của kinh tế Việt Nam trong năm qua là duy trì kinh tế vĩ mô ổn định, với lạm phát dự báo được kiểm soát ở mức dưới 4%. Năm 2024, Việt Nam cũng là quốc gia có tăng trưởng kinh tế ở mức cao, dự kiến đạt trên 7% trong bối cảnh thế giới có nhiều bất ổn.
Theo ông Thế Anh, những năm trước, Việt Nam chỉ nói đến chuyện cải cách kinh tế bó hẹp trong phạm vi lĩnh vực từ chính sách thuế, trợ cấp hay hạ lãi suất... để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì hiện nay, Chính phủ đã làm rộng hơn về thể chế, môi trường kinh doanh, thể hiện qua việc sắp xếp lại, tinh gọn bộ máy Nhà nước.
Nhận định về động lực tăng trưởng năm 2025, ông Thế Anh cho rằng, trong ngắn hạn vẫn xuất phát từ động lực chính là đầu tư công với việc năm nay sẽ hoàn thành các dự án trọng điểm và khởi động loạt dự án mới. Chẳng hạn, năm 2025, Chính phủ hướng tới hoàn thành dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 và hoàn thành 3.000 km đường cao tốc…
Hiện Chính phủ dự kiến vốn đầu tư công năm 2025 ở mức hơn 790.000 tỷ đồng, một con số khá lớn. Kế hoạch này nếu được thông qua sẽ tạo nguồn lực lớn lan tỏa vào nền kinh tế, tạo động lực cho tăng trưởng.
Trong trung hạn, ông Thế Anh cho rằng Chính phủ đang quyết tâm triển khai các chương trình, dự án lớn như đường sắt cao tốc Bắc Nam, điện hạt nhân, thu hút "đại bàng" trong lĩnh vực công nghệ. Các chương trình này đều sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế.
“Đây là thời khắc quyết định và là nền tảng quan trọng giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Việc tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, kết hợp chính sách tài khóa và tiền tệ hợp lý, sẽ thúc đẩy tiêu dùng nội địa và củng cố đà phục hồi kinh tế”, ông Thế Anh cho hay.
Có cơ sở tăng trưởng 8%
TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính - cho rằng, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% như Thủ tướng đặt ra trong năm nay có thể đạt được nếu bối cảnh kinh tế thế giới thuận lợi.
Theo ông Độ, năm 2024 xuất khẩu đạt kỷ lục với hơn 400 tỷ USD; nhiều mặt hàng chủ lực tăng trưởng vượt kỳ vọng. Trong năm nay, xuất khẩu vẫn tiếp tục là một trong những động lực chính của nền kinh tế bởi đây là đầu ra của nhiều ngành công nghiệp.
Để đạt được mục tiêu trên, vị chuyên gia này cho rằng Việt Nam cần chuẩn bị trước các phương án hỗ trợ nền kinh tế trong trường hợp bối cảnh kinh tế toàn cầu đột ngột xấu đi.
Các chính sách này cần tập trung vào việc hỗ trợ người lao động và các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu để tăng khả năng cạnh tranh, duy trì sản xuất ngay cả trong bối cảnh kém thuận lợi. Hiện lãi suất ở mức thấp nên dư địa giảm thêm lãi suất không còn nhiều. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước có thể cần chuẩn bị phương án tiếp tục giãn nợ cho các doanh nghiệp nếu cần thiết.
PGS.TS Nguyễn Phúc Hiền - Giảng viên bộ môn Tài chính quốc tế, Đại học Ngoại Thương (Hà Nội) đánh giá, với kết quả tăng trưởng của năm 2024, mục mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 mà Chính phủ đặt ra khoảng 8% là có cơ sở.
Nhận định xuất khẩu vẫn duy trì là động lực quan trọng, ông Hiền cho rằng Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu ở mức 2 con số, trong đó tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao, chế biến chế tạo và nông nghiệp.
Với thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), Việt Nam cần ưu tiên lĩnh vực công nghệ cao như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, đồng thời khích lệ đầu tư tư nhân trong nước.
“Đây là động lực quan trọng còn nhiều dư địa phát triển. Để phát triển khu vực này cần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, nhất là trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo", ông Hiền nói.
Cũng theo vị chuyên gia, Chính phủ đang đẩy mạnh đầu tư công vào hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng xanh và hạ tầng số. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngân sách hạn chế, cần xác định ưu tiên để đầu tư và đầu tư có hiệu quả, bền vững...
Chính sách cần đa chiều và có lộ trình
Đánh giá các động lực tăng trưởng như đầu tư công, đầu tư tư nhân và hoạt động xuất nhập khẩu đều đang duy trì đà phát triển, TS Nguyễn Quốc Việt - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) - lưu ý năm 2025 sẽ có không ít thách thức. Chẳng hạn, sự biến động kinh tế thế giới và các xu thế chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ và các nước lớn có thể giảm tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Áp lực từ giá dầu, hàng hóa thế giới và biến động tỷ giá có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu, nhập khẩu và sức mua.
Cùng với đó, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đối mặt với với việc phí đầu vào còn cao, đơn hàng không phục hồi đồng đều và thiếu bền vững, yêu cầu số hóa và xanh hóa từ các thị trường ngày càng cao.
Ông Việt cho rằng cần ổn định vĩ mô gắn với phục hồi tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ hơn, tránh tư duy nóng vội, các chính sách vĩ mô cần ban hành một cách cẩn trọng, có đánh giá tác động đa chiều và có lộ trình cụ thể.
“Cần cải cách và tinh gọn bộ máy Nhà nước hướng tới hệ thống thể chế và quản lý nhà nước hiệu lực, hiệu quả, hiện đại, minh bạch, dễ hiểu và dễ thực thi để giảm rủi ro kinh doanh và chi phí tuân thủ”, ông Việt nói và nhấn mạnh cần thúc đẩy động lực phát triển bền vững của nền kinh tế dựa trên các mô hình tăng trưởng mới và gắn với xu hướng thương mại - đầu tư toàn cầu.
Chính phủ cần có giải pháp mạnh mẽ nâng cao trình độ và kỹ năng cho lực lượng lao động và phát triển khoa học công nghệ nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh; thúc đẩy kinh doanh sáng tạo và bền vững.
Dịp đầu năm mới 2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính có bài viết "Đổi mới, sáng tạo, tăng tốc, bứt phá, đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc".
Thủ tướng nhấn mạnh 2025 là năm tăng tốc, bứt phá để về đích thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2021-2025. Thủ tướng yêu cầu ngay từ năm 2025 phải nỗ lực tối đa, tạo những yếu tố đột phá thu hút đầu tư, thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt mức tăng trưởng ít nhất 8%, để tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số từ năm 2026.