Chớm Tết Cao Bằng

TP - Ngày trước, cứ gần đến Tết phụ nữ Tày lại bận bịu làm bánh. Nào bánh chưng, bánh khảo, chè lam… Nhà thơ Chu Hoạch viết: “Thu rất thật thu là khi chớm đông sang”. Còn tôi nghĩ, Tết rất thật tết là khi các bà, các mẹ, các chị làm bánh. Những đứa trẻ cũng chẳng được yên vì bị người lớn sai bảo hết việc này, việc kia. Nhưng bây giờ tết lại nhàn quá. Ở thành phố có đông người Tày sinh sống, những dịch vụ làm bánh tết đã “cân” tất cả.

Những món “đặc sản” mất ngôi

Mấy chục năm trôi qua tôi vẫn nhớ cách mẹ tôi ủ bột làm bánh khảo, nhớ cách bà ép bánh khảo, cắt từng phong bánh khảo, sau đó gói lại bằng những tờ giấy xanh, đỏ, tím, vàng. Rồi mẹ quấy chè lam. Nhưng chè lam, bánh khảo của người Tày muốn làm ngon không dễ. Nguyên liệu chính để tạo nên chúng cũng chỉ có gạo nếp và đường. Thế mà qua tay mỗi người phụ nữ lại thành ra những sản phẩm chất lượng khác nhau.

Có người làm bánh khảo dở đến độ khi ăn cấm nói. Chỉ cần nói một câu thì bột bánh cũng theo lời nói bay loạn. Có người làm bánh khô đến độ nuốt một miếng bánh cần một miếng nước. Nhưng có người lại làm ngon đến mức đã ăn một miếng, lại thèm miếng thứ hai. Món chè lam của người Tày cũng thế, để chinh phục nó chắc cũng cần bí quyết.

Tôi từng được thưởng thức chè lam ở hai thái cực của hai phụ nữ Tày: Một người làm ra thứ bánh cứng đến mức phải dùng dao chặt, còn người kia lại làm nhão đến mức phải dùng thìa xúc ăn. Nhưng nếu phụ nữ nào cũng có tài làm bánh thì Tết cũng kém phần sinh động. Chấm điểm bánh khảo, chè lam của mỗi nhà cũng là thú vui ngày Tết khi xưa.

Bây giờ bánh khảo được bán ở thành phố không gói bằng giấy màu như xưa

Chè lam bây giờ cũng có nhiều sáng tạo độc đáo, như chè lam làm từ gấc.

Tôi đã đón hơn 40 cái Tết ở quê, Cao Bằng, nơi người Tày chiếm đa số. Mẹ tôi “giải nghệ” làm bánh khảo hơn 20 năm nay. Xung quanh nhà tôi ở thành phố Cao Bằng cũng không còn ai làm bánh khảo khi Tết đến, xuân về. Bây giờ, đã có dịch vụ làm các loại bánh Tết. Các bà, các mẹ thay vì tất bật bánh trái đã dành thời gian đi làm đẹp cho mình.

Nhiều nhà đặt bánh chưng ở những địa chỉ tin cậy, thế là hết cảnh “trông bánh chưng chờ trời sáng” gây nhớ thương cho những kẻ xa nhà. Chị Ngọc Thạch, chủ một cơ sở làm bánh ở thành phố Cao Bằng cho biết: “Dịp Tết chúng tôi tất bật từ sáng đến tối. Người đặt bánh chưng rất nhiều. Cao điểm là những ngày cận Tết.

Mỗi ngày chúng tôi làm hơn một ngàn chiếc bánh. Mỗi đội làm một việc. Đội gói bánh, đội buộc lạt, đội trông bếp, đội phục vụ những việc vặt… Tất cả đều phải hoạt động hết công suất mởi đủ bánh cho khách”.

Tục cúng Thổ công ngày Tết của người Tày, Nùng Cao Bằng.

Cùng với bánh chưng, bánh khảo vẫn được bày trên bàn thờ gia tiên của người Tày dịp Tết. Nhưng bây giờ rất ít nhà ở thành phố mời khách món bánh khảo, chè lam.

Chị Mông Thanh Hà, một phụ nữ Tày U50, ở thành phố Cao Bằng giải thích: “Bây giờ bao nhiêu thứ bánh ngon, ai còn ăn bánh khảo với chè lam vào dịp Tết nữa”. Mời lũ trẻ ăn “đặc sản” bánh khảo có khi là một sự tra tấn, một phụ huynh nói. Một món bánh khác của người Tày cũng thường có trong ngày tết là khẩu sli (bánh gạo nếp nổ) nay cũng ít được người ta mang ra mời nhau.

Tục đốt lửa vào ngày Tết Nguyên đán của người Tày ở Cao Bằng chứa đựng sự thiêng liêng trong những ngày đầu đón năm mới.

Nhưng người Tày ở một vài thành phố miền biên viễn vẫn giữ nếp xưa. 30 tết nhà nào cũng ăn vịt và bún, lại còn phải “ăn sạch không để lại vụn” như cách nói của các bạn trẻ mê Kpop. Người thân của tôi giải thích giản đơn: Phải ăn sạch thịt vịt để đuổi cái xui xẻo đi.

Sang năm mới thì không ăn vịt, kể cả trứng vịt. Một đặc điểm nữa không đổi, thậm chí còn tăng lên trong ẩm thực Tết của người Tày ở thành phố: Mâm cao cỗ đầy. Không chỉ Tết, ngay rằm tháng 7 nhìn mâm cơm của người Tày không khỏi ngợp. Có lúc tôi bối rối không biết chọn món nào để ăn vì trên bàn có tới mười mấy món, trong đó rất nhiều món được chế biến từ các loại thịt.

Chị tôi bảo: Người Tày sống ở vùng núi, Tết thường rất lạnh, nên ăn thịt nhiều sẽ giữ ấm tốt hơn. Nhưng có những năm Tết khá nóng, lượng thịt trên bàn ăn vẫn không hề giảm. Ăn không hết lại bỏ vào thùng rác, lãng phí không hề nhẹ nhưng dường như Tết để xả láng, để vui, không mấy ai còn quan tâm chống lãng phí.

Nhà thơ Y Phương từng viết về tính tình chân chất, xởi lởi, hào phóng của người Tày Cao Bằng: “Mời rượu cả chum, mời quả cả cây”. Lạp sườn làm từ thịt lợn đen và gừng núi thường có trong các bữa ăn ngày tết của Cao Bằng bây giờ lan toả khắp nơi. Từ Hà Nội đến Sài Gòn đều có thể mua được lạp sườn Cao Bằng. Đây là nghề phụ giúp gia tăng thu nhập cho nhiều người làm Nhà nước ở quê tôi.

Tôi có người bạn là giáo viên dạy nhạc ở một trường trung học phổ thông nổi tiếng trong thành phố, hết giờ dạy học cô ấy lại làm lạp sườn và chuyển đi cho khách ở khắp vùng miền trong cả nước.

Từ món ăn ngày Tết, lạp sườn thành món ăn hàng ngày chính là nhờ nỗ lực bán hàng của các chị, các mẹ quê tôi. Vì nhu cầu của khách khắp nơi khá lớn nên thịt lợn đen được quảng cáo khi bán lạp sườn có khi chỉ là thịt lợn thường mà thôi.

Nhiều gia đình ở thành phố vẫn làm bánh chưng để vui nhưng không làm nhiều như trước.

Người ta ít thăm nhau rồi

Tết xưa vui thật là vui. Sau giao thừa người ta qua nhà nhau chúc Tết, cùng uống rượu chén rượu bên chậu than rực hồng. Ở thành phố, giao thừa nay hơn giao thừa xưa vì có pháo hoa. Người người đổ ra đường hoặc lên ban công ngửa cổ ngắm pháo hoa, thầm mong một năm mới thăng hoa rực rỡ.

Nhưng sau thời khắc huy hoàng ấy, nhiều người Tày ở quê tôi lại lên giường chìm vào giấc mộng. Bỗng nhớ những ngày Tết năm xưa rộn ràng. Bố tôi khi ấy nhiệt tình hoà vào cuộc lày cỏ với các ông, các bà. Đâu chỉ chỉ phái mày râu mới giỏi chơi lày cỏ, nhiều chị em cũng tham gia và chiến thắng. Những âu lo, ưu phiền của cuộc sống thường nhật dường như tan biến trong cuộc vui lày cỏ.

Bây giờ trò chơi dân gian như kiểu oẳn tù tì của người Kinh ấy ít gặp trong các gia đình người Tày sống ở thành phố. Thanh âm lày cỏ “lọoc woáy lọoc” hào hứng, rộn ràng năm xưa cùng tiếng cười như trẻ lại, không vương nhọc nhằn của bố tôi và bao người đàn ông thế hệ cũ chỉ còn là kỷ niệm. Người Tày ở thành phố giờ cũng giống người Kinh.

Nhiều người đi chúc Tết nhau một cách xã giao, chủ yếu để “hoàn thành nghĩa vụ”, có người chưa kịp ngồi xuống ghế, nói xong lời chúc liền xin phép gia chủ ra về. Có thể vì nhịp sống trước đây chậm nên người Tày đến nhà nhau chúc Tết không cần tiết kiệm thời gian. Có người cao hứng hát mấy điệu ca Tày tặng gia chủ, có khi còn ở lại cùng ăn trưa, ăn tối với gia chủ, rồi lại lày cỏ vui vẻ.

Đừng nói ở thành phố, nhà thơ người Tày Dương Thuấn, ở Bản Hon, xã Bành Trạch, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Cạn cũng chia sẻ: “Quê tôi bây giờ ngày xuân vẫn có hội lồng tồng. Nhưng trong ngày tết hàng xóm cũng hạn chế sang nhà nhau hơn”.

Bây giờ Tiktok, Facebook, YouTube phát triển, nhiều cao thủ phượt lang thang đến những vùng miền xa vắng đã làm những video ngắn phát trên kênh của mình, tạo thành thú du lịch về miền hoang sơ. Ngay người Tày ở thành phố cũng muốn về thôn, bản chơi tết. Lúc này, tiết trời đang xuân, cảnh sắc vùng cao đẹp. Nhiều bạn trẻ người Tày đã chụp ảnh khoe Facebok và giới thiệu quê mình đẹp chẳng kém… trời Tây. Có những bạn trẻ sẵn sàng chạy xe cả trăm cây số chỉ để ngắm nhìn và tự sướng với cây lê cô đơn cao tuổi mọc ở xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Chỉ tiếc không phải năm nào cây lê cũng cho hoa đẹp.

Phục trang ngày tết của người Tày ở thành phố không có gì đặc biệt. Những xu hướng thời trang đang thịnh hành của người Kinh đều có thể tìm thấy ở thành phố Cao Bằng hay Lạng Sơn nhưng lại vắng vô cùng sắc chàm đi vào thơ Tố Hữu: “Áo chàm đưa buổi phân li/Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”. Không chỉ trong ngày Tết mà trong ngày cưới, áo chàm cũng bị lãng quên, có thể chỉ tìm thấy trên sân khấu văn nghệ.

Ở thành phố, không ai chúc Tết nhau bằng tiếng Tày. Nhiều đứa trẻ có cha mẹ là người Tày cũng không thể nghe, nói tiếng Tày, dù chỉ những câu đơn giản. Khi tôi còn nhỏ, vẫn nghe người sống quanh mình nói tiếng Tày. Phụ nữ mắng con bằng tiếng Tày, rủ nhau đi chợ, giục con đi học cũng bằng tiếng Tày. Cho nên, những từ như “pây háng” (đi chợ), “pây soong sư” (đi học)… không cần học vẫn thuộc lòng.

Tết dương lịch vừa qua, tôi gọi điện cho cháu ở quê, hỏi cô gái đang làm gì? Thiếu nữ 15 tuổi đáp: “Cháu đang xem Idol Lisa trình diễn trước thời khắc giao thừa 2025 ở Thái Lan qua YouTube”. Tôi hỏi: “Cô ấy toàn nói bằng tiếng Thái Lan, nếu cháu biết tiếng Tày cháu có thể nghe, hiểu một chút, mà không cần phiên dịch. Thí dụ, cô ấy nói: Nơng, thoong, tham nghĩa là 1,2,3. Tiếng Tày chúng ta cũng đếm như thế”. Cô gái 15 tuổi “ồ” lên vui sướng và hứa hẹn với tôi sẽ học tiếng Tày nghiêm túc.

Khi các bạn trẻ lơ là với ngôn ngữ và văn hoá của dân tộc mình thì vai trò của những nghệ sĩ được tôn làm Idol càng lớn. Idol đừng chỉ ngồi trà đá, ngồi xích lô, uống cà phê bụi để tạo xu hướng. Idol có tầm vóc phải góp phần gìn giữ và lan toả văn hoá của đất nước mình, dân tộc mình và dân tộc anh em.

Bộ đếm, tử cảm thán của tiếng Tày từng được rapper Double2T đưa vào ca khúc và tạo thành cơn sốt một dạo: “Tại vì thích em nhiều quá nên em lại nói là à lôi”; “Một, hai, ba, yeah, nơng, thoong, tham”.