Chuyện cõng hàng chục tấn hàng, xăng dầu vượt đường Trường Sơn huyền thoại

TPO - Những câu chuyện từ nhân chứng lịch sử phần nào khắc họa hình ảnh con đường Trường Sơn huyền thoại - nơi hứng chịu hơn 4 triệu tấn bom đạn - góp phần làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Để có được thắng lợi này là sự hy sinh thầm lặng của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong.

Con đường huyền thoại, kỳ tích trong thế kỷ 20

Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Nhằm tưởng nhớ, khắc họa về những con người làm nên con đường lịch sử ấy, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện chương trình truyền hình trực tiếp Trường Sơn - Chân trần chí thép từ Nghĩa trang Trường Sơn vào tối 19/5.

Chương trình Trường Sơn - Chân trần chí thép được truyền hình trực tiếp từ Nghĩa trang Trường Sơn tối 19/5.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Nguyễn Viết Sinh, Thiếu tướng Võ Sở, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, ông Võ Thế Chơn được mệnh danh "cá kình trên phà Xuân Sơn" và bà Nguyễn Thị Hiệp - cọc tiêu sống trên đèo Đá Đẽo đường 20... mang đến những câu chuyện đầy chân thực về quá khứ làm nên tuyến đường lịch sử.

Ngày 19/5/1959, Bộ Chính trị T.Ư Đảng quyết định thành lập Đoàn 559, xây dựng tuyến chi viện chiến lược - đường Trường Sơn trên bộ và trên biển.

Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Đường Trường Sơn dài 20.000 km, gấp gần 20 lần chiều dài Việt Nam gồm gồm 5 hệ thống đường trục dọc, 21 đường trục ngang ở Đông và Tây Trường Sơn, 1 tuyến đường "kín" dài 3.140 km và hệ thống đường sông dài gần 500 km. Chỉ trong những năm 1965-1972, đế quốc Mỹ đã ném xuống Trường Sơn 4 triệu tấn bom.

Thực tế đã chứng minh việc mở đường Trường Sơn là một quyết định đúng đắn với nhiều sáng tạo về chiến lược quân sự của Đảng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Điều này được Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng khẳng định: “Năm tháng sẽ qua đi, nhưng đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một con đường huyền thoại, một kỳ tích của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại trong thế kỷ 20”.

Với phương châm “1 viên đạn là 1 quân thù, 1 cân hàng là đồng bào miền Nam bớt đổ máu”, các chiến sĩ thời ấy luôn cố gắng gùi nhiều hàng nhất có thể.

Trong thời gian đầu, phương thức vận chuyển qua con đường này là lấy gùi thồ bằng người là chính và phải giữ bí mật tuyệt đối theo yêu cầu “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”.

Với phương châm “1 viên đạn là 1 quân thù, 1 cân hàng là đồng bào miền Nam bớt đổ máu”, các chiến sĩ thời ấy luôn cố gắng gùi nhiều hàng nhất có thể.

Đây cũng là lý do anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Nguyễn Viết Sinh - nguyên chiến sĩ vận tải Đoàn 559 - đã mang được hơn 55 tấn hàng trên lưng, đi qua quãng đường 41.025 km để chi viện cho đồng bào miền Nam.

Huyền thoại trong huyền thoại

Trải qua giai đoạn gùi hàng bằng sức người, cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong lại đau đáu tìm lời giải cho bài toán đưa xăng vượt dãy Trường Sơn.

"Tìm mọi cách để khiêng xăng, kiệu xăng chi viện, chúng ta dùng nilon lót trong balo nhưng vài lần là nilon rách, chảy xăng vào lưng. Nhiều chiến sĩ tắm xăng, nhiễm chì. Mang được 30 phuy xăng về đơn vị thì 29 chiến sĩ thương vong. Cái giá phải trả quá đắt", Đại tá Lưu Vĩnh Cường - nguyên Cục trưởng Cục xăng dầu chia sẻ.

Những nhân chứng lịch sử không nén nổi nước mắt khi kể về hành trình giữ "mạch máu" bằng máu

Cuối năm 1968, một đường ống xăng dầu nối thẳng tới chiến trường đã được khởi công xây dựng. Nhưng bài toán khó là làm sao đưa được xăng dầu qua những đỉnh cao trên dãy Trường Sơn. Việc thi công các đường ống xăng dầu vất vả nhưng địch còn đánh phá nặng nề hơn.

Lính Mỹ tạo hàng nghìn trọng điểm, tập đoàn trọng điểm trên tất cả đường dọc và đường ngang, còn nhiệm vụ của chiến sĩ là giữ mạch máu giao thông thông suốt.

"Đối với chiến sĩ Trường Sơn không được phép nói câu không làm được", Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu - nguyên kỹ sư khảo sát, thiết kế đường ống xăng dầu Trường Sơn nêu. Tuy nhiên, để giữ cho “mạch máu” không tắc phải trả bằng máu.

Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu - nguyên kỹ sư khảo sát, thiết kế đường ống xăng dầu Trường Sơn.

Trong 16 năm tuyến đường hoạt động, 22.000 cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong đã ngã xuống, hơn 30.000 đồng chí khác bị thương và hàng nghìn người nhiễm chất độc da cam mà di chứng đến ngày nay vẫn vô cùng nặng nề…

Đường ống xăng dầu dài nhất thời bấy giờ được xây bằng nỗ lực, mồ hôi, nước mắt, trí tuệ con người Việt Nam như lời nhận định của cố Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ), Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn: "Nếu Đường Trường Sơn là huyền thoại thì đường ống xăng dầu là huyền thoại trong huyền thoại đó".

Các tiết mục được dàn dựng công phu, khéo léo dựa theo câu chuyện, phóng sự trước đó.

Những câu chuyện ít người biết về mối tình thời chiến, sự đoàn kết 3 nước Đông Dương... cũng được thể hiện trong Trường Sơn - Chân trần chí thép.

Ê-kíp thực hiện chương trình lồng ghép các tiết mục nghệ thuật với những câu chuyện, phóng sự được kể, được phát trước đó. Tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn những ca khúc như Bài ca Trường Sơn, Đêm Trường Sơn nhớ Bác, Màu hoa đỏ, Bài ca thống nhất... đã vang lên đầy hào hùng dưới sự thể hiện của NSND Trung Đức, NSND Thu Hiền, NSND Thái Bảo, ca sĩ Tùng Dương, Hòa Minzy, Dương Trần Nghĩa…