Chuyện chưa kể về 'Châu Phi nghìn trùng'

TP - Dịch giả tay ngang Hà Thế Giang được nhiều người biết đến qua bản dịch “Châu Phi nghìn trùng” (tác giả Isak Dinesen), được trao Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn (HNV) Việt Nam năm 2021. Câu chuyện bếp núc trong quá trình chuyển ngữ một tác phẩm khó nhằn đã thu hút sự quan tâm của nhiều người đọc.

Từng bỏ dở vì bất lực

Sáng 19/2, trong buổi giao lưu về tác phẩm “Châu Phi nghìn trùng” do NXB Phụ Nữ - đơn vị xuất bản cuốn sách tổ chức, dịch giả Hà Thế Giang cho biết anh đã từng bỏ dở việc dịch cuốn này một lần vì bất lực khi “không chuyển tả được câu chữ phức tạp và đẹp của bản gốc”.

Hà Thế Giang (nghề nghiệp chính là một kỹ sư dầu khí, coi dịch thuật là công việc tay ngang) bắt đầu dịch tác phẩm của Isak Dinesen từ năm 2011 với tâm niệm tiếng Việt là ngôn ngữ cực kỳ đẹp đẽ và giàu có, mọi cuốn sách được viết từ tiếng Anh, tiếng Pháp, hay bất cứ tiếng gì, đều có thể chuyển dịch gọn gẽ và tương thích sang tiếng Việt. Vấn đề chỉ là người dịch có đủ vốn tiếng Việt không mà thôi.

“Khi bỏ dở việc dịch, tôi có lúc nghi ngờ tâm niệm của mình. Cho đến lúc quay lại lần nữa và hoàn thành cuốn sách, tôi càng tin tưởng rằng tiếng Việt mình thật đẹp, thật giàu có và thật đáng tiếc nếu không sử dụng nó”, anh chia sẻ.

Kỹ sư này cũng khẳng định tiếng Việt của anh mới chỉ ở mức “thường thường bậc trung” và rằng “tiếng Việt của các cụ mới thật là đẹp. Cứ giở sách cũ ra đọc lại, đúng thật là một trời lộng lẫy, nhiều từ đẹp quá, hay quá mà ngày nay chúng ta mới chỉ sử dụng được một phần”.

Isak Dinesen là một tác giả người Đan Mạch. Bà viết “Châu Phi nghìn trùng” bằng tiếng Anh, sau đó mới dịch ngược trở lại thành tiếng Đan Mạch. Con đường ngoắt ngoéo tương tự, “phù thủy ngôn ngữ” Nabokov từng đi khi ông viết “Lolita” bằng tiếng Anh trước rồi mới dịch trở lại tiếng mẹ đẻ là tiếng Nga.

Cuốn sách đậm đặc các chi tiết về văn hóa, tôn giáo và điển tích cổ nên gây nhiều khó khăn cho dịch giả khi liên tục phải tra “đến tận gốc rễ” dù chỉ là một hình ảnh ẩn dụ hay một câu thơ được trích dẫn. Bản thân Isak Dinesen sinh thời là người thích che đậy bản thân – cho đến tận khi bà mất, những nhà nghiên cứu vẫn còn tranh luận rất nhiều về tiểu sử cũng như phong cách sáng tác của bà. “Châu Phi nghìn trùng” là cuốn hồi ức ra đời từ những năm tháng bà sinh sống tại châu Phi (1914 - 1931) trong một đồn điền cà phê rộng 4000 mẫu Anh gần Nairobi.

“Tác giả đã sử dụng một phong cách tương đối xa xôi, mập mờ để nói không chỉ về chính kiến mà nhiều cái khác, cộng thêm việc một người nước ngoài viết bằng tiếng Anh khiến cho việc nắm bắt suy nghĩ, ý đồ của tác giả trở nên khó khăn hơn. Trong quá trình dịch tôi phải lật đi lật lại nhiều lần, thậm chí so sánh, đối chiếu một số bản dịch khác”, dịch giả kể chuyện bếp núc của quá trình chuyển ngữ.

Một điều đặc biệt nữa, các câu của Isak Dinesen không có cấu trúc tương đương trong tiếng Việt, đa phần dịch giả phải cấu trúc lại, nếu không nó sẽ “lổn nhổn như đống củi khô khiến người đọc khó theo”.

“Châu Phi nghìn trùng” phiên bản điện ảnh

Nỗ lực làm phong phú tiếng Việt

Nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên đánh giá cao việc Hội Nhà văn tôn vinh “Châu Phi nghìn trùng” bởi theo ông: giải thưởng không chỉ trao cho một tác phẩm văn chương, mà còn trao cho nỗ lực phát triển, làm phong phú tiếng Việt. Dịch giả “Sự bất tử” cũng đánh giá cuốn sách chính là sự khuyến khích người trẻ bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt, trân trọng, yêu quý và phát triển nó chứ đừng phá đi. “Ngày nay nhiều người trẻ nói ngoại ngữ làu làu, nhưng bảo họ chuyển ngữ thì rất khó khăn. Theo tôi, việc dịch là một hành động giữ gìn sự trong sáng và giàu có của tiếng Việt. Các bạn hãy cứ tìm các tác phẩm hay và dịch đi. Tiếng Việt đủ vốn để dịch mọi ngôn ngữ trên thế giới”, ông nói.

Ngoài ra, Phạm Xuân Nguyên còn cho rằng: xưa nay chúng ta thường coi nhẹ thể loại phi hư cấu, cả từ phía người sáng tạo cũng như người thưởng thức, thì lần này HNV trao giải cho một tác phẩm phi hư cấu là một bước tiến. Ông cũng đánh giá cuốn sách hay từ nguyên tác đến bản dịch.

“Tôi nghĩ rằng sau khi cuốn sách này ra đời rất nhiều người sẽ tò mò về châu Phi, về Kenya, và rất có thể một loại hình du lịch văn học sẽ ăn theo sau đó. Giống như khi xưa người ta chỉ biết đến Cobombia là một nơi sản xuất ma túy nổi tiếng thế giới, cho đến khi G.Market xuất hiện cùng với “Trăm năm cô đơn”, Phạm Xuân Nguyên kết luận.

Nhà văn Kiều Bích Hậu (thành viên hội đồng dịch của HNV), người đầu tiên bỏ phiếu cho “Châu Phi nghìn trùng” đánh giá tác phẩm là một “sự lộng lẫy của ngôn từ”. “Điều khiến tôi tâm đắc là ngoài ngôn ngữ đáng khâm phục và học tập, việc dựng các nhân vật châu Phi của tác giả cũng rất ấn tượng: ngay cả những nhân vật nhỏ bé, tật nguyền cũng biết cách tự tạo một số phận khác biệt, đáng tự hào, khiến chúng ta phải khâm phục”, nữ nhà văn nói thêm.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Tịnh Thy bày tỏ sự yêu mến với tác phẩm bằng hành động “không chỉ đọc mà còn mua rất nhiều để tặng bạn bè, sinh viên”. Chị Tịnh Thy đánh giá “Châu Phi nghìn trùng” là tác phẩm văn học có nhiều tiềm năng để khai thác, nghiên cứu bởi nó hay trên nhiều phương diện nhất là ở khía cạnh phê bình sinh thái, phê bình cảnh quan mà chị theo đuổi nhiều năm nay.

Cuốn sách “Châu Phi nghìn trùng”

“Châu Phi nghìn trùng” ngay từ lúc ra đời đã được đánh giá cao. Nhân một cuộc phỏng vấn sau sự kiện công bố giải Nobel Văn chương năm 1954, Ernest Hemingway từng nói về Isak Dinesen (dù hai người chưa từng gặp gỡ) như thế này: “Hôm nay, tôi cũng sẽ hạnh phúc - hạnh phúc hơn nữa - nếu giải thưởng ấy được trao cho nhà văn nữ xuất sắc Isak Dinesen...”.

Còn Carson McCullers, một nhà văn Mỹ, thì nhận định về cuốn hồi ức như sau: “Lúc ốm đau hay bất hòa với thế giới, tôi lại tìm về “Châu Phi nghìn trùng” và lần nào cuốn sách cũng an ủi, nâng đỡ cho tôi”.

Cuốn sách này cũng đã được chuyển thể thành phim vào năm 1985 với tên “Out of Africa”, đem về cho Sydney Pollack tượng vàng Oscar Phim hay nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất.