> Dùng nước nhiễm phèn từ công trình nước... sạch
Đây là một trong những dự án điểm do Bộ NN&PTNT phê duyệt, UBND tỉnh Bắc Giang là chủ đầu tư. Công trình này có tổng vốn đầu tư hơn 10,4 tỷ đồng, được thi công làm hai giai đoạn.
Hạng mục thuộc giai đoạn một của dự án đã được bàn giao tạm thời cho UBND xã Tân Dĩnh sử dụng và cấp nước cho dân từ cuối năm 2005. Các hạng mục công trình thuộc giai đoạn hai của dự án cũng hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2009.
Dự kiến, công trình cung cấp nước sạch cho khoảng 2.573 hộ gia đình trong xã. Đây là địa phương có nguồn nước ngầm rất khan hiếm và nhiễm bẩn, nếu không có nước máy, người dân phải đi xin nước tại một số gia đình có nước ngầm để sinh hoạt. Do đó, công trình này có ý nghĩa rất lớn với họ.
Sau hơn 6 năm đưa vào sử dụng, nhà máy nước này hoạt động cầm chừng và mới chỉ cung cấp nước sạch được cho khoảng …700 hộ với khoảng vài chục lít mỗi ngày.
Cảnh người dân phải đi gánh nước về sinh hoạt vẫn tái diễn trong xã, nhất là trong mùa khô. Ông Nguyễn Sơn Hà, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Qua thời gian vận hành, hàng loạt các hạng mục của công trình đã xuống cấp nhanh chóng, không thể hoạt động được.
Các giếng thường xuyên thiếu nước, 3/7 giếng hỏng từ năm 2009 đến nay, các ống dẫn bằng sắt kém chất lượng và bị mục gần hết.
Các máy xử lý hóa chất thì hầu như không hoạt động, hệ thống van cũng bị tê liệt”. Hiện nay, đơn vị được tạm giao quản lý và khai thác công trình nước sạch này là HTX Nông nghiệp Tân Dĩnh cũng đang loay hoay chưa biết xử lý thế nào.
Ông Trần Văn Sỹ, Chủ nhiệm HTX nói: “Hàng trăm hộ dân trong xã đã lắp đồng hồ, đường dẫn nước đến tận nhà nhưng không có nước về khiến họ bức xúc. Chúng tôi cũng ngại đi thu tiền của dân, vì bị trách rát tai quá. Tiền nước thu được không đủ để nuôi nhân công quản lý”.
Cũng theo ông Sỹ, HTX không thể nhận bàn giao công trình này được, vì đã xuống cấp nghiêm trọng. Theo tính toán của Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường (Sở NN&PTNT Bắc Giang), số tiền để sửa các hạng mục này cũng đến gần 1,5 tỷ đồng nên HTX không có đủ tiền để làm.
Do đó, công trình ngày càng xuống cấp nhanh, nguy cơ chỉ trong thời gian ngắn nữa sẽ đắp chiếu, không thể hoạt động được.
“Nếu nhận công trình này thì chúng tôi không có khả năng để khắc phục những hỏng hóc trên và hầu như cầm chắc thua lỗ chứ không thể có lãi. Tiền nước thu được không đủ tiền để sửa chữa thường xuyên chứ nói gì đến chi lương cho người quản lý” – ông Sỹ nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường Bắc Giang cũng đã cử đoàn khảo sát thực trạng thiếu nước và xác định từ năm 2005 đến nay, công trình không được duy tu, bảo dưỡng, rửa giếng định kỳ, dẫn đến các giếng đều bị tắc, ảnh hưởng lớn đến lưu lượng khai thác và có thể làm cháy máy bơm khi vận hành.
Các máy bơm, van khóa không được bảo dưỡng và thay dầu mỡ nên bị hỏng, kẹt hoặc không vận hành được. Các bể để rong rêu, cây cối mọc um tùm làm ảnh hưởng đến chất lượng nước và tuổi thọ công trình.
Trung tâm cũng đã yêu cầu các nhà thầu thi công phải sửa chữa, thay thế 7 hạng mục để bàn giao cho HTX Tân Dĩnh trước tháng 12 năm 2011.
Tuy nhiên đến nay, công trình vẫn chưa được xử lý dứt điểm nên HTX cũng chưa nhận bàn giao.
Nhà máy nước được đầu tư hàng chục tỷ đồng vẫn hoạt động rệu rã, cầm chừng, còn hàng nghìn hộ dân Tân Dĩnh vẫn mỏi mòn chờ nước từng ngày.