Ngày 18/11, phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) đăng trên tạp chí tuyên truyền Dabiq của chúng hình ảnh một lon nước ngọt Schweppes Gold và một vài thiết bị giống như kíp nổ cùng một công tắc gắn với đoạn dây điện cứng bằng băng keo, được cho là để chế tạo quả bom gài trên máy bay Nga nổ tung ở Ai Cập hồi tháng trước khiến 224 người thiệt mạng.
Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Nga xác nhận chiếc máy bay Airbus A321 của hãng hàng không Metrojet đã bị gài một thiết bị nổ tự tạo, với trọng lượng thuốc nổ TNT khoảng 1,5 kg, khiến nó vỡ tan trên bầu trời bán đảo Sinai.
Các chuyên gia an ninh và nhà phân tích cho rằng nếu tuyên bố trên của IS là đúng, đây sẽ là mối đe dọa đáng gờm cho các hãng hàng không trên thế giới, theo Reuters. Dù trông có vẻ thô sơ, đơn giản, quả bom lon nước ngọt như trong ảnh hoàn toàn có thể làm nổ tung một chiếc máy bay chở khách cỡ lớn, tùy thuộc vào vị trí gài bom và lượng thuốc nổ nhồi bên trong lon nước. Những vị trí dễ bị tổn thương nhất trên máy bay là đường dẫn nhiên liệu, buồng lái và bất cứ chỗ nào gần với vỏ máy bay.
"Vị trí gài bom là điều quan trọng nhất", giáo sư hóa học chuyên về chất nổ Jimmie Oxley thuộc Đại học Rhode Island, cho biết.
Các chuyên gia rà phá bom mìn cũng nhận định với tờ NYTimes rằng thiết bị nổ trong bức ảnh do IS công bố không phải là thứ gì đó mang tính đột phá. Một chuyên gia chế tạo bom có kinh nghiệm sẽ dễ dàng cho ra đời quả bom như vậy trong thời gian ngắn.
Theo những chuyên gia này, thiết bị gắn công tắc và quấn băng dính đen có thể có nhiều chức năng khác nhau. Một số quả bom có công tắc an toàn, cùng một cơ chế riêng biệt để kích hoạt kíp nổ. Vì thiết bị này bị quấn băng kính gần như kín mít nên các bộ phận quan trọng bên trong không thể quan sát và dự đoán được.
Sợi dây điện gắn với kíp nổ trong bức ảnh được cho là nối với một cục pin nhỏ và các thiết bị điện tử cần thiết để tạo ra tia lửa điện kích hoạt kíp nổ vào đúng thời gian đã định. Sau khi được kích hoạt, kíp nổ này sẽ khiến toàn bộ thuốc nổ nhồi trong lon nước ngọt nổ tung, tạo ra sức công phá lớn.
Lon nước ngọt này có một lỗ thủng dưới đáy, được bịt một cách sơ sài, để lộ một ít chất màu trắng, cho thấy thứ được nhồi bên trong lon không phải là chất lỏng mà là một loại thuốc nổ dẻo. Nếu thuốc nổ trong quả bom là chất lỏng, kíp nổ phải được quấn băng keo để chống chập điện, hoặc bố trí bên ngoài lon nước, khiến nó dễ bị phát hiện hơn.
Khi được đặt bên trong máy bay, quả bom lon này có thể được kích hoạt bằng một thiết bị hẹn giờ, bằng tín hiệu điều khiển từ xa của ai đó đang ngồi trên máy bay, hoặc bằng những cách khác.
Một chuyên gia cho biết nếu quả bom này được kích nổ từ xa bằng sóng vô tuyến, sợi dây điện dài trong bức ảnh có thể đóng vai trò là chiếc ăng ten. Nhưng khi xem xét kỹ hơn, ông khẳng định sợi dây đó chỉ đơn thuần để nối kíp nổ với cục pin. Như vậy, nhiều khả năng quả bom này được kích hoạt bằng một thiết bị hẹn giờ, bọn khủng bố không cần đưa người lên máy bay để bấm nút kích hoạt.
Theo một chuyên gia thuốc nổ, nếu nhồi thật chặt, lượng thuốc nổ trong một lon nước ngọt hoàn toàn có thể gây hư hại nặng cho một chiếc máy bay. Mặc dù vụ nổ không phá hủy toàn bộ chiếc máy bay, nó sẽ tạo ra một lỗ thủng lớn trên thân, khiến máy bay bị mất áp suất đột ngột. Sự chênh lệch áp suất cực lớn ở độ cao hành trình sẽ xé chiếc máy bay ra thành nhiều phần ngay trên bầu trời.
Phần đuôi máy bay gãy rời sau vụ nổ. Ảnh: Reuters.
Manh mối lần ra khủng bố
Ông Oxley và nhiều chuyên gia khác đã so sánh vụ gài bom này với thảm kịch trên chuyến bay Pan Am 103 trên bầu trời Lockerbie, Scotland, năm 1988. Kết quả điều tra cho thấy một khối thuốc nổ cỡ nắm tay nhồi bên trong một đài cát sét trong khoang hành lý đã tạo ra lỗ thủng có đường kính 50 cm trên thân máy bay, khiến chiếc phi cơ vỡ tan vì giảm áp đột ngột.
Các chuyên gia an ninh cho rằng bức ảnh mới được công bố này có thể là manh mối quan trọng giúp các cơ quan tình báo trên thế giới có thể lần ra thủ phạm gài bom máy bay Nga. Kíp nổ trong bức ảnh không phải là thiết bị tự chế, mà là một loại kíp được sản xuất và bán trên thị trường.
Dựa vào hình dạng, đặc điểm của kíp nổ, các cơ quan tình báo có thể xác định được nguồn gốc của nó, qua đó phát hiện kẻ nào đã mua kíp nổ này.
Cũng trên tạp chí tuyên truyền Dabiq, IS tuyên bố rằng chúng đã lợi dụng một lỗ hổng an ninh tại sân bay Sharm el-Shiekh, nơi chiếc máy bay xấu số cất cánh, để tuồn quả bom lên khoang phi cơ.
IS cho hay ban đầu chúng định đánh bom một chiếc máy bay của nước đang tham gia liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu ở Iraq và Syria, nhưng đã thay đổi kế hoạch sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Syria.
"Một quả bom được tuồn lên máy bay, khiến 219 người Nga và 5 kẻ ngoại đạo khác thiệt mạng chỉ một tháng sau khi Nga đưa ra quyết định thiếu cân nhắc. Điều này nhằm cho người Nga và bất cứ ai liên minh với họ thấy rằng họ sẽ không bao giờ được an toàn trên đất của người Hồi giáo", IS tuyên bố.
Bộ trưởng Nội vụ Ai Cập cho biết trong một cuộc họp báo hôm thứ ba rằng họ "không có thông tin nào" về lỗ hổng an ninh tại sân bay Sharm el-Sheikh.
Cũng trong hôm đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thề sẽ truy đuổi những kẻ khủng bố gây ra thảm kịch cho tới "tận cùng thế giới" để đưa chúng ra công lý, đồng thời treo thưởng 50 triệu USD cho bất cứ ai cung cấp thông tin về thủ phạm vụ đặt bom.