Năm ngoái, chị Cao Nguyệt Hằng hoàn thành half marathon với thời gian 2 giờ 04 phút, xếp hạng 11 chung cuộc nữ mặc dù thuộc nhóm tuổi “cây đa cây đề”. Giải thưởng này không chỉ khiến runner nữ 7X bất ngờ mà gia đình, bạn bè của chị cũng phải thán phục trước sự tiến bộ chóng mặt chỉ sau hai mùa giải đồng hành cùng với Tiền Phong Marathon, giải chạy lâu đời nhất Việt Nam hiện nay.
Càng đáng nể hơn khi biết rằng chị Hằng cùng nhóm bạn mình đặt chân lên đảo Lý Sơn bằng cách... bơi biển. Chị đã bơi trên biển hơn 7km (tương đương 3 hải lý) trong ngày hôm trước khi giải chạy chính thức diễn ra.
“Tôi yêu báo Tiền Phong, yêu tờ báo gắn bó với thế hệ 7X của chúng tôi nên Tiền Phong Marathon đi đâu, tôi... theo đấy mà không do dự. Đây là năm thứ 3 liên tiếp tôi chạy giải này”, nhà vô địch nhóm tuổi cự ly bán marathon bộc bạch. “Tôi đã lên Gia Lai nhiều lần rồi nhưng chủ yếu đi công tác chứ chưa lần nào dành thời gian đi ngắm cảnh ở đó cả. Họ hàng của tôi ở trong Buôn Mê Thuột nên đối với tôi, vùng đất Tây Nguyên tuy xa nhưng rất gần gũi.”
Lần này, chị Hằng không phải chạy một mình trên đường như hai lần trước nữa bởi ông xã tình nguyện đăng ký cự ly 21km. “Chồng tôi sẽ lên Gia Lai để lần đầu tiên góp mặt ở giải Tiền Phong Marathon. Năm ngoái, chồng tôi tháp tùng vợ đến tòa soạn báo Tiền Phong ở Hà Nội để nhận giải thưởng. Quá phấn khích nên chồng tôi hạ quyết tâm được chạy ở giải Vô địch quốc gia marathon và cự ly dài báo Tiền Phong năm nay”, chị chia sẻ.
Không chỉ "ủn" chồng mình xuống “hố vôi chạy bộ”, chị Hằng còn khích lệ được khoảng... 300 đồng nghiệp, bạn bè trong các hội nhóm tham gia. Thậm chí, đối với nhiều người, đây là cuộc đua chạy lần đầu tiên trong đời ở Gia Lai.
“Ở nhà tôi, cái gì tôi cũng làm trước. Chạy bộ hay chơi ba môn phối hợp cũng vậy. Anh ấy thấy vui và lại chiều vợ nữa nên chơi thể thao cùng. Vừa rồi, chồng tôi có chuyến lái xe xuyên Việt. Dừng chân nghỉ ở nơi nào, anh ấy đều tranh thủ tập chạy để chuẩn bị cho Tiền Phong Marathon. Chính vì thế, tôi cũng bớt đi lo lắng phần nào dù đường chạy có hơi dốc”.
Không chỉ "ủn" chồng mình xuống “hố vôi chạy bộ”, chị Hằng còn khích lệ được khoảng... 300 đồng nghiệp, bạn bè trong các hội nhóm tham gia. Thậm chí, đối với nhiều người, đây là cuộc đua chạy lần đầu tiên trong đời ở Gia Lai.
Chia sẻ về mục tiêu của mình ở mùa giải này, chị Hằng tỏ ra thận trọng: “Tôi là người chơi thể thao vô tư, không tranh đấu nên tôi không đặt nặng mục tiêu phải bảo vệ vị trí của mình tại Gia Lai. Thay vào đó, tôi chỉ cần vượt qua chính mình và có thời gian hoàn thành tốt hơn năm ngoái là tôi vui rồi. Được biết các vận động viên phong trào đạt thành tích cao ở Tiền Phong Marathon có thể tham gia SEA Games, tôi cũng cảm thấy phấn khích, vui lây cho các bạn bè tôi. Giá mà tôi trẻ lại để có thể hi vọng được thi đấu ở giải thể thao danh giá như SEA Games (cười)”.
Là Thạc sỹ Y tế cộng cộng, chị Hằng hiểu tầm quan trọng của việc thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch theo tiêu chuẩn 5K của Bộ Y tế đối với các vận động viên tham gia giải, trong đó chú trọng khâu khai báo y tế. “Được chạy vào lúc này, Việt Nam còn may mắn hơn nhiều quốc gia khác. Chính vì thế, chúng ta cùng chung tay hỗ trợ chủ nhà Gia Lai và BTC hoàn tất Giấc mơ đại ngàn thật an toàn và vui vẻ”, chị nhấn mạnh.
Tiền Phong Marathon 2021 tại Gia Lai diễn ra từ ngày 26-28/3 với khoảng 4.500 VĐV thuộc 50 đoàn của các tỉnh, thành, ngành trên toàn quốc tham gia tranh tài. Trong đó có khoảng 500 VĐV chuyên nghiệp và hơn 4 nghìn VĐV phong trào. Lễ khai mạc và bế mạc giải được tổ chức tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP Pleiku).