Có những đối tác giảm 700 triệu USD với những hợp đồng đã ký
Tại Hội thảo khoa học “Nâng cao vai trò của thành phần kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam - thực tiễn Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines”, diễn ra sáng 10/11, ông Đặng Ngọc Hòa phân tích, đặc thù của Vietnam Airlines so với các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) khác là có tính hội nhập rất cao và cạnh tranh khốc liệt.
Nếu Vietnam Airlines không thay đổi, không nhanh chóng chuyển đổi số, nâng cao chất lượng dịch vụ thì hành khách sẽ không lựa chọn.
Chủ tịch Vietnam Airlines cho hay, do ảnh hưởng của “bão” Covid-19, dù được Nhà nước hỗ trợ nhưng Vietnam Airlines xác định giải pháp tự thân là chính.
3 năm rưỡi qua, với các giải pháp quản trị dòng tiền, tiết kiệm chi phí và đàm phán giãn hoãn, hãng giảm được khoản chi phí 44.500 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều hợp đồng đã ký 10 năm nay đều được đưa ra đàm phán lại. Các đối tác cũng rất chia sẻ với Vietnam Airlines, có những đối tác giảm cho hãng 700 triệu USD (hơn 17.600 tỷ đồng) với những hợp đồng đã ký.
Đặc biệt là với Pacific Airlines - công ty con của VNA, sau khi kiên trì đàm phán, đối tác đã giảm gần 6.000 tỷ đồng cho Vietnam Airlines.
Cùng với tiết giảm, cắt giảm chi phí và cân đối thu chi, 3 quý đầu năm nay Vietnam Airlines đều có lãi. Theo báo cáo tài chính quý III/2024, công ty mẹ Vietnam Airlines lãi khoảng 1.870 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất hơn 6.263 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do hệ lụy kéo dài của Covid-19, tính đến thời điểm 30/9/2024, Vietnam Airlines vẫn đang lỗ lũy kế 35.225 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu của công ty âm hơn 11.000 tỷ đồng. Do đó, cổ phiếu HVN của hãng vẫn trong tình trạng bị kiểm soát.
Vì thế, tại hội thảo, Chủ tịch Đặng Ngọc Hòa kiến nghị, giải pháp quan trọng nhất hiện nay là tháo gỡ điểm nghẽn cơ chế để Vietnam Airlines phục hồi và phát triển bền vững, trong đó có việc thông qua Đề án tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.
“Trong môi trường cạnh tranh toàn cầu, không phải cá ao lớn nuốt cá ao bé mà là cá nhanh nuốt cá chậm”, ông Hòa lo ngại.
Bản thân DNNN lại ghen tị với doanh nghiệp tư nhân
TS. Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, cho rằng, có hai liều vắc-xin rất kịp thời đã được “bơm” cho Vietnam Airlines, đó là Nghị quyết 135 của Quốc hội về việc cho VNA được vay dưới danh nghĩa khoản tái cấp vốn lãi suất thấp và tăng vốn chủ sở hữu thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ.
Nhờ đó, hãng đã vượt qua được những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra và hậu quả của nó. TS. Trương Văn Phước đặt vấn đề, nếu Nhà nước dừng ở đó, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục tái cơ cấu để có thể tạo ra những khoản lợi nhuận, nhưng lỗ lũy kế còn lớn, âm vốn chủ sở hữu nhiều nghìn tỷ, nhưng tại sao một khu vực tạo ra lợi nhuận và triển vọng kinh tế tốt mà Nhà nước lại không đầu tư?
Vấn đề đặt ra là đưa vốn cho Vietnam Airlines bằng cách nào, đó là một điểm nghẽn của thể chế.
Cho rằng có hai vấn đề cần được tháo gỡ hiện nay, đó là thể chế và vốn, PGS.TS Nguyễn Văn Thạo, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận TƯ, nhìn nhận, chúng ta khó có những tập đoàn, tổng công ty nhà nước lọt vào top 500 của thế giới với cách làm như hiện nay.
Ông Thạo phân tích, nói thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn, nhưng cần đi vào từng điểm nghẽn cụ thể để tháo gỡ. Doanh nghiệp muốn phát triển phải có thể chế, có khung khổ pháp luật và cần tạo ra cho họ sự năng động sáng tạo một cách tối đa, tạo ra động lực.
“Doanh nghiệp tư nhân đang ghen tị với DNNN thì bản thân DNNN lại ghen tị với doanh nghiệp tư nhân trong việc toàn quyền được quyết định đầu tư, về tiền lương, về cán bộ. Trong khi doanh nghiệp tư nhân linh hoạt, tự chủ, tháo vát như thế, còn DNNN cứ phải trình xin thì mất hết cơ hội”, ông Nguyễn Văn Thạo chia sẻ.
Trong Đề án tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 để Vietnam Airlines sớm phục hồi và phát triển bền vững giai đoạn 2021-2035, hãng kiến nghị:
1. Cho phép VNA chào bán thêm cổ phần cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn khi đáp ứng các quy định tại các điểm a, c và d Khoản 2 Điều 15 của Luật Chứng khoán 2019 (không áp dụng điểm b).
2. Cho phép Chính phủ giao SCIC và giao doanh nghiệp nhà nước có tiềm lực tài chính theo quyết định của Chính phủ thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phần tại Vietnam Airlines thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước theo phương thức chuyển giao quyền mua khi VNA thực hiện phương án tăng vốn điều lệ chào bán thêm cổ phần cho cổ đông hiện hữu.
3. Cho phép Thủ tướng Chính phủ giao VNA và các doanh nghiệp thành viên do VNA sở hữu 100% vốn điều lệ là nhà đầu tư các dự án thuộc “Dự án thành phần 4 - Tổ hợp công trình dịch vụ đồng bộ chuyên ngành hàng không tại Cảng Hàng không quốc tế Long Thành”.
4. Cho phép Pacific Airlines được dừng/miễn nộp các khoản tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp tiền thuế và được miễn trừ không bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo Luật Quản lý thuế hiện hành.
Link gốc: https://vietnamnet.vn/chu-tich-vietnam-airlines-lo-canh-tranh-khoc-liet-ca-nhanh-nuot-ca-cham-2340624.html?