Chùm chìa khóa - vật bẩn nhất bạn không ngờ tới

Bạn nghe nói nhiều về tờ tiền là nơi chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh, nhưng mới đây, một nghiên cứu cho thấy chùm chìa khóa mới là vật dụng bẩn đáng sợ.
Chìa khóa có thể là nơi trú ngụ của hàng vạn vi khuẩn gây bệnh cho con người. Ảnh minh họa: Baike

Mọi người đều biết trên tiền có rất nhiều vi khuẩn, virus nên sau khi sờ vào tiền cần rửa tay sạch sẽ. Nhưng rất ít người để ý tới chùm chìa khóa của mình cũng là một nơi trú ngụ của hàng vạn loại vi khuẩn truyền nhiễm.

Theo nghiên cứu của một trường đại học tại Hong Kong, trung bình mỗi tờ tiền chứa 17,8 vạn con vi khuẩn. Nhưng theo kiểm nghiệm của Bộ Y tế Trung Quốc, hơn 80% chìa khóa các loại chứa các chủng vi khuẩn, virus gây thương hàn, bệnh lỵ, bệnh đường ruột… Trong đó có một chùm chìa khóa chứa tới 28 vạn loại vi khuẩn, cao hơn nhiều lượng vi khuẩn nằm trên tờ tiền. Một chiếc chìa khóa nhỏ như vậy nhưng lại mang rất nhiều vi khuẩn, chủ yếu là do chúng ta thường để lẫn chìa khóa với tiền và các vật dụng khác. Vi khuẩn, virus thông qua quá trình ma sát để xâm nhập vào bề mặt của chìa khóa. Đặc biệt có một số chùm chìa khóa được dùng chung, càng nhiều người chạm vào thì lượng vi khuẩn bám trên đó càng nhiều.

Theo Health.qq, thực tế, ít người để ý tới chìa khóa, sau khi sờ vào không rửa tay mà ăn, uống luôn sẽ tạo cơ hội cho các loại vi khuẩn thâm nhập vào cơ thể để gây bệnh.

Có rất nhiều phương pháp diệt khuẩn cho chìa khóa của bạn. Theo kiểm nghiệm cho thấy, cồn có tác dụng diệt khuẩn tốt. Vì thế từ nửa tháng tới 1 tháng, bạn có thể ngâm chìa khóa trong cồn y tế với nồng độ 75% khoảng 20 phút để diệt khuẩn. Nếu không có cồn, bạn có thể dùng xà bông, nước sôi để ngâm chìa khóa. Phương pháp này cũng giúp diệt được một số loại vi khuẩn. Ngoài ra, vào ngày trời nắng, bạn phơi chìa khóa ra ngoài trời khoảng nửa tiếng thì đa số vi khuẩn, virus cũng được diệt trừ bởi tia tử ngoại.

Muốn chùm chìa khóa của bạn sạch sẽ, còn cần tạo thói quen không để chìa khóa tùy tiện. Tiếp xúc với càng nhiều nơi thì khả năng mang vi khuẩn trên chìa khóa càng lớn. Nếu để trong túi, bạn có thể dùng chiếc túi đựng chìa khóa riêng nhằm giảm bớt cơ hội tiếp xúc với những vật dụng khác. Ngoài ra, sau khi dùng chìa khoá mở cửa, bạn cần rửa tay bằng xà phòng cho sạch, tránh đôi tay lại trở thành vật trung gian truyền bệnh vào cơ thể và môi trường xung quanh.

Theo Theo Zing