Chiều ấy, khi chúng tôi đến Xuân Giang, tại âm phần (vị trí tìm thấy thi hài) đồng thời cũng là sinh phần (nơi sắp tới hoàn táng vua Lê Dụ Tông) thì đã có một chiếc chiếu đôi trải ngay ngắn trước một vuông đất nghi ngút khói hương cùng hoa quả bánh trái. Một vị ăn vận chỉnh tề đang chú tâm vào việc lễ bái. Vị này khấn khứa khá lâu...
Bà chủ đang cai quản phần đất thiêng ấy thông tin rằng không biết vị khách đang khấn khứa kia là ai bởi gần đây có rất nhiều khách thập phương tìm về đây dâng lễ... Mải bấn bíu với việc truy tầm, thu thập tài liệu cho bài viết dịp hoàn táng vị vua Lê sắp tới nên khi tôi quay lại thì vị khách nọ đã không còn ở đó nữa!
Chả có gì đáng lưu tâm nếu ông Lê Xuân Kỳ, Phó Chủ tịch Hội sử học Thanh Hóa, Chủ tịch Hội sử học huyện Thọ Xuân, người quen thân lâu nay với cánh làm báo hé ra chi tiết rằng ông có biết vị này... Đó là một hậu duệ họ Lê phát tích tại đất Thọ Xuân phiêu dạt ra vùng Phú Thọ đã nhiều đời.
Ấy là nói xa, còn gần thì rất nhiều người biết là trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XII vừa qua, ĐBQH Lê Văn Cuông đã trực tiếp chất vấn Thủ tướng việc có ông Chủ tịch tỉnh 5 lần không thực hiện chỉ thị của Thủ tướng! Mà vị khách kia lại là nguyên cớ lẫn duyên do những lần chỉ thị ấy cũng là nhân vật chính trong một câu chuyện dài mà chúng tôi sắp kể dưới đây!
Kỳ I: Nhọc nhằn thương hiệu Sông Lô
Rồi tôi cũng có dịp gặp lại vị khách đó. Anh là Lê Duy Hảo. Một doanh nhân từng là Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Hà Giang. Trán dô nhưng trẻ hơn tuổi Đinh Dậu (1957) lại thoải mái trong bộ đồ mặc ở nhà khác với vẻ trịnh trọng thành kính hôm khấn vái... Tôi hỏi anh bữa đó khấn gì mà lâu thế, anh không cười mà thoắt trở lại vẻ trịnh trọng hôm nào!
Câu chuyện trở về những năm xa khi Hảo là chiến binh từng kiệt sức vì những cuộc truy kích tàn quân Polpot và bị truy đuổi lại tại mặt trận Đông bắc Campuchia. Sau đó đơn vị Hảo chuyển lên biên giới phía Bắc.
Một chiều mùa đông năm 1984, tòn ten chiếc ba lô lộn ngược, người lấm lem bụi, Hảo nhảy xuống một con phố của thị xã Hà Giang khi đó còn vắng ngắt trống huơ trống hoác, Hảo chả thể ngờ rằng một phần đời mình sẽ neo lại ở mảnh đất biên cương này với những khúc nhôi cùng nhiều cung bậc ái, ố...
Manh nha sự nghiệp
Neo lại đất Hà Giang không phải chỉ có một người vợ và hai con mà có người nói vui nhưng hơi ghê ghê rằng Hảo chưa khai sinh đã định khai tử cho con! Những năm xa nhọc nhằn gian khó ấy, cả 2 bận mầm sống nhú lên trong bụng vợ một cách bất ngờ chẳng kịp trù liệu gì trước đã khiến vợ chồng Hảo toát mồ hôi. Thế mà ơn giời, liều là bởi nghe lời khuyên của những người tốt rằng, để lại, không kế hoạch kế hiếc gì may mà cả hai đứa lành lặn phương trưởng đến giờ! Năm 1992, đời sống dễ thở hơn, mấy bạn lính cùng chiến hào đất Hà Giang với Hảo đã thành lập Cty TNHH Sông Lô (CTSL).
Những năm ấy, luồng gió đổi mới lộng thổi làm thông thoáng nhiều ngõ ngách bí bách. Tiềm năng về lao động, đất đai, ngành nghề được khai thông. Chỉ một thời gian ngắn, những phần việc, những hợp đồng tới tấp kéo về... Dần dà, CTSL bé nhỏ đã phải phình ra làm 7 Cty thành viên, ba chi nhánh, hàng chục công trình đầu tư có hiệu quả. Trong số đó dự án được coi là lớn có mỏ sắt Tùng Bá, mỏ chì kẽm Na Sơn.
Gập ghềnh trúc trắc con đường từ thị xã Hà Giang về xã Tùng Bá, Vị Xuyên một bên là con đường hoắm sâu vào vách đá và sát bên xe là vực sâu hun hút mới thấy công sức của những người thợ CTSL khi khai phá con đường vào mỏ sắt, mỏ chì kẽm gian nan như thế nào.
Mà ròng rã từ năm 2000 đến 2006. Hơn 60 tỷ đồng cùng công sức đã bỏ ra ngần ấy năm để nhích từng mét trong số mấy chục cây số đường để đến được những vỉa quặng nục nạc. Rồi tiền của công sức để xây lắp nhà máy luyện quặng thô thành quặng tinh. Nhà máy luyện quặng? Tại sao không!
Thời gian tu nghiệp quản trị kinh doanh trên đất Hoa Kỳ những năm 2001, 2002 đã khiến cho con mắt của nhà quản trị kinh doanh mang bằng thạc sĩ Lê Duy Hảo phải tính đếm, phải ngó xa đến việc, đến thời điểm nước mình không thể tùy tiện mà vần từng chiếc xe khổng lồ ục ịch với sức chở hàng chục tấn quặng thô để xuất sang xứ người.
Không phải chỉ có dự án khai thác quặng sắt chì kẽm đang mở ra một thời điểm hanh thông cho CTSL. Khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam qua ngả cửa khẩu Thanh Thủy đến thị xã Hà Giang trong những năm ấy, cách thị xã không xa chạm ngay vào một công trường xây dựng khổng lồ chiếm hàng chục hécta đất.
Đó là tổ hợp vui chơi giải trí hiện đại cho mọi lứa tuổi với hồ bơi, du thuyền, ca nhạc khiêu vũ, khách sạn cao cấp... mang tên công viên Hà Phương- CVHP (Hà là địa danh tỉnh, Phương là tên xã cũng có nghĩa là thơm. Sông thơm... Hà Giang thơm) do CTSL đầu tư với số vốn trên 40 tỷ đồng.
Người ở xa đến, có lẽ phải giật mình hóa ra người Hà Giang nói riêng và Việt Nam nói chung cũng biết làm ăn đấy chứ? Bằng cớ là bao năm yên hàn rồi mà suốt 18 km từ cửa khẩu Thanh Thủy về thị xã Hà Giang cứ để trống huơ trống hoác, rồi thị xã hằng bao năm như thế không có cơ sở vui chơi giải trí thì du khách đến và dừng ở Hà Giang làm gì? Nhưng bây giờ họ đã bừng thức đã làm được.
Còn du khách Việt từng tham quan khu vui chơi giải trí Thiên Bảo sầm uất bắt mắt của đất Châu Văn Sơn của tỉnh Vân Nam chỉ cách cửa khẩu Thanh Thủy của Hà Giang 3 km không khỏi lấy làm tự hào rằng tuy tầm cỡ quy mô chưa được như Thiên Bảo nhưng dù gì thì gì CVHP không chỉ là bộ mặt của Hà Giang mà là vật tô điểm cho cửa ngõ của đất nước.
Vào dịp tết Tân Mùi năm 2003, mặc dù khách sạn chưa xây kịp và nhiều hạng mục của công viên chưa hoàn tất nhưng theo sự thúc giục của UBND tỉnh, CVHP đã tổ chức khai trương giai đoạn I để đón khách!
Tai bay vạ gió
Ở một mặt trận khác những người thợ của CTSL tại công trường triển khai dự án mỏ sắt và chì kẽm Tùng Bá Na Sơn đang cẩn trọng trong quy trình làm đường và xây nhà máy tuyển quặng. Bởi chỉ sơ sẩy là tai nạn mất mạng như chơi, là số tiền mà CTSL đã phải ứng ra trước để thi công khi nghiệm thu chất lượng lơ mơ thì sẽ không được thanh toán.
Ròng rã năm qua tháng lại như thế khi những tầng vỉa nục nạc những quặng sắt chì kẽm của Tùng Bá, Na Sơn phát lộ, CTSL chuẩn bị bắt tay khai thác thì đùng một cái ngày 12-5-2006 UBND tỉnh Hà Giang ra quyết định giao mỏ chì kẽm Na Sơn cho Cty Hoàng Bách (một doanh nghiệp mới của tỉnh thành lập cách đó chưa đầy 1 tháng) hất CTSL ra ngoài!
Việc thản nhiên ra quyết định giao mỏ cho một công ty khác trong khi không đếm xỉa gì đến quyền lợi và các khoản đầu tư của CTSL phải được xử lý ra sao, nếu gọi đúng sự vật bằng cái tên của nó thì đó là một hành động tước đoạt!
Xin trích ra một đoạn trong đơn kêu cứu của CTSL.
Việc giao cho Cty Sông Lô thăm dò khai thác mỏ chì kẽm Na Sơn và mỏ sắt Tùng Bá là một chủ trương kế hoạch lớn của tỉnh nên Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành hàng trăm văn bản... Theo đó CTSL đã triển khai thực hiện suốt 6 năm trời chi phí hơn 60 tỷ đồng. Chỉ tính riêng đường vào mỏ Tùng Bá, Na Sơn, tháng 8-2003 chủ đầu tư là Sở Công nghiệp, Cty tư vấn thiết kế trường Đại học GTVT đã xác định giá dự toán hoàn thành là 22,6 tỷ đồng chưa tính chi phí hơn 10 km đường điện thăm dò khảo sát...
Bao biện lý do, UBND tỉnh báo cáo Chính phủ rằng do CTSL không báo cáo kết quả thăm dò nên tỉnh cấp mỏ cho Cty Hoàng Bách. Đó là báo cáo sai sự thật và lý do đó cũng không thể lừa dối nổi ai bởi lẽ nếu CTSL chậm gửi báo cáo thì UBND tỉnh phải đôn đốc nhắc nhở. Tại sao UBND tỉnh không làm việc đó? Họ không thể có văn bản đôn đốc vì thực tế CTSL đã gửi hồ sơ cấp mỏ đến đúng địa chỉ, đúng thời gian theo quy định pháp luật và có xác nhận của UBND tỉnh, Sở TN&MT, Bộ TN&MT, Cục Khoáng sản...
Ngồi lại với thạc sĩ Lê Duy Hảo tôi tò mò trao đổi lại rằng có dư luận cho rằng do thay đổi ban lãnh đạo nhiệm kỳ mới nên có sự đánh đùng đột ngột như thế? Hảo đáp rằng cũng có thể có một phần. Có thể thôi, nhưng Hảo luôn tin rằng các anh ở tỉnh bất kể nhiệm kỳ nào cũng nhiệt thành với những công trình nhằm làm giàu, làm thay đổi bộ mặt của Hà Giang. Cũng hơi bất ngờ khi Hảo thở dài rằng nguyên nhân chính vẫn là... do sự tham mà ra! Tham? Ai tham và tham như thế nào? Khó hỏi và cũng khó nói vậy thay!
Trong câu chuyện, chúng tôi cũng trao đổi với Hảo có thông tin rằng anh không biết điều với ban lãnh đạo tỉnh mới nên mới bị hất ra khỏi Tùng Bá, Na Sơn như thế? Rằng CTSL không biết cách thi đấu với Cty Hoàng Bách vv... và vv... Hảo đỏ mặt. Cả cái trán dô cũng đỏ theo nhưng Hảo cười bình thản.
Vẻ bình tĩnh, anh bộc bạch rằng hà cớ gì mà CTSL phải thi đấu như thế? Danh mình chính thì ngôn mình thuận. Nói Sông Lô không biết điều thì chưa hiểu CTSL. Bằng cớ là để khắc phục giảm thiểu sự đánh đùng ấy và khi quyết định khởi kiện ra tòa, hai bên cũng đã có một thời gian thống nhất với nhau một số điểm để đi đến thương thảo. Nhưng UBND tỉnh lại vẫn dùng một quyết định khác hất chúng tôi ra thì cực chẳng đã mới phải đi đến phiên tòa ngày 14-9-2007.
----------------------
Kỳ tiếp: “Ai mua Sông Lô ra mua...”