Chuyện chưa kể về đội bóng Brazil nâng Cúp ở Việt Nam cùng những trải nghiệm nhớ đời trên đất Việt

TPO - Rất ít người hâm mộ bóng đá Việt Nam nhớ đến Cúp Vinausteel, giải giao hữu diễn ra cách đây đã 20 năm trước. Nhưng với CLB Santa Cruz của Brazil. Đó là một chiến tích thực sự và chiếc Cúp luôn có một vị trí trang trọng trong lịch sử đội bóng.

Tháng 11/2003, doanh nhân Roberio Lopes (cũng là cựu cầu thủ), vốn có nhiều mối làm ăn ở thị trường châu Á, đã kết nối với Santa Cruz, đội bóng thuộc bang Pernambuco vùng Đông Bắc Brazil. Ông chuyển lời mời tham dự một giải đấu mang tên Cúp Vinausteel 2003 ở Việt Nam cùng 4 đội hàng đầu của V-League. Thật khó để Santa Cruz từ chối, bởi đề nghị quá hậu hĩnh. Ngoài phần thưởng 15.000 USD cho đội vô địch, phía Ban tổ chức sẽ đài thọ 100% chi phí đi lại, ăn ở.

Ban đầu Santa Cruz định cử đội hình B tới Việt Nam. Nhưng ở giải Serie B năm đó (hạng 2 Brazil), họ bị loại sớm ở vòng bảng giai đoạn hai, vì vậy Ban lãnh đạo quyết định sử dụng đội một cho Cúp Vinausteel 2003. Theo HLV Pericles Chamusca, chuyến đi vừa mở ra cơ hội về mặt thương mại, vừa tránh tình trạng cầu thủ ngồi chơi xơi nước đến hết năm.

Vậy là có tất cả 18 cầu thủ lên đường. 16 trong số đó chưa bao giờ ra nước ngoài, thậm chí còn không có hộ chiếu. Vài ngày trước khi máy bay cất cánh, họ phải chụp ảnh, hoàn thiện hồ sơ ngay tại trụ sở CLB, sau đó tham gia vào hành trình gần 16 ngàn cây số từ thành phố Recife tới TP Hồ Chí Minh.

Danh sách các cầu thủ Santa Cruz mùa giải 2003. (Ảnh: Globo)

Không có chuyến bay thẳng, Santa Cruz phải vòng qua Sao Paulo, tới Paris và tranh thủ tham quan Tháp Eiffel, Khải Hoàn Môn và Nhà thờ Đức Bà trong 10 tiếng chờ lên chiếc máy bay khác đến Việt Nam. Giống như hầu hết người nước ngoài khác lần đầu đặt chân xuống Việt Nam, họ choáng trước cảnh tượng xe máy ngập tràn đường phố.

“Có quá nhiều xe máy trong khi tôi không thấy đèn giao thông nào”, hậu vệ phải Batata nhớ lại, “Điều kỳ lạ là chẳng có vụ va chạm nào xảy ra. Nếu ở Recife, hẳn đã có cả trăm vụ tông xe”. HLV Chamusca cũng kinh ngạc không kém: “Tôi hoàn toàn không hiểu nó vận hành thế nào để không gây ra tai nạn”.

Một mối quan tâm phổ biến khác với người nước ngoài, chính là thịt chó. “Khi chúng tôi ngồi trên xe bus, có một chiếc xe chạy ngang qua với nhiều con chó bị rọ mõm ở trên. Ai đó đùa rằng đấy chính là bữa tối của chúng tôi khi trở về khách sạn”, HLV của Santa Cruz kể.

Bài báo viết về đội vô địch Santa Cruz được CLB lưu giữ. (Ảnh: Globo)

Vậy là suốt bữa tối, các cầu thủ không ngừng hỏi nhau xem món nào là thịt chó. Thật ra thì không có món nào cả. Tuy nhiên phóng viên đi cùng đoàn Jose Silverio quả quyết đã ăn phải thịt chó. “Nó giống thịt dê, nhưng xơ và dai hơn”, anh ta nói.

Một chi tiết thú vị khác, người thông dịch viên cho biết ở Việt Nam có truyền thống chôn cất người chết ở các ruộng lúa. Nghe được điều này, cầu thủ Zezinho không dám ăn cơm. Nhưng cũng có những chuyện họ hiểu đúng. Sau khi đến thăm Bảo tàng chiến tranh và tận mắt nhìn địa đạo trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, Batata cho biết, “giờ thì tôi đã hiểu tại sao người Việt nhỏ bé lại đánh bại đám người Mỹ to lớn”.

Trở lại với Cúp Vinausteel 2003, trận mở màn Santa Cruz hòa 0-0 với Gạch Đồng Tâm Long An, phần vì mặt sân tồi tệ sau cơn mưa dầm, phần vì họ sốc trước lối chơi bóng giàu tốc độ, phản công nhanh bên phía CLB Việt Nam. Nhưng về sau, dù chỉ có 1 ngày nghỉ giữa các trận đấu, đội bóng Brazil đã thể hiện sức mạnh áp đảo. Họ thắng Đồng Tháp 4-0, Bình Dương 2-1 và Hà Nội ACB 4-0. Trận chung kết gặp lại Long An, họ thắng 4-0 sau màn trình diễn được báo chí Việt Nam mô tả là “đẹp mắt, tấn công đa dạng, kỹ thuật đỉnh cao và hòa nhã”.

Chiếc Cúp và cờ vô địch tại phòng truyền thống của CLB Santa Cruz. (Ảnh: Globo)

Màn trao Cúp mới thật ấn tượng. Theo một tờ báo của Pernambuco, với Cúp, pháo hoa và cơn mưa giấy bạc, nó “như thể là lễ đăng quang World Cup”. Vốn có lịch sử lâu đời nhưng Santa Cruz chủ yếu đá tại các giải hạng dưới, với vài lần vô địch bang hoặc vùng. Vì vậy chiếc Cúp này rất được chào đón. Ngoài việc trắng tay 8 năm liền, đây còn là danh hiệu tầm quốc tế. Đã có rất đông người hâm mộ chờ đợi các cầu thủ khi họ trở về, bước xuống sân bay. Họ tự hào rằng Santa Cruz là CLB đầu tiên của bang Pernambuco giành được chiếc Cúp bên ngoài lãnh thổ Brazil.

Sau này Kesley Alves, cầu thủ người Brazil chơi bóng lâu năm tại Việt Nam, cho biết trên tờ Globo, rằng “chẳng người Việt Nam nào nhớ đến Cúp Vinausteel, vốn chỉ tổ chức thêm lần nữa vào năm 2004”. Theo cựu ngôi sao Bình Dương, “các giải giao hữu với sự tham gia của vài đội bóng nước ngoài diễn ra thường xuyên trước mùa giải”, và “nổi tiếng nhất phải là BTV Cup, giải thường niên từ năm 2000”.

Nhưng chả sao cả, những người ở Santa Cruz vẫn trân quý chiếc Cúp giành được ở Việt Nam. Không những thế, ngoài chiếc Cúp đã xỉn màu theo thời gian, họ cũng lưu giữ mọi thứ liên quan đến Cúp Vinausteel 2003, từ cờ vô địch đến các bài báo cả tiếng Bồ Đào Nha lẫn tiếng Việt. Dĩ nhiên, còn cả những câu chuyện không thể nào quên trong chuyến đi gần 16 ngàn cây số đến mảnh đất hình chữ S.