Chủ sở hữu doanh nghiệp có vốn nhà nước?

TP - Ngoài Luật Doanh nghiệp, việc quản lý các doanh nghiệp có vốn nhà nước (DNCVNN) đang được điều chỉnh bằng khá nhiều nghị định của Chính phủ; tại thời điểm này, dự thảo Nghị định “về tập đoàn kinh tế nhà nước, TCty nhà nước” đang được lấy ý kiến rộng rãi trước khi trình Chính phủ.

> Báo cáo tham nhũng không nêu... các vụ tham nhũng
> Chủ doanh nghiệp FDI bỏ trốn, ngân hàng Việt điêu đứng

Kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, các DNCVNN giữ vai trò hết sức quan trọng. Tuy nhiên, qua những vụ thua lỗ, nợ nần, làm trái… tại nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước thời gian gần đây, nhiều chuyên gia kinh tế và chuyên gia pháp luật cho rằng, cần phải làm thấu đáo các vấn đề ai phải chịu trách nhiệm đối với kết quả sản xuất - kinh doanh, và ai kiểm tra - giám sát hoạt động của các DNCVNN.

Muốn vậy, phải làm rõ: Ai thực sự là chủ sở hữu các DNCVNN? Làm rõ được vấn đề này, sẽ rõ tiếp: Ai được chỉ định đại diện chủ sở hữu DNCVNN? Ai giám sát những người này? Họ hoạt động theo cơ chế nào? Xử lý lỗ, lãi trong DNCVNN ra sao?

Theo Hiến pháp 1992, phần vốn của Nhà nước trong các DNCVNN “thuộc sở hữu toàn dân”; “Chính phủ có nhiệm vụ quản lý và bảo đảm sử dụng có hiệu quả tài sản thuộc sở hữu toàn dân”.

Còn theo dự thảo Nghị định về tập đoàn kinh tế nhà nước, TCty nhà nước: “Chính phủ thống nhất thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước” tại các DNCVNN, và “thòng” thêm một phương án: “Trường hợp Chính phủ thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện quyền của chủ sở hữu nhà nước tại các tập đoàn kinh tế, TCty quy mô lớn, thì cơ quan này thống nhất thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với Cty mẹ; cổ phần, phần vốn góp của nhà nước tại Cty mẹ”.

Qua những quy định trên, chủ sở hữu phần vốn nhà nước trong các DNCVNN tưởng như đã rõ, nhưng xét kỹ thì thấy người thực sự phải chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng phần vốn đó lại khá mù mờ.

Nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng, Quốc hội với tư cách cơ quan đại diện cao nhất của “toàn dân” không nên giao cho Chính phủ toàn quyền “quản lý và bảo đảm sử dụng có hiệu quả tài sản thuộc sở hữu toàn dân” như hiện nay, mà chính cơ quan này phải tham gia thực hiện chức năng quản lý, giám sát tài sản của toàn dân.

Mặc dù Hiến pháp 1992 quy định Ủy ban TVQH có thẩm quyền giám sát hoạt động của Chính phủ, song trên thực tế, hoạt động giám sát của Ủy ban TVQH đối với việc quản lý và bảo đảm sử dụng có hiệu quả tài sản thuộc sở hữu toàn dân, cụ thể hơn là việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với Cty mẹ của Chính phủ chưa có cơ chế hữu hiệu.

Tại thời điểm này, Nhà nước ta đang tiến hành sửa đổi Hiến pháp. Từ việc Chính phủ dự kiến “thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện quyền của chủ sở hữu nhà nước tại các tập đoàn kinh tế, TCty quy mô lớn”, nhiều chuyên gia cho rằng, chính Quốc hội mới cần thành lập một cơ quan như vậy.

Và không chỉ giữ quyền chủ sở hữu tại các DNCVNN, cơ quan này (nếu được thành lập) cũng cần tham gia quản lý, giám sát việc sử dụng một tài sản đặc biệt quan trọng thuộc sở hữu toàn dân, đó là đất đai. Những cải cách như vừa đề xuất dĩ nhiên phải được đưa vào Hiến pháp, chứ không thể điều chỉnh bằng một Nghị định của Chính phủ.

Theo Báo giấy