Chương trình Giáo dục phổ thông mới có nhiều thay đổi

TP - Bộ GD&ĐT sắp công bố các bộ SGK đã được hội đồng thẩm định thông qua và bộ trưởng phê duyệt. Đây là lần đầu tiên, Việt Nam áp dụng một chương trình, nhiều bộ SGK. Các địa phương được quyền lựa chọn bộ sách phù hợp. Chương trình bắt đầu áp dụng với học sinh lớp 1 cho năm học 2020-2021 với nhiều điểm mới.
Trong năm tới, chương trình học của học sinh lớp 1 có nhiều thay đổi

Tăng 485 giờ học/năm

Trong năm học tới, học sinh lớp 1 sẽ học 7 môn bắt buộc gồm: Tiếng Việt, Toán, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật và Hoạt động trải nghiệm. Ngoài ra, Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 1 cũng trở thành 2 môn học tự chọn được áp dụng từ lớp 1. Trong khi đó, chương trình hiện hành, học sinh học ngoại ngữ từ lớp 3 và học 10 môn.

Chương trình dành nhiều thời lượng cho việc dạy Tiếng Việt cho học sinh. Ở lớp 1, học sinh học 420 giờ/ năm học. Tính toàn bộ cấp tiểu học, có đến hơn 1.500 tiết học về Tiếng Việt.

Một điểm khác nữa là trong năm tới, học sinh được giảm số môn học nhưng lại tăng tiết học. Chương trình áp dụng cho học sinh tiểu học được quy định cứng là 2.838 giờ, trong khi chương trình hiện hành học sinh học 2.353 giờ (tăng 485 giờ). Điều này được lý giải, so với chương trình hiện hành, học sinh tiểu học áp dụng chương trình mới trên toàn quốc sẽ được học 2 buổi/ ngày. 

Trong chương trình mới, thời lượng môn giáo dục thể chất bậc tiểu học tăng lên 35 tiết so với hiện nay. 

Thực hành nhiều hơn

Theo Bộ GD&ĐT khi áp dụng chương trình, SGK mới giáo viên cũng sẽ thực hiện phương pháp dạy học mới. Theo đó, thay vì truyền thụ kiến thức một chiều, nặng về lý thuyết như hiện nay, giáo viên sẽ dạy học tích cực, hướng dẫn học sinh hoạt động, tự tìm tòi kiến thức, phát triển kỹ năng vận dụng vào đời sống.

Cô N.T.T.H, giáo viên trường tiểu học ở quận Tây Hồ cho rằng, về cơ bản giáo viên trẻ không ngại học hỏi để tự đổi mới phương pháp dạy. Tuy nhiên, để tất cả giáo viên thực hiện được đòi hỏi phải có thời gian và sự nỗ lực của từng giáo viên, đặc biệt là với những người có tuổi.

Cô Đỗ Thị Mai H., giáo viên trường tiểu học ở quận Đống Đa (Hà Nội) chia sẻ, qua nghiên cứu và dạy thử nghiệm một vài tiết học ở chương trình mới cho thấy, chương trình khá hay và có phần giảm tải.

Đặc biệt, ở môn Toán và Tiếng Việt, học sinh được thực hành nhiều hơn. Theo cô H., trước khi đổi mới, bao giờ giáo viên cũng phải nghiên cứu chương trình, SGK và có sự so sánh, đánh giá để hiểu được bản chất, đổi mới nằm ở đâu mới áp dụng dạy học hiệu quả.