Chuyên gia Đức hiến kế về tự chủ trường nghề

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) cùng Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) vừa tổ chức Hội thảo “Quản lý hiệu quả cơ sở giáo dục nghề nghiệp”. Tại đây, các chuyên gia Đức đã chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng tự chủ giáo dục nghề nghiệp cho Việt Nam.
GS.TS Gebhard Hafer, hiệu trưởng trường BBW University of Applied Science (Đức) trình bày tại Hội thảo

GS.TS Gebhard Hafer - Hiệu trưởng trường BBW University of Applied Science (Đức) chia sẻ, tại Đức, giáo dục nghề nghiệp được coi là xương sống của nền kinh  tế. Với 60% học sinh tốt nghiệp phổ thông đi học nghề. Do đó, Chính phủ đặc biệt quan tâm đến vấn đề này.

Đối với chính sách tự chủ cho trường nghề, ông Hafe cho rằng có 4 thành tố quyết định đến sự thành công, gồm: Chính phủ, doanh nghiệp – hiệp hội, cơ sở đào tạo nghề, phòng thương mại. Trong đó, vai trò tiên quyết là Chính phủ.

Ở Đức, GS G.Hafer dẫn chứng, phần lớn ngân sách cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là do Chính phủ cấp. Các doanh nghiệp, hiệp hội đóng góp 30%. Còn cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoạt động theo quy định của bang và liên bang. Không bắt buộc bị tự chủ về tài chính. Chính phủ có trách nhiệm đầu tư ngân sách cho giáo dục nghề nghiệp

Các phòng thương mại, đóng vai trò trong việc tổ chức thi, đảm bảo chất lượng đầu ra của học sinh.

“Trong một cơ chế như thế này, chúng ta thấy rất nhiều sự tự chủ, từ Chính phủ,  doanh nghiệp, đến nhà trường đều chủ động tham gia vào các khâu, nhằm đảm bảo có được nguồn nhân lực chất lượng tốt nhất”, GS G.Hafer nói.

Với Việt Nam, GS G.Hafer cho rằng, chưa xây dựng được một cách làm đúng, do chỉ tập trung vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, mà chưa đề cập đến vai trò, trách nhiệm của nhiều chủ thể khác.

Trong đó, quan trọng nhất là đẩy mạnh mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nhà trường. Tạo một cơ chế để các chủ thể phối hợp linh hoạt với nhau, chứ không phải mỗi chủ thể lại xây dựng một tiêu chuẩn, chính sách riêng

Chẳng hạn, trong việc xây dựng quy chuẩn đầu ra, ở Việt Nam còn gọi là quy định về kiến thức và kĩ năng tối thiểu. Các chủ thế nên phối hợp một cách linh hoạt để xác định nội dung đào tạo, định hướng đào tạo, các ngành nghề, kĩ năng…mà doanh nghiệp đang cần. Từ đó phối hợp với nhà trường đào tạo theo những định hướng đó.

Các doanh nghiệp có thể mời các em học sinh đến thực tập doanh nghiệp của họ. Cung cấp các cơ hội đào tạo cho các em ngay khi còn trên ghế nhà trường. Thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm để cung cấp thông tin cụ thể về nghề nghiệp, mức lương, lộ trình công việc trong tương lai...