Chuyện chép ở Cuba

TP - Tôi nghĩ mình yêu Cuba lắm. Từ rất lâu rồi. Có thể từ cái thuở đọc những câu thơ Tố Hữu: “Anh viết cho em tự đảo này / Cuba hòn đảo lửa, đảo say / Ở đây say thật, say trời đất / Sóng biển say cùng rượu mật say…”. Cũng có thể từ cái lần thấy những hình ảnh oai hùng và lãng mạn của các tư lệnh Fidel và Che Guevara. Cũng có thể khi đọc đến câu nói của Fidel: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”… Cứ nghĩ tình yêu của mình và cả của người Việt nói chung với một đất nước bạn bè, một nhân dân anh em như Cuba là đã ở mức cao nhất rồi. Nhưng đến nơi mới thấy bạn yêu mình có khi còn hơn thế.
Bí thư Thành Đoàn La Havana Mai Linh bắt tay Bí thư Thành Đoàn Hà Nội Nguyễn Văn Thắng.

Kỳ1: Bí thư Thành Đoàn La Havana tên gọi Mai Linh

Tối 12/8 vừa qua, Trung ương Đoàn TNCS Cuba tổ chức một đêm nhạc kỷ niệm 91 năm ngày sinh của lãnh tụ Fidel Castro (13/8/1926 – 13/8/2017). Đang ở thăm và làm việc tại Cuba, Đoàn đại biểu cấp cao của T.Ư Đoàn và Ủy ban QG về Thanh niên Việt Nam do anh Lê Quốc Phong dẫn đầu được bạn mời dự. Lên hành lang của cung nơi diễn ra sự kiện muộn hơn mọi người một chút, tôi được mọi người chỉ một phụ nữ dáng đậm và giới thiệu: Bí thư Thành Đoàn La Havana, chị Mai Linh.

Tôi tưởng mọi người đùa vì đó chắc chắn không phải một người Việt. Lời giải thích vắn tắt: Những năm cuối 60, đầu 70 thế kỷ trước, trong thời gian chiến tranh, bố chị sang làm việc tại Hà Nội. Ông có một người bạn gái Việt Nam. Khi về nước lấy vợ, sinh con gái, ông đã lấy tên của người con gái ấy đặt cho con. Cái tên thuần Việt này là tên khai sinh ghi vào giấy tờ hẳn hoi.

Bất đồng ngôn ngữ mà cả Đoàn chỉ có một phiên dịch tiếng Tây Ban Nha, tôi không hỏi chuyện Mai Linh kỹ được. Rồi đêm nhạc diễn ra, đành bụng bảo dạ hôm sau nhờ Trung ương Đoàn bạn hỏi thêm thông tin về cái “ca” mà tôi nghĩ là kỳ thú và cảm động này. May sao, hôm sau, trong bữa trưa mà chị Susely Morfa Gonzales  - Bí thư thứ nhất và Trung ương Đoàn bạn chiêu đãi Đoàn, Mai Linh cũng đến, và không chỉ có vậy mà còn cầm theo một phong bì cũ khá dày.

Tôi đón cái phong bì ấy và háo hức giở ra: Một chứng minh thư công vụ, một giấy giới thiệu đi sân bay Gia Lâm và một tập ảnh. Chứng minh thư công vụ bằng tiếng Việt ghi rõ: “Bộ Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chứng nhận Đ/c Jose A. Alberty Anesto – nhân viên Đại sứ quán nước Cộng hoà Cu-ba. Chứng minh thư này có giá trị đến hết hạn công tác ở Việt Nam”. Chứng minh thư công vụ số 87/cv này cấp ngày 30/10/1969,  người ký là Vụ trưởng Vụ Lễ tân mà tên được đóng bằng dấu màu đỏ đã bị nhoè đi tôi chỉ đoán được hai chữ đầu là “Hoàng Công”. Giấy đi sân bay Gia Lâm cũng do Vụ Lễ tân cấp cùng ngày, có hạn đến 30/1/1970, trong đó ghi rõ “Yêu cầu các cơ quan kiểm soát giúp đỡ dễ dàng  trong việc đi lại”.

Tập ảnh đen trắng để cùng phong bì đều khổ nhỏ, đã cũ nhưng được giữ ở tình trạng tốt. Mai Linh chỉ một thanh niên nhìn vạm vỡ, nét góc cạnh đàn ông đầy cá tính, nói: “Bố tôi”. Trong ảnh, ông Jose A. Alberty Anesto trông không quá trẻ nhưng chắc cũng chưa qua tuổi ba mươi. Các bức ảnh chụp ở nhiều địa điểm và trong các trạng huống khác nhau: Hội nghị, khai mạc triển lãm; trong bữa cơm đạm bạc dùng đũa kiểu Việt Nam mà cái bàn nhỏ thấp đặt ngay ở vệ đường, chắc đang đi công tác; Ngồi ghế đá ở Hồ Gươm và cùng bạn bè cạnh chùa Một Cột. Có ảnh ông đứng cạnh chiếc xe đạp tay cầm cành đào, cảnh quanh là vườn, ruộng – có phải Nhật Tân thuở ấy?… Thậm chí có cả một ảnh mà Jose đang cầm mẩu gạch vẽ xuống sân chơi với một bé gái Việt Nam.  Trong tập ảnh có đến 3 bức ảnh của một người con gái Việt tóc ngắn.

Hình bà Mai được ông Jose lưu giữ rất cẩn thận.

Nhìn cái cách ông Jose cắt rất cẩn thận một tấm ảnh viền theo mái tóc người con gái rồi bỏ cùng một tấm ảnh của cô dạng tem viền cắt răng cưa rất đặc trưng một thời vào một bìa ni lông nhỏ trong suốt, cảm được ông quý kỷ niệm này thế nào. Chính nhờ vậy mà hai bức ảnh rất nhỏ này giữ rất tốt. Và một tấm ảnh rất đặc biệt. Hình người con gái đó đứng nghiêng, mặc áo dài nền trắng in hoa, tay cầm cành lay ơn, cười rất tươi, được in nhỏ trên một tấm giấy ảnh, chắc để lấy chỗ trống viết lời đề tặng. Và lời đề đó như thế này: “Chúc mừng Năm mới! -1970 - Tôi không bao giờ quên anh. Nguyễn Ngọc Mai. Hà Nội - Việt Nam”.

Tôi phải cân nhắc đến mấy ngày mới viết lại lời đề tặng này. Nó tiết lộ một chi tiết đời tư của một con người. Chuyện không nhỏ. Liệu nó có ảnh hưởng, xáo trộn cuộc sống của bà Mai và những người thân bây giờ? Nhưng nếu tôi không viết ra thì bài viết này cũng chỉ còn như gió thoảng, bởi trong mấy chữ ngắn ngủi và rất “kiềm chế” đề bức ảnh mà không biết bà Mai tặng trực tiếp ông Jose hay gửi qua thư đã gần 50 năm trước ấy chứa đựng không biết bao nhiêu tình cảm của tuổi trẻ một thời. Tôi quyết định viết ra bởi tin chắc đó là một tình cảm đẹp của những con người tuyệt vời từ một thời đẹp đẽ đã qua nhưng không mất đi. Một tình cảm mà con người mãi mang theo như cái cách ông Jose gìn giữ. Một tình cảm đã trở thành tài sản của nhân dân hai nước. Tôi thành thật xin lỗi bà Mai cùng người thân và tin là mình sẽ được cảm thông, được tha thứ. Thậm chí tôi hi vọng là nếu đọc được những dòng này, bà và người thân sẽ hồi âm để chúng tôi có thể kết nối lại tình bạn thuở xưa của bà và ông Jose, ở cấp độ hai gia đình. Tôi tin là Mai Linh sẽ sớm đến Việt Nam vì đoàn thanh niên hai nước có quan hệ rất thân thiết, năm nào cũng cử đoàn thăm làm việc với nhau, năm nay ta thăm bạn, năm tới bạn sang thăm. Hơn thế nữa, theo sáng kiến của anh Lê Quốc Phong được chị Susely Morfa Gonzales nhiệt thành ủng hộ thì có lẽ Thành Đoàn La Havana sẽ kết nghĩa với Thành Đoàn Hà Nội.

Lời đề tặng của bà Mai đã vận vào cuộc đời ông Jose (suốt câu chuyện này, tôi cứ liên tưởng cách xử sự của ông với một câu trong bài Giấc mơ mùa thu của Võ Thiện Thanh thuộc dòng Bolero mà Lệ Quyên hát: “Chừng nào còn mang hơi thở, chắc tôi vẫn còn nhớ người”). Ông đặt tên cho con gái là Mai. Mai Linh kể: “Thoạt đầu tên tôi như vậy. Nhưng cái tên đó quá ngắn với người Cuba nên sau đó bố thêm cho tôi chữ Linh”. Mai Linh viết tên cô theo cách viết của người Cuba lên mẩu giấy cho tôi xem: Mai-Lin. Cô không biết và lấy làm thú vị khi tôi nói rằng tên cô trong tiếng Việt có nhiều nghĩa khác nhau nhưng đều đẹp: ban mai, ngày mai, hoa mai…

Ông Jose (ngoài cùng bên phải) với bạn bè dưới chùa Một Cột.

Theo lời Mai Linh, sau khi về nước, ông Jose A. Alberty Anesto chuyển sang ngành Giáo dục, làm công tác giảng dạy. Ông lấy mẹ cô, một phụ nữ phục vụ trong lực lượng vũ trang. Ông hơn 70 tuổi và ông bà đã nghỉ hưu, hiện đang ở chung với cô.

Tôi ước muốn được gặp người đàn ông Mỹ Latin mà bằng vào các bức ảnh thì góc cạnh, xù xì như một diễn viên phim hành động Mỹ nhưng lại vô cùng tình nghĩa ấy nhưng chuyến công tác được thiết kế quá căng về mặt thời gian nên không đề đạt nguyện vọng đó ra. Hôm rời Cuba, tôi có nhờ Ban Quốc tế Trung ương Đoàn bạn chuyển qua Mai Linh tới ông Jose một túi quà, trong đó có một chiếc cà vạt, một bức phù điêu đắp nổi hình Hồ Gươm - Tháp Rùa, một gói bánh nướng và một gói bánh chả lá chanh mà tôi mang đi từ Hà Nội với hi vọng gửi tới ông chút hình ảnh, hương vị mà ông đã trải từ thời trai trẻ. Tôi ghi mấy chữ bằng tiếng Anh cho Mai Linh: “Bạn hãy nói với bố rằng tôi chúc ông mạnh khoẻ và cảm ơn ông đã dành cho một người con gái Việt Nam nhiều tình cảm đến thế”.

Còn trưa hôm ấy, khi chia tay, tôi ôm Mai Linh hôn tạm biệt vào hai má cô đúng theo cái cách nhiệt thành của người Cuba và cảm thấy cô hệt như em gái mình. Một người em không phải ruột thịt, nhưng bỗng như ruột thịt.

(Xem kỳ tiếp theo trên số báo 248 ra ngày 5/9/2017)

Lời đề tặng của bà Mai “Tôi không bao giờ quên anh” đã vận vào cuộc đời ông Jose. Sinh con gái, ông đặt tên cho con là Mai. Nhưng cái tên đó quá ngắn với người Cuba nên sau đó ông thêm cho con chữ Linh, viết trong tiếng Cuba là Mai-Lin”.

Dự đêm nhạc kỷ niệm 91 năm ngày sinh của lãnh tụ Fidel Castro (13/8/1926 – 13/8/2017) do Trung ương Đoàn TNCS Cuba tổ chức ở La Havana, tôi được mọi người chỉ một phụ nữ Cuba dáng đậm và giới thiệu: Bí thư Thành Đoàn La Havana, chị Mai Linh.