Chuyện ca sĩ Thổ Nhĩ Kỳ lấy vợ Việt, ăn Tết Việt

TP - Cựu diễn viên Thổ Nhĩ Kỳ Erdem Aslan sau một tai nạn thảm khốc đã phải đổi nghề. Anh chọn sang Việt Nam làm phiên dịch. Nhưng vận may một lần nữa mỉm cười với anh khi lại một lần Aslan được đứng trên sân khấu trong vai trò ca sĩ, với sự giúp đỡ của nhiều nghệ sĩ Việt Nam cũng như gia đình bên vợ.
Aslan Đức tìm thấy hạnh phúc ở Việt Nam bên người vợ nấu ăn giỏi Ảnh: Hòa Nguyễn

Aslan may mắn hồi sinh sau tai nạn (chỉ còn 20% hy vọng sống) vào năm 15 tuổi, nhưng anh buộc phải từ giã sân khấu kịch. Vì không thể đứng quá 15 phút. Để quên đi nỗi buồn, Aslan tính ra nước ngoài làm lại từ đầu. Một số người bạn doanh nhân của bố mẹ khuyên Aslan nên sang Việt Nam vì nơi đây đang có nhiều tiềm năng phát triển, sẽ cần đến phiên dịch. Aslan nghe theo mặc dù chưa có hình dung cụ thể gì nhiều về Việt Nam. “Tôi đã quyết định đúng”, Aslan nói. “Có thể môi trường khí hậu Việt Nam làm cho mình khỏe lại, hoặc lý do gì mình không biết. Cứ như phép màu, vì mỗi lần về Thổ  Nhĩ Kỳ bác sĩ bảo càng ngày càng khỏe hơn. Giờ tôi có thể thoải mái chơi bóng đá, tennis, đi bơi bình thường”.
Aslan vốn là cậu bé rất chăm chỉ, luôn phấn đấu để giành được điểm số cao nhất. Tuy nhiên sang Việt Nam mọi chuyện có hơi khác. “Tôi cũng muốn phấn đấu, nhưng tiếng Việt khó quá, có lúc muốn bỏ cuộc. Nên mình cũng bắt đầu ăn chơi này nọ, nhưng qua đó cũng tìm hiểu được xã hội Việt Nam”, Aslan thật thà nói. Sau 8 tháng học tiếng Việt, Aslan thi đỗ vào ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM. Tốt nghiệp ra Hà Nội làm phiên dịch, từng là trợ lý Tổng giám đốc một trường quốc tế, làm việc tại Hiệp hội Doanh nhân Thổ Nhĩ Kỳ tại Việt Nam. Công việc của anh hiện nay là xuất nhập khẩu. Anh thường nhập máy móc, vật liệu xây dựng từ Việt Nam về Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau 2 năm ở Việt Nam, Aslan nghe và hiểu ý nghĩa của nhiều bài hát Việt Nam. Được nhận xét có giọng hát hay, phát âm tiếng Việt chuẩn, Aslan bắt đầu thử làm ca sĩ. Erdem tiếng Thổ là “đạo đức” nên anh lấy luôn nghệ danh là Aslan Đức. Anh đã cùng Khánh Phương ra mắt bài hát đầu tiên Dù tha thứ cũng không xứng đáng. Được Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ, năm 2013, Aslan Đức thực hiện album riêng toàn bằng tiếng Việt Câu chuyện của Aslan gồm 7 bài. Ngoài các sáng tác của các nhạc sĩ, anh còn hát Quê hương của Giáp Văn Thạch, thơ Trung Quân. Thoạt đầu, Aslan hay hát nhạc trẻ ở quán bar, vũ trường, thù lao cũng được 15-20 triệu. Nhưng vì anh theo đạo Hồi, không được uống rượu. Mà ở những chỗ đó khán giả thường muốn bày tỏ tình cảm với ca sĩ bằng rượu nên Aslan chuyển hướng, quay sang dòng nhạc quê hương. Để hát dân ca Việt Nam cho tròn vành rõ chữ, anh học NSƯT Hồng Liên.
Aslan khá quen thuộc với khán giả truyền hình, còn được nhận vai chính trong phim hài Phụ nữ là số một phát sóng trên VTV3, quay suốt 3 năm. Nhưng anh vẫn thích được đứng trên sân khấu trực tiếp giao lưu với khán giả hơn. Anh vừa tung MV Thế giới tuyệt vời- vốn là một bài hát nổi tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ do nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đặt lời Việt. Với ca khúc này Aslan muốn chia sẻ ước nguyện của mình cũng như hàng tỉ người trên thế giới: Được sống yên vui, hạnh phúc bên những người thân yêu trong hòa bình, ổn định. MV có những cảnh Aslan phải tham gia nhảy cùng vũ đoàn. Nhìn cũng đơn giản nhưng anh đã phải cố gắng tập luyện rất nhiều.
 Aslan đề nghị đạo diễn đưa thêm một vài hình ảnh ngày Tết ở Việt Nam vào MV. “Thế giới làm sao cứ tuyệt vời như ngày Tết ở Việt Nam là được”, Aslan tuyên bố. Khi mới sang Việt Nam, vì không biết nên vào dịp Tết, hàng quán đóng cửa hết, Aslan bị đói. Bánh chưng, giò chả có thịt lợn cũng không ăn được. Năm ngoái, anh bắt đầu cảm nhận sâu sắc về Tết Việt khi được gia đình vợ (lúc đó chưa cưới) mời về nhà ăn Tết. Năm nay hai vợ chồng đón Tết tại nhà riêng. Hai vợ chồng cùng đi mua đào quất, cùng ăn bánh chưng chay…

“Trước đây năm nào tôi cũng về Thổ Nhĩ Kỳ. Cách đây 3-4 năm không về, vì công việc quá bận. Giờ mình đã có được gia đình ở đây rồi, phải lo làm ăn cái đã. Mình cũng đưa bố mẹ qua Việt Nam 2 lần chơi với gia đình vợ”. 
Ca sĩ Aslan Đức


Vợ Aslan kém chồng 10 tuổi, là kỹ sư môi trường nhưng từ khi lấy chồng đã mở một nhà hàng và theo đạo của chồng. Theo Aslan đó là yếu tố khiến vợ chồng hiểu nhau hơn để có hạnh phúc lâu dài: “Nếu một người ăn, một người nhìn, về phong tục một người theo, một người không, thì cũng không hay cho lắm”. Tuy nhiên Aslan cũng khẳng định cố gắng tiết giảm tối đa trong lối sống để hòa hợp với văn hóa của vợ. Thổ Nhĩ Kỳ cũng có hai kỳ lễ lớn là Ramadan và lễ từ thiện (mang thức ăn cho người nghèo…). Theo Aslan, rất giống với Tết Việt, cũng mua sắm, về quê, lì xì cho trẻ con, kiêng cãi nhau, kiêng nợ tiền… Chỉ khác cái một bên là phong tục, một bên theo lề luật tôn giáo.