Cho phép mang thai hộ nhưng cấm quan hệ trực tiếp
> Hé lộ đường dây mang bầu giả để làm giấy khai sinh
> Người thân thích mới được mang thai hộ
Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 đã đề nghị cho phép mang thai hộ, tuy nhiên theo ông Dương Đăng Huệ, Tổ trưởng Tổ biên tập Dự án Luật thì việc mai thai hộ phải có sự can thiệp của y tế, cấy ghép noãn và tinh trùng vào tử cung người mang thai hộ, chứ người chồng không được phép quan hệ trực tiếp với người mang thai hộ.
Cho phép mang thai hộ nhưng cấm quan hệ trực tiếp
"Trong dự thảo đã nói rất rõ về khái niệm, quy định được phép mang thai hộ. Những người phụ nữ do có bệnh lý hoặc dị tật bẩm sinh, u xơ tử cung, suy gan, suy thận hoặc những bệnh phụ khoa... rất muốn có con để đảm bảo hạnh phúc gia đình nhưng không có khả năng mang thai. Tuy nhiên những người vợ này vẫn có noãn. Cần phải nói rõ là họ vẫn có noãn để thụ tinh được chứ không phải xin noãn, nhưng họ có những bệnh lý không thể mang thai được và cần nhờ đến người thứ ba. Đấy là những điều kiện đối với người cần người mang thai hộ" - Ông Dương Đăng Huệ ở Vụ Pháp Luật dân sự - kinh tế, Tổ trưởng Tổ biên tập Dự án Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 cho biết.
Theo đó, định nghĩa mang thai hộ được quy định là việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật lấy noãn và trứng của người mẹ và tinh trùng của người bố thụ tinh trong ống nghiệm. Khi noãn và tinh trùng gặp nhau tạo thành phôi thì chuyển phôi đó vào trong tử cung của người phụ nữ khác để nhờ người này mang thai và sinh con. Mang thai và sinh con thôi chứ không được trả thù lao.
"Việc mang thai hộ không áp dụng trong trường hợp sử dụng noãn của người mang thai hộ kết hợp với tinh trùng của người bố. Bởi vì nếu lấy noãn của người mang thôi hộ để thụ tinh thì sẽ liên quan đến yếu tố sinh học. Cho nên việc người chồng quan hệ trực tiếp với người mang thai hộ là hoàn toàn bị cấm" - Ông Huệ khẳng định.
Cũng theo ông Huệ, đứa trẻ ra đời từ người mang thai hộ sẽ mang gen di truyền của người phụ nữ có noãn, chứ không phải là của người mang thai hộ. Vấn đề này rất rõ ràng, và cũng không sợ là đứa trẻ nằm trong tử cung của người mang thai hộ sẽ mang gen của người mang thai hộ.
"Nếu hiểu khái niệm huyết thống đồng nhất với khái niệm di truyền thì quan hệ huyết thống là quan hệ giữa người phụ nữ có noãn, chứ không phải quan hệ huyết thống với người mang thai hộ.
Bản chất của mang thai hộ nếu hiểu đúng nghĩa của nó là sự giúp đỡ của người phụ này với người phụ nữ khác nhằm duy trì nòi giống và gắn kết gia đình hạnh phúc" - Ông Huệ nói.
Liên quan đến việc: chỉ những người thân thích, họ hàng mới được phép mang thai hộ, ông Huệ giải thích: "Người mang thai hộ không nhất thiết phải là họ hàng, huyết thống, ruột già, cô, dì, bác... mà có thể là ngoài họ hàng hoặc bạn bè thân thích cũng được. Khái niệm này được mở rộng ra chứ không bó hẹp như mọi người nghĩ. Tuy nhiên, phải là thân thích để đảm bảo tính không vụ lợi trong việc này".
Ngoài ra, cũng theo ông Huệ, vợ chồng nhờ người mang thai hộ phải đảm bảo đáp ứng đầy đủ về vật chất ở mức cần thiết cho người mang thai hộ. "Ví dụ như phải đảm bảo việc ăn, ở, chế độ dinh dưỡng, khám sức khoẻ, sữa... cho người mang thai như những người khác. Tuy nhiên, người mang thai hộ không được phép đòi hỏi vượt quá những mức bình thường" - Ông Huệ cho biết.
Cho phép mang thai hộ nhưng cấm đẻ thuê
"Nếu tôi không nhầm thì có khoảng 197 quốc gia và vùng lãnh thổ, tuy nhiên không có nhiều nước cho phép mang thai hộ. Cũng có một số nước còn mở rộng hơn cả mục tiêu nhân đạo cả mục tiêu thương mại. Theo tôi được biết tại Ấn Độ mỗi năm có khoảng 1000 trung tâm đẻ thuê, mà mỗi năm đẻ ra 25.000 trẻ em theo phương thức đẻ thuê.
Việc đẻ thuê này được ký hợp đồng, và được ràng buộc với những điều khoản cụ thể trong hợp đồng. Tài liệu cho thấy thu nhập từ người vợ mang thai hộ một lần thu nhập bằng người chồng lái taxi 4 năm.
Như vậy là thu nhập rất cao, như vậy một số nước họ không chỉ vì mục đích nhân đạo mà còn kinh doanh luôn. Nhưng ở Việt Nam thì không có chuyện đó, Việt Nam chỉ đặt ra mục đích vì nhân đạo, để giúp đỡ nhau xử lý những vẫn đề trong thực tiễn.
Chính vì vậy dự thảo mới đặt ra mục đích cho phép mang thai hộ vì mục tiêu nhân đạo, cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại" - ông Huệ nói.
Trước băn khoăn: cho phép mang thai hộ vì mục tiêu nhân đạo nhưng liệu có bị làm dụng không? Vì khoảng cách giữa nhân đạo và thương mại là rất mong manh? Ông Huệ cho biết, vấn đề này đã được quy định rất chặt chẽ trong dự thảo.
"Ví dụ như điều kiện đối với người mang thai hộ là phải có sức khỏe, không có bệnh tật. Phải đẻ một lần rồi mới có kinh nghiệm trong việc mang thai. Hay về mặt tuổi tác phải từ 21 đến 42 tuổi, thế giới cũng quy định đó là độ tuổi tốt để mang thai.
Còn về phía người nhờ mang thai hộ cũng được quy định rất cụ thể. Ví dụ chỉ những cặp vợ chồng lấy nhau rồi không mang thai được một cách bình thường mới được nhờ mang thai hộ.
Ví dụ như ca sĩ, người mẫu, người giàu không muốn mang thai thì không được phép nhờ người mang thai hộ. Tất cả những vấn đề đó đều được tính đến và có quy định rất chặt chẽ" - Ông Huệ cho biết.
Theo Duyên Duyên - Vũ Lan
Đất Việt