Chuyện chống dịch nơi tuyến đầu Phan Thiết

TP - “Mẹ ơi, sao mẹ không về... Rồi khi nào mẹ mới về lận?”. Câu hỏi của đứa trẻ vang lên trong đêm nhưng có lẽ chính người mẹ cũng chưa thể trả lời được khi bản thân mẹ còn đang cùng các đồng nghiệp phải tiếp tục chặng đường chống dịch cam go những ngày này.
Đội phun xịt khử khuẩn CDC Bình Thuận làm việc ngày đêm để ngăn dịch bùng phát

Ngày 10/3, khi Bình Thuận xuất hiện trường hợp đầu tiên dương tính với virus Corona chủng mới (BN34) tại thành phố Phan Thiết, đồng loạt cán bộ, nhân viên khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) xác định tinh thần: “Chống dịch như chống giặc”. Hiện khoa vẫn đang chăm sóc, điều trị và theo dõi 9 trường hợp mắc bệnh Covid-19.

Chung sức vì bệnh nhân

Bác sỹ Dương Thị Lợi, Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết ngày đó, tất cả anh em cán bộ, nhân viên trong khoa đều xác định phải cùng sát cánh bên nhau để chung tay dập dịch. “Anh chị em ở lại khoa không phải vì bị cách ly, mà ở lại để chung sức điều trị cho bệnh nhân. Các y bác sỹ trẻ đều đồng lòng với ban chủ nhiệm khoa ở lại góp sức điều trị, cứu chữa bệnh nhân”, bác sỹ Lợi nói.

Theo BS Lợi, khi tỉnh xuất hiện ca bệnh số 34 thì bệnh viện tiên lượng là sẽ có thêm nhiều ca khác nữa nên không thể nào để một kíp trực làm việc chỉ với 1 bác sỹ, 2 điều dưỡng, 1 hộ lý. “Ở lại với nhau vừa để củng cố tinh thần cho nhau, vừa đồng cam cộng khổ cùng thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, điều trị tốt nhất cho bệnh nhân”, vị bác sỹ trưởng khoa bộc bạch.

Phải trực chiến suốt nhiều ngày ở khoa trong tình thế “nội bất xuất ngoại bất nhập” là chuỗi ngày không dễ dàng với những điều dưỡng có con nhỏ. Người mẹ thì lo lắng không biết con ở nhà ăn ngủ, học hành thế nào, con cái cũng nhớ mong mẹ sau nhiều ngày mẹ vắng nhà.   

Trực tiếp điều trị, chăm sóc người bệnh, mái tóc dài và dày của một số chị em vô hình trung lại gây vướng víu khiến đồ bảo hộ không che kín được thân thể. Ý thức được những rủi ro, nguy hiểm khi phải tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, thế là các chị em tự nguyện hớt cho nhau phần tóc dài đó đi, tạm chấp nhận “chia tay” suối tóc của mình một thời gian để thuận tiện và an toàn hơn trong lúc làm việc.

Chia sẻ với chúng tôi, nữ bác sỹ trưởng khoa Truyền nhiễm BVĐK Bình Thuận bày tỏ, thời gian mới nhập viện, bệnh nhân khá lo lắng, hoảng sợ thành ra họ cũng khó lòng hợp tác tốt với mình từ ban đầu. “Lúc mới vào họ hoang mang, hoảng sợ, không nhớ gì, rồi ho, sốt, mệt mỏi đủ cả. Đó là lúc chúng tôi phải cố gắng điều trị tâm lý cho bệnh nhân để họ cảm thấy thoải mái cũng như có được sức đề kháng nội tại mà chống đỡ bệnh dịch. Các chị em trong khoa khéo léo an ủi, động viên và rồi họ cũng cởi mở, chia sẻ với mình hơn”, BS Dương Thị Lợi nói.

Kết quả đến nay thật sự làm ấm lòng những thầy thuốc thực thi nhiệm vụ chống dịch ở tuyến đầu: cả 9 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 ở Bình Thuận đều có thể trạng ổn định, các triệu chứng lâm sàng đã giảm đáng kể.

Lao vào tâm dịch

Chiều muộn 10/3, sau khi chuẩn bị đầy đủ phương tiện bảo hộ, máy móc, một nhóm 5 anh em thuộc đội phun xịt khử khuẩn, xử lý môi trường (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận) tức tốc tìm đến các địa điểm có liên quan đến lịch trình di chuyển của bệnh nhân mắc bệnh Covid-19 để phun xịt khử khuẩn.

Y bác sỹ điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại khoa Truyền nhiễm, BVĐK Bình Thuận. Ảnh: BS. Dương Thị Lợi

Phụ trách đội phun khử khuẩn, xử lý môi trường, TS. Chế Ngọc Thạch (Trưởng khoa Ký sinh trùng - Côn trùng, CDC Bình Thuận) cho biết ba ngày liền 10 - 11 - 12/3 là quãng thời gian anh em làm việc cực nhọc nhất khi các ca dương tính lần lượt được công bố. Cứ khi phát hiện ca mới thì lại tiếp tục lên đường, đảm bảo phun xịt đầy đủ tất cả những nơi có nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Cả đội cố gắng truy tìm, phun xịt toàn bộ những nơi được xác định là các trường hợp có tiếp xúc gần với bệnh nhân. Các thành viên xác định vào những nơi đó là đối mặt với nguy cơ lây nhiễm rất cao nhưng cũng phải làm cho xong trong đêm. Tạm xong công việc ngày hôm đó (10/3 - PV) cũng đã hơn 12 giờ khuya, ai nấy đều mệt lả. Về cơ quan tắm rửa, nghỉ ngơi được vài tiếng ngắn ngủi thì anh em lại lên đường  tiếp khi đồng hồ báo chỉ ngoài 5 giờ sáng.

“Khối lượng công việc chồng chất, nối đuôi nên bất kể đêm hôm đều phải làm hết, chẳng nề hà thứ gì. Anh em làm vì nhiệm vụ chứ nói thật chẳng quan tâm kinh phí hỗ trợ. Tất cả vì mục tiêu chung là hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng”, TS. Thạch tâm sự. 

Theo TS Thạch, mặc dù chú ý bảo hộ đầy đủ, cẩn thận cả quy trình làm việc nhưng nhiều lúc cũng không tránh khỏi những rủi ro khi anh em phải làm việc ở những không gian chật hẹp, dễ va chạm các vật thể có nguy cơ lây nhiễm cao. Công việc của anh em ở CDC tỉnh dần được giảm tải khi Bình Thuận không có thêm ca dương tính, mặt khác tỉnh cũng đã điều một số nhân viên ở các Trung tâm Y tế tuyến huyện về hỗ trợ.

Kề vai sát cánh với các anh em trong đội, anh Nguyễn Thái Dương (phó Trưởng khoa) hỗ trợ các thành viên làm việc bất kể giờ giấc cho đến khi xong công việc. Anh Dương cho biết, bình quân mỗi anh em phải mang trên vai từ 40-50 bình phun/ ngày đi hết nhà này đến nhà kia, len lỏi khắp các phòng ốc.

Những ngày này, anh em trong CDC Bình Thuận tạm coi khu vực phía sau cơ quan như nhà của mình. Mọi sinh hoạt ăn uống, ngủ nghỉ đều diễn ra ở khu vực tạm này. Thấu hiểu nỗi gian truân của đội ngũ y tế chống dịch, các Mạnh thường quân từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đã chung sức hỗ trợ cả tài lực, vật lực để động viên, tiếp sức những “chiến binh” thầm lặng này trên mặt trận đầy lùi dịch bệnh Covid-19. Nhờ vậy, những bữa cơm hộp khô khan ăn cho qua bữa trước đó, thì nay đã được chuẩn bị tươm tất, chu đáo hơn nhiều.