Chung khảo Hoa hậu phía Nam: Vang bài Dạ cổ hoài lang

TP - Chiều 5/11, một buổi chiều đặc biệt ở Bạc Liêu bởi 39 người đẹp vòng Chung khảo khu vực phía Nam cùng tụ về Khu tưởng niệm Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu để tìm hiểu và tập ca bài Dạ cổ hoài lang nổi tiếng của của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu.
Các thí sinh trước tượng nhạc sỹ Cao Văn Lầu, tác giả bài Dạ cổ hoài lang. Ảnh: Nguyễn Sơn

Say với Dạ cổ hoài lang

Từ là từ phu tướng/Báu kiếm sắc phán lên đàng…

Nghệ sĩ Thu Tâm - giọng ca đạt giải Chuông vàng Vọng cổ 2013- cất lời ca bài Dạ cổ hoài lang. Sau lần “ca mẫu”, các thí sinh chia làm 3 nhóm và được các nghệ sĩ, nghệ nhân của Trung tâm văn hóa Bạc Liêu và Đoàn cải lương Cao Văn Lầu hướng dẫn ca bài Dạ cổ hoài lang.

Lúc đầu các thí sinh hát theo, về sau tự hát theo nhịp của người hướng dẫn. Đường dầu xa ong bướm/Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang/Đêm luống trông tin bạn/Ngày mỏi mòn như đá vọng phu…

Theo nghệ sĩ Thu Tâm, để hát đúng lời, đúng nhịp và đúng giai điệu của bài vọng cổ bất hủ này thì không phải là chuyện dễ dàng. Nhưng sự tiến bộ nhanh chóng của các thí sinh đã khiến các nghệ sỹ hướng dẫn an lòng. “Dù chỉ có khoảng 1 tiếng để học hát 20 câu của bài Dạ cổ hoài lang nhưng các thí sinh tiếp thu khá nhanh và có thể hát được trôi chảy đã là quá tuyệt vời” - ông Đỗ Ngọc Ẩn - Chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử Nam bộ tỉnh Bạc Liêu nhận xét.

Điều đặc biệt, các thi sinh tìm hiểu và tập hát Dạ cổ hoài lang một cách say mê, hào hứng và tự hào. Cô gái đến từ cố đô Huế Nguyễn Thị Quỳnh Châu được các bạn thí sinh suy tôn cầm micro hát bài Dạ cổ hoài lang. Châu chia sẻ: “Nhạc điệu, lời ca bài Dạ cổ hoài lang gần gũi, dễ nhớ và dễ ca đối với em”.

Trong khi đó, cô gái có làn da nâu khỏe khoắn H’Ăng Nie đến từ ĐắkLắk, thổ lộ đây là lần đầu tiên cô đến Bạc Liêu và cũng lần đầu tiên được nghe đờn ca tài tử cùng bài Dạ cổ hoài lang một cách trực tiếp nên rất lấy làm hào hứng. H’Ăng Nie cũng được các anh chị trong đoàn ca múa nhạc Cao Văn Lầu chỉ dạy tận tình, nhờ vậy sau một thời gian ngắn cô đã thuộc gần hết lời và nhạc. “Chỉ còn 3 câu nữa là chưa khớp nhạc, giờ chỉ cần thêm vài tiếng để luyện tập thì chắc chắn em cũng có thể hát được ca khúc này”- H’Ăng Nie cười rạng rỡ.

Phạm Thị Hương, cô gái gốc Hải Phòng cho hay, bố mẹ cô yêu thích và hay nghe, hát đờn ca tài tử nên trong người cô cũng “ngấm” phần nào chất đờn ca tài tử. Cũng chính vì vậy, cô luôn từng ao ước một lần được đến Bạc Liêu và điều ấy đã thành hiện thực. Không chỉ đến Bạc Liêu, cô còn có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với vọng cổ và tìm hiểu về nguồn gốc, lịch sử của thể loại này. Đó cũng là điều khiến cô say mê học hát Dạ cổ hoài lang.

Đờn ca tài tử: Một phần cuộc sống

Dương Khả Hua, cô gái gốc Bạc Liêu có nụ cười rất hiền đã không giấu được sự xúc động khi nói về sự gắn bó của đờn ca tài tử trong đời sống của cô và gia đình.

“Từ ngày còn bé đến giờ, đi đâu em cũng được nghe đờn ca tài tử, nhất là thường được nghe ba ru ngủ bằng bài Dạ cổ hoài lang nên đã thấm vào máu, trở thành một phần cuộc sống của em”- Khả Hua kể.

Vì vậy, Khả Hua bày tỏ, khi thấy các bạn, thí sinh từ nhiều miền đất nước đến Bạc Liêu và quan tâm đến bài ca nổi tiếng từ vùng đất quê hương mình làm cô thấy tự hào và xúc động.

Đến từ Kiên Giang, Nguyễn Thị Bảo Như hồ hởi bật mí, ba của cô là chủ nhiệm của CLB đờn ca tài tử ở Kiên Giang. Mẹ cô cũng hay tham gia ca hát cùng ba và chơi được đàn kìm, đàn tranh, hai trong 4 loại dụng cụ tứ tuyệt của đờn ca tài tử. Chính vì được tiếp xúc từ nhỏ nên Bảo Như biết khá rõ thể loại âm nhạc này.

Tháng 7 vừa qua, trong cuộc thi sắc đẹp của tỉnh, Như lọt vào top thi ứng xử và cô bốc được câu hỏi: “Bạn biết gì về đờn ca tài tử”. Với vốn kiến thức ba mẹ truyền cho, Bảo Như vượt qua vòng ứng xử dễ dàng. Ban giám khảo lại yêu cầu Bảo Như hát một đoạn trong bài này. Sau khi hoàn thành đoạn ca cổ, cô đã được thêm những điểm cộng từ bài ca cổ khởi nguồn cho nền âm nhạc đờn ca tài tử này.

Nói về đờn ca tài tử, Nguyễn Lâm Diễm Trang thì chia sẻ, ông nội của cô vốn là người rất mê loại hình nghệ thuật này. Ông cũng tham gia CLB Đờn ca tài tử của Vĩnh Long và trong nhà sưu tầm rất nhiều loại nhạc cụ của đờn ca tài tử.

Dù đã hơn 80 tuổi nhưng ông vẫn tham gia các chương trình của đờn ca tài tử, đặc biệt là khi mà Bạc Liêu tổ chức Festival về đờn ca tài tử ông cũng đến dự.

Chính vì thế, cô có nhiều cơ hội tìm hiểu về loại hình nghệ thuật này ngay từ nhỏ, nhất là khi được nghe ông ca cổ nên cảm thấy nghệ thuật đờn ca tài tử rất gắn bó, rất thân thương với cô. Và từ đó cô cũng đọc nhiều sách báo để tìm hiểu sâu hơn về loại hinh nghệ thuật này.

Sức sống của đờn ca tài tử

Ông Đỗ Long Ẩn nói: “Bài Dạ cổ hoài lang của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, ra đời hơn 100 năm và sống mãi theo thời gian. Từ bài Dạ cổ hoài lang nhịp 4, rồi nhịp 8…và nhịp 32 đã phát triển ca vọng cổ và bước lên sân khấu cải lương”.

Hơn 100 năm qua, bài Dạ cổ hoài lang phổ biến rất rộng rãi và lời ca có những thay đổi. Ngày 17/9/2010, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu quyết định công bố bản nhạc và lời bài Dạ cổ hoài lang. Và hôm nay các thí sinh đang tập hát theo bản chính thức này.

Bạc Liêu có rất nhiều ban nhạc, đội nhóm Đờn ca tài tử từ xóm ấp. Ông Nguyễn Vũ, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Bạc Liêu cho biết, toàn tỉnh hiện có hơn 600 CLB đờn ca tài tử Nam bộ với khoảng 2.000 nghệ nhân ca, nghệ nhân đờn”.

Tiếng đờn, lời ca tài tử Nam bộ trở thành sinh hoạt vui chơi, giải trí mỗi dịp vui của gia đình, làng xóm ở Bạc Liêu nói riêng và vùng sông nước Nam bộ nói chung. Sau đăng cai, tổ chức thành công Festival Đờn ca tài tử Nam bộ (tháng 4/2014), tỉnh Bạc Liêu lập quỹ hỗ trợ nghệ nhân, bảo tồn nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ.

Ông Đỗ Ngọc Ẩn cho biết, sau Festival nói trên, loại hình đờn ca tài tử Nam bộ phát triển rất mạnh mẽ, CLB đờn ca tài tử Nam bộ tổ chức nhiều lớp dạy đờn ca cho giáo viên dạy nhạc các trường học, sinh viên trường ĐH, CĐ, TH với hàng ngàn người học. CLB còn phối hợp với các nghệ nhân và nghệ sĩ cải lương Đoàn cải lương Cao Văn Lầu truyền dạy, bảo tồn đờn ca tài tử Nam bộ trong trường học và cho các bạn trẻ”.

> CHÙM ẢNH: Thí sinh Hoa hậu học hát “Dạ cổ hoài lang“  

THÔNG TIN CUỘC THI HOA HẬU VIỆT NAM 2014:

Website: http://hoahau.tienphong.vn/

Facebook: https://www.facebook.com/hhvn2014

Youtube: https://www.youtube.com/user/hoahauvietnam2014