Phát triển điện hạt nhân:

Chuẩn bị 40 năm, Indonesia vẫn chậm hơn Việt Nam

TP - Những trở ngại chính trị dai dẳng khiến Indonesia đến nay lại chậm hơn Việt Nam trong con đường phát triển điện hạt nhân. Nam Phi và Việt Nam đều có nhân lực điện hạt nhân được đào tạo tốt, nhiều người trẻ hướng về tương lai.
TS Arnold Soetrisnanto (trái) và TS Kelvin Kemm trong buổi gặp báo chí tại Hà Nội. Ảnh: Trúc Quỳnh.

Đó là nhận định của TS Arnold Soetrisnanto - Chủ tịch Hiệp hội Hạt nhân Indonesia và TS Kelvin Kemm - Chủ tịch Hiệp hội Hạt nhân châu Phi trong cuộc gặp gỡ báo chí sau hội thảo mới đây về an toàn sinh thái và sự chấp nhận của công chúng đối với năng lượng hạt nhân, do Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga (Rosatom) tổ chức tại Hà Nội.

TS Soetrisnanto cho biết, Indonesia bắt đầu chuẩn bị cho việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên từ năm 1954, khi chỉ có các nước phương Tây có công nghệ này. Năm 1954, chính phủ Indonesia lập ra tổ chức đầu tiên liên quan công nghệ hạt nhân với mục tiêu nghiên cứu các vụ thử nghiệm bom hạt nhân trên Thái Bình Dương. Nước này xây dựng lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu vào năm 1964, rồi xây tiếp hai lò phản ứng nghiên cứu vào năm 1979 và 1987. Vì thế, Indonesia có nhiều năm kinh nghiệm về lò phản ứng hạt nhân, và từ năm 1954 chưa có sự cố nào xảy ra, TS Soetrisnanto nói.

Theo TS Soetrisnanto, trong 40 năm chuẩn bị cho việc xây nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, Indonesia gặp một số khó khăn, nhưng không phải ở vấn đề kỹ thuật mà là trở ngại chính trị. Nghiên cứu khả thi cho xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại địa điểm Muria trên đảo Java hoàn tất năm 1997, nhưng vấn đề là sau khi đã chọn được địa điểm, chính phủ vẫn chưa quyết được có xây hay không. Người dân ở Muria cũng không tán thành việc xây nhà máy điện hạt nhân ở đó. TS Soetrisnanto nói rằng, khủng hoảng kinh tế năm 1997-1998 trở thành cuộc khủng hoảng chính trị ở Indonesia, mở ra thời kỳ dân chủ với sự ra đời của nhiều chính đảng, và chuyện xây dựng nhà máy điện hạt nhân cũng trở thành lá bài chính trị. Năm 2001, Indonesia chuyển địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân từ Muria sang Bangka. Nghiên cứu khả thi ở địa điểm mới được hoàn tất năm 2013, nhưng đến nay, nước này vẫn chờ đợi một quyết định chính trị. Indonesia vẫn chưa lựa chọn đối tác nào để phát triển điện hạt nhân. Lực lượng chuyên gia, kỹ thuật viên điện hạt nhân được chuẩn bị từ năm 1972 không tìm được việc làm đúng nghề, gây ra tình trạng lãng phí nhân lực, TS Soetrisnanto cho biết.

Theo TS Soetrisnanto, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đưa ra 19 tiêu chí để đánh giá khả năng sẵn sàng cho việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân của các quốc gia, và Indonesia đã chuẩn bị đủ 16 tiêu chí, còn 3 tiêu chí chưa sẵn sàng, gồm: quyết định của chính phủ, thành lập tổ chức xây dựng nhà máy điện hạt nhân và sự chấp nhận của người dân. “So với Việt Nam, Indonesia đã chuẩn bị kỹ hơn về kỹ thuật. Nhưng Việt Nam có ưu điểm là không vấp phải trở ngại chính trị nên đi nhanh hơn Indonesia”, TS Soetrisnanto nói.

Xử lý rác thải hạt nhân

Chia sẻ tại buổi gặp báo chí, TS Kelvin Kemm, Chủ tịch Hiệp hội Hạt nhân châu Phi, nói rằng, ông nhìn thấy nhiều điểm tương đồng giữa Nam Phi và Việt Nam. Hai nước đều có nhân lực được đào tạo tốt, nhiều người trẻ hướng về tương lai. Hội Chuyên gia hạt nhân trẻ của Nam Phi có 70% thành viên là người da màu. Họ nhìn thấy tương lai của điện hạt nhân và mong muốn chính phủ đẩy nhanh phát triển điện hạt nhân vì họ nhìn thấy cơ hội nghề nghiệp được tạo ra từ đó.

TS Kemm cho rằng, Nam Phi và Việt Nam còn chia sẻ điểm tương đồng ở việc hai nước cần phát triển năng lực của chính người dân nước mình và tránh ảnh hưởng quá nhiều từ bên ngoài. Chính phủ Nam Phi xác định rõ ràng rằng, nước này sẽ không mua nhà máy điện hạt nhân từ nước khác, mà sẽ chọn một hoặc nhiều đối tác để hợp tác lâu dài, hướng tới mục tiêu phát triển và xuất khẩu điện hạt nhân một cách ổn định. Theo TS Kemm, một số tổ chức quốc tế nói rằng, điện hạt nhân chỉ dành cho những cường quốc. Nhưng hiện nay có những thế hệ lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ hơn, phù hợp với các nước đang phát triển và hiện chỉ có 10% tổng số lò phản ứng có quy mô lớn.

Nam Phi chi 4.000 USD để sản xuất ra 1kW điện. Các tổ chức phản đối điện hạt nhân cho rằng, chi phí phải lên tới 8.000 USD/kW. Hàn Quốc đang xây nhà máy điện hạt nhân với giá 3.000-4.000 USD/kW. TS Kemm nói rằng, việc đó hoàn toàn có thể làm được nhờ công nghệ mới, sản xuất công nghệ hàng loạt và hợp tác quốc tế. Chủ tịch Hiệp hội Hạt nhân châu Phi cho rằng, chi phí của việc phát triển điện hạt nhân dường như quá cao khi thực hiện dự án đầu tiên. Nhưng thực ra, chi phí đó còn tạo nền tảng cho những dự án sau này. Nhà máy điện hạt nhân ở Cape Town của Nam Phi đã hoạt động được 30 năm. Và hiện nay, giá điện hạt nhân là rẻ nhất ở Nam Phi - nước không có điện sản xuất từ than, TS Kemm nói. Nam Phi dự kiến khởi công nhà máy điện hạt nhân thứ hai vào năm sau.

Nam Phi tự vận hành một cơ sở chứa rác thải hạt nhân với quy mô thuộc hạng lớn nhất thế giới. Cơ sở này đã hoạt động được 30 năm và chưa gặp trục trặc gì. TS Kemm cho biết, cơ sở này tiếp nhận tất cả các chất thải hạt nhân nồng độ thấp và trung bình, nhưng chưa xử lý chất thải nồng độ cao vì chưa có quy định của chính phủ. Nam Phi đang nỗ lực tìm giải pháp, hy vọng sẽ có trong 5 năm tới. “Là một kỹ sư hạt nhân, tôi khẳng định không có vấn đề gì trong việc chứa rác thải hạt nhân hàm lượng cao. Vấn đề chính khiến chính phủ chưa quyết định vì người dân còn lo sợ. Về nguyên tắc, khi đã có hướng dẫn kỹ thuật của IAEA thì có thể giải quyết tất cả các loại rác thải hạt nhân”, TS Kemm nói.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 13 tổ máy điện hạt nhân với tổng công suất khoảng 15.000 MW, chiếm khoảng 10% tổng công suất nguồn điện. Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam cho biết, nghiên cứu khả thi cho nhà máy Ninh Thuận 1 bắt đầu vào tháng 11/2011.