Ông Nguyễn Thanh Ngọc (Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh) cho biết:
Tây Ninh chọn Du lịch là một trong các chương trình đột phá, là tỉnh có vị trí thuận lợi, cách TPHCM 99 km; cách thành phố du lịch Vũng Tàu khoảng 200km. Khi đường Hồ Chí Minh hoàn thành, sẽ nối Tây Ninh với thành phố Buôn Ma Thuột và các tỉnh Tây Nguyên. Tây Ninh còn nối với các tỉnh Miền Tây Nam bộ và TPHCM bằng đường thuỷ, trên sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông.
Ngoài ra, Tây Ninh cách Thủ đô Phnom Pênh khoảng 170 km, nơi có nhiều cảnh quan du lịch nổi tiếng của Campuchia. Khi con đường xuyên Á hoàn thành, việc thông thương theo tuyến này có nhiều thuận lợi và là cơ hội để phát triển du lịch.
Tài nguyên du lịch của Tây Ninh tương đối đa dạng, phong phú, với những địa điểm du lịch nổi tiếng như: Núi Bà Đen, Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh, Hồ nước Dầu Tiếng, Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát, đặc biệt là các khu di tích lịch sử cách mạng như: Căn cứ Trung ương Cục Miền Nam, Căn cứ Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, Căn cứ Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam, Căn cứ Ban An ninh Trung ương Cục Miền Nam…
Với những lợi thế như trên, cộng với quyết tâm cao, trong năm 2024, Tây Ninh thu hút 5,6 triệu khách tham quan các khu, điểm du lịch, tăng 9,7% so cùng kỳ, tăng 2% so kế hoạch; Tổng doanh thu du lịch ước đạt 2.500 tỷ đồng, tăng 24,4% so cùng kỳ, tăng 8,7% so kế hoạch.
PV: Ông có thể cho biết thêm, UBND tỉnh Tây Ninh đã triển khai thực hiện các giải pháp để phát triển du lịch như thế nào?
Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc:
Các giải pháp đó là: Để đa dạng hóa sản phẩm du lịch, thu hút nhiều đối tượng du khách tham quan các điểm đến ngoài Khu du lịch núi Bà Đen, trong năm 2024, Tây Ninh đã xây dựng được 26 chương trình du lịch mới gắn với chương trình phát triển du lịch nông thôn với nhiều điểm nhấn, nổi bật được lợi thế của các điểm đến như các cơ sở kinh doanh sản phẩm đặc sản, OCOP; các mô hình du lịch nông nghiệp hữu cơ; các làng nghề truyền thống tráng bánh tráng, làm muối ớt, làm nhang…
Để Tây Ninh thực sự trở thành một điểm đến hấp dẫn thu hút đông đảo khách du lịch, ngành du lịch Tây Ninh đã triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn hình ảnh, thương hiệu du lịch Tây Ninh, như: xây dựng và ban hành 3.000 bộ tài liệu tuyên truyền ứng xử văn minh du lịch; thực hiện kiểm tra chuyên đề về thực hiện Quy tắc ứng xử văn minh du lịch tại UBND 09 huyện, thị xã, thành phố và các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Bên cạnh việc tham gia, phối hợp, tổ chức xúc tiến, quảng bá du lịch Tây Ninh trong nước, quốc tế, thực hiện các hoạt động khảo sát, liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ; phối hợp các cơ quan thông tấn báo chí, các cơ quan truyền thông quảng bá du lịch Tây Ninh trên các nền tảng kỹ thuật số; ngành cũng chủ động triển khai thực hiện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào xúc tiến, quảng bá du lịch; trong đó, chú trọng vào việc thu thập thông tin và xây dựng nguồn dữ liệu, tăng cường truyền thông cổ động trực quan, hoàn thành việc tích hợp vào mã QR - mã phản hồi nhanh tại 65 điểm tham quan du lịch và di tích trên địa bàn tỉnh, thực hiện chuyển đổi số không thu phí đối với Di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Bình Thạnh nhằm bảo tồn, tu sửa, phát huy giá trị các di tích lịch sử, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, phục vụ nhu cầu tìm hiểu của khách du lịch.
Ngoài ra, Tây Ninh cũng xây dựng Bộ nhận diện thương hiệu hình ảnh tỉnh Tây Ninh, góp phần quảng bá thương hiệu hình ảnh của tỉnh, theo hướng dễ nhận diện, dễ ghi nhớ, tạo thiện cảm, thể hiện được những nét nổi bật riêng của Tỉnh, tạo sự khác biệt và duy nhất của tỉnh Tây Ninh so với các địa phương khác trong và ngoài nước…
PV: Xin cám ơn ông!