Chính sách quản lý bất cập: Vì đất, mất cán bộ

TP - Sự thiếu nhất quán trong chính sách quản lý đất đai; giữa Luật Ðất đai và các luật liên quan không chỉ tác động trực tiếp đến việc giao, cho thuê đất khiến hàng trăm dự án “đứng bánh” mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu ngân sách, gây lãng phí, thất thoát và mất cán bộ.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm hướng về trung tâm quận 1, TPHCM. Ảnh: PV

Ngày 22/11, UBND TPHCM tổ chức hội thảo “Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất hiệu quả trên địa bàn TPHCM” với sự tham dự của nhiều chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực quản lý đất đai.

Thất thoát lớn

Tại hội thảo, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TPHCM, cho biết, tại các nước công nghiệp phát triển, nguồn thu từ đất chiếm từ 50 - 90% tổng thu ngân sách địa phương, tạo nên nguồn lực rất lớn cho nâng cấp hạ tầng và dịch vụ công cộng tại đô thị. Tại TPHCM, một trong những thị trường sôi động và lớn nhất cả nước, trong năm 2019 dự toán thu từ đất là 14.900 tỷ đồng, nhưng ước tính chỉ thu được 11.000 tỷ đồng (gần 74% so với dự toán). So với tổng thu ngân sách địa phương giai đoạn 2016 - 2020, tổng thu từ đất ở TPHCM chỉ chiếm 3 - 5% tổng thu.

Ông Thắng thừa nhận, TPHCM đang đứng trước nhiều thách thức như thiếu đồng bộ giữa pháp luật đất đai và pháp luật có liên quan gây ách tắc quá trình quản lý các dự án đầu tư. Việc sử dụng các công cụ hành chính trong quản lý đất đai chưa dựa trên hệ thống quản lý điện tử, quy hoạch sử dụng đất chưa đồng bộ với các quy hoạch khác, nguồn thu từ đất đai chưa đúng, chưa đủ…

Kể từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực, sự thiếu nhất quán trong luật này và giữa Luật Đất đai với Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quản lý sử dụng tài sản công… tác động trực tiếp đến việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án.

“Có vài chục điểm xung đột pháp luật đã được Hiệp hội Bất động sản, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các chuyên gia chỉ ra. Chúng đang tác động tiêu cực tới quá trình xem xét, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư. Những tác động trên khiến TPHCM trong năm 2019 chỉ có 5 dự án phát triển nhà ở (24,48 ha) được phê duyệt. Hàng trăm dự án khác phải dừng hoặc chưa được phê duyệt vì những xung đột, điểm nghẽn chưa được tháo gỡ”, ông Thắng cho hay.

GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT, cho rằng, Việt  Nam quản lý đất đai không tốt khiến thu ngân sách từ đất chiếm khoảng 20%, riêng TPHCM chỉ ở  mức 5-10%, thất thoát và chưa tương xứng với tiềm năng, trong khi mức thu của nhiều nước là 50-90%.

Theo ông Võ, việc quy định giá đất quá chênh lệch so với giá thị trường đang gây thất thu lớn cho ngân sách. Cụ thể, bảng giá đất của Trung ương cũng như các địa phương chỉ bằng 30-40% giá thị trường thực tế. Bảng giá đất quá thấp so với thị trường đã dẫn đến những hợp đồng mua bán ảo, không đúng giá trị thật.

Theo ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TNMT), công tác lập quy hoạch hiện nay rất lúng túng. Khi lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm, chính quyền nhiều địa phương cho rằng phải có dự án đầu tư mới lập kế hoạch, trong khi nhà đầu tư chờ có kế hoạch mới chịu đăng ký. “Chúng ta lại quay về với chuyện con gà có trước hay quả trứng có trước”, ông Chính ví von.

Chùn tay

PGS.TS Nguyễn Văn Xa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) nói rằng, đấu thầu đất đai đang có sự trục lợi, có "đầu gấu" tham gia; thị trường biến động nhưng bảng giá đất thấp dẫn đến bồi thường thấp, nhưng không hề có sự thúc giục, kiểm tra, đảm bảo quyền lợi cho người dân…

Theo ông Võ, cả nước nói chung, TPHCM nói riêng đã mất nhiều cán bộ vì vướng chuyện đất đai, quanh việc giao đất không thông qua đấu giá. “Vừa qua, TPHCM mất rất nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao như 2 phó chủ tịch UBND thành phố. Sao TPHCM mất nhiều cán bộ thế? Vì ta “ôm” quá nhiều quyền lực, từ đó thực thi có sai, dẫn đến mất cán bộ không cần thiết”, ông Võ nhận định.

Ông Lê Thanh Khuyến, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, nói: “Việc xác định giá đất đang làm cán bộ lo lắng nhất. Lo lắng làm sai, gây thất thoát sẽ bị sờ gáy… Thực tế vừa qua, nhiều cán bộ không chỉ ở TPHCM mà các địa phương khác đã bị khởi tố vì sai phạm trong quản lý đất đai”.

Phó Giám đốc Sở TN&MT TPHCM Nguyễn Văn Hồng cho biết, ngành TN&MT “đang rất sợ” cấp giấy chứng nhận theo bản đồ ảnh, nhưng khi giao dịch thì không kiểm tra mà cho công chứng ngay, đến khi người dân mất đất thì Nhà nước phải bồi thường. “Tôi thường xuyên giải quyết chuyện cấp chứng nhận rồi sau đó phải thu hồi lại”, ông Hồng thú nhận.

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, quản lý đất đai, quy hoạch sử dụng đất đang chạy theo nhu cầu của nhà đầu tư, doanh nghiệp, đang đi ngược quy trình quy hoạch sử dụng đất, gây thiệt hại cho Nhà nước, làm lợi cho nhà đầu tư nhiều hơn. Nhiều vấn đề xảy ra trên thực tế vừa qua đã làm nhiều cán bộ ngán ngại, mất đi sự sáng tạo, mạnh dạn trong giải quyết công tác quản lý đất đai.

Về sự chồng chéo, thiếu đồng nhất giữa các luật, ông Hoan nói: “Các cơ quan hiểu không đồng nhất về luật. Cơ quan nào hiểu theo cơ quan đó, làm cho việc quản lý nhà nước càng thêm lúng túng. Bây giờ, sở nào cũng bắt bẻ sở khác được. Bắt thế nào cũng dính… Khó khăn như vậy đấy. Buồn cười như vậy đấy mà tháo gỡ chưa ra”.

Theo ông Hoan, TPHCM hiện còn 30 “nút thắt”. Tuần tới, UBND TPHCM sẽ làm việc với Hiệp hội Bất động sản với sự tham gia của các sở, ban, ngành để tháo gỡ các điểm nghẽn trong quản lý đất đai, tạo điều kiện cho nhà đầu tư, doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ các dự án, nhất là 126 dự án đang bị ngưng trệ.

“Ðất đai thuộc sở hữu toàn dân nên lẽ ra, khi dân có yêu cầu, cơ quan nhà nước chỉ đại diện giải quyết, nhưng lại giải quyết theo kiểu mình là chủ sở hữu, chứ không phải người dân”.

Ông Ðào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai

(Bộ TNMT)