Ngày 11/2, trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội các nội dung dự kiến tiếp thu, chỉnh lý trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, liên quan đến tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách, bên cạnh nhiều ý kiến tán thành quy định tỷ lệ ít nhất 35% tổng số ĐBQH như hiện nay thì cũng có không ít ý kiến đề nghị nâng tỷ lệ này lên mức 37 – 40%, hoặc cao hơn nữa. Về việc này, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Ban soạn thảo đưa ra hai phương án:
Phương án 1: Giữ quy định về tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số ĐBQH (tương đương khoảng 175 đại biểu) như trong Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành.
Phương án 2: Quy định tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách ít nhất là 40% tổng số ĐBQH (tương đương khoảng 200 đại biểu).
“Trên cơ sở phân tích những ưu điểm và hạn chế của từng phương án, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Ban soạn thảo tán thành phương án 1”, ông Tùng cho hay.
Về cơ cấu ĐBQH, có ý kiến đề nghị cần có chính sách thu hút các đồng chí nguyên là cán bộ, công chức, viên chức có kinh nghiệm công tác lâu năm, có năng lực, trí tuệ, gần đến tuổi nghỉ hưu hoặc đã nghỉ hưu nhưng còn đủ điều kiện về sức khỏe tham gia làm ĐBQH hoạt động chuyên trách; không khống chế độ tuổi tối đa của ĐBQH hoặc kéo dài tuổi làm việc của ĐBQH hoạt động chuyên trách lên mức cao hơn (65-67 tuổi) so với quy định của Bộ luật Lao động để phát huy tối đa trí tuệ, kinh nghiệm của đại biểu.
Theo ông Tùng, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Ban soạn thảo nhận thấy, đây là một đề xuất có tính tích cực cao, cần được xem xét. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành của pháp luật thì ĐBQH hoạt động chuyên trách là chức danh cán bộ, thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Cán bộ, công chức, nên nếu có quy định riêng về tuổi làm việc đối với ĐBQH thì cần được tính toán để thể hiện ngay trong Luật Tổ chức Quốc hội.
Cho ý kiến về nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, số lượng ĐBQH chuyên trách cần nâng lên từ 37 – 40%. Theo bà Phóng, việc dành ra 3 – 5% này để nhằm thu hút được các chuyên gia có kiến thức, kinh nghiệm, từng công tác ở Quốc hội và các Bộ, ngành. Giới đại biểu chuyên gia này sẽ không giữ chức vụ gì và chỉ làm ĐBQH thôi.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Uỷ ban KHCN&MT Phan Xuân Dũng lại quan tâm đến chức danh Tổng Thư ký đồng thời là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. “Các nước họ tách Tổng Thư ký riêng và Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội riêng, còn mình gộp vào thì đến 4, 5 anh Nguyễn Hạnh Phúc (Tổng Thư ký kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) mới làm được”, ông Dũng nêu.
Cùng mối quan tâm, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đề nghị, Tổng Thư ký và Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phải xác định tách biệt hai vị trí này, và nhập hay không là quyền của Quốc hội quyết định.
Về cơ cấu, theo ông Bình, Quốc hội đầu nhiệm kỳ sẽ quyết định số lượng Uỷ ban, còn ĐBQH là như nhau, là một chức danh chung, trong đó có đại biểu kiêm nhiệm và đại biểu chuyên trách (100% thời gian phục vụ Quốc hội). Ông cũng đề nghị nâng số lượng ĐBQH chuyên trách lên 40%. Bởi như bây giờ chỉ khoảng 35%, thì riêng 63 tỉnh, thành đã chiếm 63 người, ở Trung ương chỉ còn lại hơn 100 người thì rất nặng.
Đề cập đến tỷ lệ đại biểu chuyên trách, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, thực tế trong 14 khóa Quốc hội, chưa bao giờ số ĐBQH chuyên trách đạt 35%, tối đa chỉ đạt 34%. Theo ông, việc đưa ra con số tối thiểu 35% như dự thảo là tốt rồi, cao hơn khó đạt được.
Cũng theo ông Phúc, phụ cấp chức vụ của đại biểu chuyên trách ngang với Tổng cục phó, ĐBQH ít nhất cũng bằng Giám đốc sở, nên phải cân nhắc để đảm bảo yêu cầu, không thì rất khó. Đồng tình phải có “bước đệm” để thu hút người về, mặt khác, phải nâng địa vị pháp lý của đại biểu chyên trách lên, được họp Uỷ ban và được quyền biểu quyết.