Chống chỉ định của bác sĩ, người đàn ông hôn mê sâu nguy kịch

TPO - Ngày 17/9, BS.Dương Hoàng Linh, Bệnh viện Đa khoa S.I.S Cần Thơ cho biết, tại đây vừa tiếp nhận một trường hợp bị hôn mê sâu nguy kịch tính mạng vì rò động tĩnh mạch não. Trước đó, bệnh nhân từng đến bệnh viện thăm khám, bác sĩ chỉ định nhập viện điều trị nhưng ông không đồng ý.

Bệnh nhân là ông D.N.T. (65 tuổi, quê Vĩnh Long). Trước đó, bệnh nhân đã đến bệnh viện thăm khám sau khi bị mất thăng bằng, té ngã, kèm theo cơn đau đầu. Qua kiểm tra MRI, bác sĩ phát hiện ông T. bị rò động tĩnh mạch màng cứng, có nguy cơ xuất huyết não. Mặc dù bác sĩ chỉ định ông T. cần phải nhập viện ngay để điều trị, nhưng ông không đồng thuận.

Hình ảnh mạch máu não của người bệnh trước (ảnh bên trái) và sau khi can thiệp

Người nhà cho biết, sau khi rời bệnh viện về nhà, ông T. thường đau đầu, hay quên, nhưng ông vẫn chủ quan không tái khám và nhập viện. Tình trạng bệnh bất ngờ diễn tiến nặng khiến ông T. đột ngột rơi vào hôn mê sâu. Lúc này, gia đình mới đưa ông đến bệnh viện cấp cứu.

Qua kiểm tra hình ảnh, bác sĩ phát hiện người bệnh bị phù khối dị dạng trên não. Bệnh nhân bị rò động tĩnh mạch màng cứng phức tạp có sự thông nối động mạch qua tĩnh mạch. Khi được chuyển đến từ bệnh viện khác, ông T đã hôn mê ngày thứ 4. Sau hội chẩn, các bác sĩ đã quyết định can thiệp cho người bệnh với hy vọng “còn nước còn tát”.

“Sau gần 2 giờ can thiệp, chúng tôi phải dùng cả hai phương án tiếp cận can thiệp đường động mạch và tĩnh mạch. Ê kíp đã thả coils và bơm keo thành công, tắc được vị trí rò. Sau 1 tuần can thiệp và theo dõi, điều trị, sức khỏe bệnh nhân đã bình phục tốt” – BS Linh nói.

Sau khi được bác sĩ can thiệp, bệnh nhân đã qua nguy kịch, sức khỏe bình phục tốt

Từ trường hợp trên, bác sĩ cảnh báo, dị dạng mạch máu não và rò động tĩnh mạch não là bệnh lý mạch máu não khó chẩn đoán, người bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng. Bên cạnh công nghệ cao, hiện đại đòi hỏi bác sĩ nhiều kinh nghiệm mới có thể chẩn đoán đúng chính xác bệnh. Một số trường hợp biểu hiện lâm sàng như suy giảm nhận thức, động kinh, nặng hơn là triệu chứng đột quỵ.

Theo BS.Linh, nếu không may bị dị dạng mạch máu não, túi phình mạch máu não và được bác sĩ nhận định có nguy cơ gây xuất huyết trong tương lai, cần phải can thiệp thì người bệnh không nên chủ quan bỏ qua. Nếu trì hoãn bệnh có thể dẫn đến đột quỵ xuất huyết não, gây tàn phế hoặc tử vong.