> Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Trị tận gốc tham nhũng
Để phòng chống tham nhũng, toàn dân và toàn Đảng đều phải vào cuộc.
Chiều 7/12, đoàn Đại biểu thành phố Hà Nội tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri Hà Nội sau kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII.
Tại cuộc tiếp xúc, cử tri Nông Quang Lộc (phường Hàng Mã) kiến nghị ngoài việc xử nghiêm, xử quyết liệt tham nhũng còn phải thu hồi được tiền của kẻ tham nhũng. Nếu không kết quả chống tham nhũng sẽ hạn chế.
Còn cử tri Nguyễn Sang (phường Hàng Bông) cho rằng, lãng phí nguy hiểm hơn cả tham nhũng. Vì lãng phí như là cháy nhà không thể thu lại được cái đã mất đi.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, tham nhũng, lãng phí là những vấn đề rất nhức nhối. Tham nhũng là vấn đề của mọi chế độ, mọi quốc gia, mọi thời kỳ. “Đường Tăng khi xưa đi lấy kinh sang đất Phật cũng phải hối lộ mới lấy được kinh. Cho nên chúng ta phải xem xét bình tĩnh, tỉnh táo, sáng suốt. Phải có cái nhìn khoa học, biện chứng về tham nhũng”, Tổng Bí thư cho biết.
Tổng Bí thư lưu ý, vấn đề phòng chống tham nhũng phải làm kiên trì lâu dài, những khâu nào yếu thì tập trung tháo gỡ, xây dựng cơ chế luật pháp để trị từ gốc. Vụ việc xảy ra phải xử cho nghiêm cho nhanh theo đúng tinh thần của pháp luật.
Về vai trò của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng T.Ư, Tổng Bí thư khẳng định: Đảng không làm thay các cơ quan chức năng. Nhưng Đảng lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, điều hòa, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác phòng chống tham nhũng.
“Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng T.Ư không phải "cây đũa thần" giải quyết mọi vấn đề tham nhũng. Để phòng chống tham nhũng, toàn dân và toàn Đảng đều phải vào cuộc.
Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng T.Ư phải làm đúng chức năng nhiệm vụ, làm đúng vai, thuộc luật pháp, cơ chế chính sách. Tăng cường kiểm tra đôn đốc, chỉ đạo phát hiện ra khâu nào yếu, khâu nào kém chỉ đạo để tháo gỡ. Tinh thần nói vừa thôi. Nói nhiều không làm được càng mất uy tín”, Tổng Bí thư cho biết.
Đánh giá về việc kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII thông qua bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 với tỷ lệ nhất trí cao, Tổng Bí thư lưu ý không phải thông qua được bao nhiêu % mà quan trọng hơn nữa là nội dung của Hiến pháp đã nói đúng về bản chất chế độ chính trị, kinh tế, quyền con người, tổ chức bộ máy nhà nước... “Hiến pháp đọc thoáng qua thì thấy bình thường, nhưng nghiên cứu kỹ thì thấy rất sâu xa. Có những điều nói tưởng như không sửa nhưng thực ra là sửa rất quan trọng”, Tổng Bí thư khẳng định.