Giá thuê cao ngang nhà thương mại
Dự thảo Quyết định về việc ban hành khung giá cho thuê nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng không sử dụng vốn đầu tư công, nguồn tài chính công đoàn trên địa bàn thành phố, do UBND TP. Hà Nội đang tổ chức lấy ý kiến.
Theo đề xuất, tòa nhà ở xã hội có chiều cao dưới 10 tầng, giá thuê từ 48.000 đồng đến 96.000 đồng/m2/tháng; chiều cao từ 10 - 20 tầng có giá thuê từ 49.000 đồng đến 98.000 đồng/m2/ tháng; chiều cao từ 20 - 30 tầng có giá mức thuê từ 73.000 đồng đến 146.000 đồng/m2/tháng.
Trong khi đó, tòa nhà ở xã hội có chiều cao từ 30 tầng trở lên có mức giá thuê từ 99.000 đồng đến 198.000 đồng/m2/tháng.
Theo nghị định 100 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, tiêu chuẩn diện tích sử dụng mỗi căn nhà ở xã hội tối thiểu là 25m2 tối đa là 70m2.
Như vậy, một căn nhà ở xã hội tại Hà Nội, trong tòa nhà cao từ 30 tầng trở lên, có diện tích ở mức trung bình 55m2, đáp ứng nhu cầu ở của 3-4 người trong 1 hộ gia đình sẽ có giá thuê từ 5,4 - 10,9 triệu đồng/tháng. Mức giá này ngang ngửa các dự án nhà ở thương mại phân khúc tầm trung.
Theo khảo sát của PV, căn hộ 2 phòng ngủ tại dự án Phương Đông Green Park diện tích 55-83m2 có giá thuê từ 10-11 triệu đồng/tháng. Thậm chí căn hộ 3 ngủ diện tích 86-99m2 có giá thuê khoảng 14 triệu đồng/tháng... Nhiều dự án thương mại trên địa bàn có mức giá cho thuê tương tự.
Khung giá cho thuê nhà ở xã hội mà Hà Nội đang lấy ý kiến lập tức gây xôn xao dư luận, nhiều ý kiến cho rằng mức giá này quá cao và bất hợp lý.
Anh Phạm Nam - công nhân một công ty trên địa bàn quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, gia đình anh có 4 thành viên, đang thuê phòng trọ rộng khoảng 30m2 với giá 4 triệu đồng/tháng. Hiện thu nhập 2 vợ chồng khoảng 15 triệu đồng/tháng, trừ chi phí sinh hoạt thì chẳng còn là bao. "Với khung giá cho thuê nhà ở xã hội dự kiến cao như thế thì gia đình khó có thể tiếp cận thuê được. Thời gian tới nhà trọ, nhà thương mại không biết chủ nhà sẽ hét giá thuê thế nào nữa", anh Nam lo lắng.
Hiến kế giảm giá thuê nhà, bình ổn thị trường
Trao đổi với PV, TS Trần Xuân Lượng - Viện phó Viện Nghiên cứu và Đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam cho rằng, với mức thu nhập bình quân của người lao động hiện nay thì khung giá Hà Nội dự kiến cho thuê là chưa phù hợp.
Theo ông Lượng, để có giá thuê nhà ở xã hội phù hợp, Nhà nước cần phân phối người thuê nhà ở xã hội theo mức thu nhập và theo gian lưu trú. Đồng thời, Nhà nước cần hỗ trợ giá thuê nhà ở xã hội cho các đối tượng có thu nhập thấp.
Đặc biệt, theo ông Lượng cần phân biệt rõ khái niệm nhà ở và chỗ ở. Chỗ ở là chỉ để cho thuê mang tính ngắn hạn do Nhà nước đầu tư. Nhà ở là nơi để ở cho hộ gia đình mang tính lâu dài hơn nên chi phí về quỹ đất hạ tầng cao hơn. Do đó, việc xây nhà ở hướng đến việc cho thuê sẽ không hiệu quả. Bởi tỷ lệ lấp đầy là rủi ro cho nhà phát triển?
“Như vậy chúng ta sẽ giải quyết được bài toán nhà ở đô thị. Nếu không công nhân, sinh viên, lao động tự do... cũng cần nhà ở thì cung bao nhiêu cũng không đủ cầu. Dẫn đến tình trạng cung nhỏ hơn cầu nhiều lần làm giá nhà tiếp tục tăng cao”, ông Lượng nhấn mạnh và cho hay, thay vào đó công nhân, sinh viên, lao động tự do... ngắn hạn sẽ vào thuê chỗ ở của Nhà nước đầu tư với giá ưu đãi, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội từ đó làm giảm áp lực nguồn cung nhà, ổn định thị trường.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM khuyến nghị nên đầu tư các tòa nhà ở xã hội cho thuê có chiều cao không quá 24 tầng, tương đương công trình cấp 2 trở xuống thì chi phí xây dựng sẽ rẻ hơn. Nếu nhà ở xã hội xây dựng cao từ 25 tầng trở lên, tương đương công trình cấp 1 đến cấp đặc biệt thì chi phí đầu tư rất cao, sẽ đẩy giá thuê nhà lên cao.