Khom lưng nhặt quả rụng dưới những gốc cam 5 năm tuổi, ông Nguyễn Quốc Phong (SN 1954, trú ở xóm Phượng Sơn, xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) cho biết, mấy ngày qua, cam rụng ngày một nhiều hơn nhưng không có cách nào cứu. Ông bảo, năm nay thời tiết không thuận lợi, đặc biệt trận mưa lớn kéo dài cuối tháng 11 khiến quả cam ngả vàng, rụng đầy vườn, nhặt không xuể. “Cây rụng ít thì khoảng 60 - 70% lượng quả. Có những cây rụng không còn quả nào. Cá biệt có nhiều cây cam chết khô, tôi đã phải đào gốc bỏ đi. Công sức cả năm chăm sóc nay chẳng còn gì”, ông nói.
Hơn 100 gốc cam Xã Đoài của gia đình ông Phong năm nay quả rất sai, hứa hẹn một mùa bội thu. Thế nhưng chưa kịp vui thì nước lũ nhấn chìm cả vườn cam. Lũ rút, cam bắt đầu ngả vàng, thối cuống rồi rụng hàng loạt. Những quả đang trên cây cũng chớm ngả màu vàng và có khả năng sẽ tiếp tục bị rụng. Số lượng cam còn lại ít, lão nông này chẳng dám nhận tiền đặt cọc mua cam của khách vì sợ Tết không có hàng để bán.
Lâm cảnh tương tự, ông Nguyễn Văn Thọ, một chủ vườn rất nặng lòng với cam Xã Đoài cho biết, chỉ trong hơn 1 tháng qua, vườn cam gần 60 gốc của gia đình đã bị ngâm nước lũ do mưa lớn. Ngâm nước lâu ngày khiến bộ rễ của cây cam bị ảnh hưởng, lũ rút, những cây cam bắt đầu rụng trái. “Không có cách nào để “hãm” được quả rụng. Sáng nào ra vườn cũng nhặt được vài chục kg cam rụng. Vì cây bị ngâm nước lâu quá nên nó sẽ còn rụng cho đến Tết”, ông Thọ thở dài.
Ông Trần Nguyên Hòa, Trưởng phòng NN&PTNT thôn huyện Nghi Lộc chia sẻ: “Cam Xã Đoài là nông sản quý của địa phương, tuy nhiên do diện tích trồng đang ngày càng thu hẹp nên sản lượng cam không đủ để cung ứng cho thị trường. Khu vực trồng cam Xã Đoài ngon nhất là khu vực gần nhà thờ Giáo xứ Xã Đoài, chính vì thế muốn mở rộng diện tích trồng cũng rất khó. Hằng năm huyện và tỉnh đều tổ chức nhiều chương trình hội chợ, hội thảo để xúc tiến tiêu thụ và quảng bá sản phẩm”.
Vườn cam Xã Đoài của gia đình ông Thọ năm nay ước đạt 14.000 quả. Tuy nhiên, đến nay đã rụng mất hơn 4.000 quả. Với thời tiết cực đoan, thất thường như hiện tại, ông Thọ dự tính đến Tết Nguyên đán chỉ còn khoảng 6.000-7.000 quả để bán. Chỉ tay vào chùm quả nặng trĩu, đang dần ngả màu vàng óng trên cây, ông Thọ bảo “nhìn đẹp vậy mà giờ phải vứt bỏ”, ông vỗ nhẹ khiến cả chùm cam thi nhau rơi xuống đất. “Có mấy khách đặt mua mấy trăm trái nhưng muốn cắt bây giờ để làm quà biếu nên tôi không bán. Giờ cứ để cam rụng thì tiếc đó, nhưng mà cắt bán thì ảnh hưởng chất lượng, uy tín của mình đành thôi”, ông Thọ nói.
Kêu trời vì lũ
Xã Nghi Diên hiện có 16 ha cam Xã Đoài với trên 10.000 gốc. Cam Xã Đoài là sản vật nổi tiếng được các giáo sĩ mang từ Pháp đến vùng đất Xã Đoài vào khoảng giữa thế kỷ 19 và từng là sản vật tiến vua. Điều kỳ lạ là loại cam này chỉ thích hợp với thổ nhưỡng ở đây, trồng tại đây mới cho quả ngọt và thơm ngon. Giống cam này rất khó chăm sóc nên không phải ai trồng cũng cho quả ngon.
Không bán theo từng cân, cam Xã Đoài được bán theo quả với giá 60.000 - 100.000 đồng, tùy từng thời điểm và chất lượng. Khi cam chín, người mua đến tận vườn hái. Đặc biệt vào dịp Tết hằng năm, nhiều chủ vườn “cháy hàng”. Tuy nhiên, năm nay do thời tiết bất lợi, đặc biệt là những đợt mưa lớn bất thường khiến nhiều vườn cam của bà con bị rụng quả hàng loạt, nhiều hộ đứng ngồi không yên, lo mất Tết sau một năm dày công chăm sóc.
Ông Phan Công Dương, Chủ tịch UBND xã Nghi Diên cho biết, toàn xã có hơn 30ha cam Xã Đoài, trong đó, số cam gốc trồng trong vườn nhà dân khoảng 10ha, số còn lại ở trong các trang trại cam. Những đợt mưa lớn trong tháng 11 khiến các vườn cam bị ngập úng nhiều ngày. Theo khảo sát của địa phương, hiện nay có đến 60% diện tích cam trên địa bàn bị rụng quả hàng loạt sau mưa lũ, lượng cam cung ứng cho thị trường năm nay chắc chắn không thể bằng những năm trước.