Với chủ đề “Sử dụng hiệu quả quỹ BHYT và nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại y tế cơ sở”, Ngày BHYT Việt Nam năm 2024 là dịp cao điểm truyền thông nhằm gia tăng nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT; nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ BHYT và chất lượng khám bệnh, chữa bệnh (KCB) BHYT. Từ đó, ngày càng thu hút người dân tham gia BHYT, tiến tới mục tiêu BHYT toàn dân.
Phát biểu tại lễ mít tinh, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) của nước ta phát triển qua nhiều giai đoạn. Đặc biệt, Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2014 được ban hành là một bước tiến quan trọng trong quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHYT, tác động tích cực đến quá trình tổ chức thực hiện chính sách BHYT.
Theo Bộ trưởng Y tế, tính hết năm 2023, cả nước có khoảng 93,6 triệu người tham gia BHYT, với tỷ lệ bao phủ BHYT đạt gần 93,35% dân số, tiệm cận với mục tiêu BHYT toàn dân. Cùng với đó, thực hiện tốt công tác tác giải quyết, chi trả chế độ BHYT; việc tiếp cận các dịch vụ KCB BHYT của người dân ngày càng được mở rộng.
Ước hết tháng 6/2024, cả nước khoảng 89,5 triệu lượt người KCB BHYT nội trú và ngoại trú (tăng 6,5 triệu lượt người (tương đương 7,91%) so với cùng kỳ năm 2023); với số tiền giám định, thanh toán gần 67 nghìn tỷ đồng.
Nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng của BHYT, xem đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết sẽ tiếp tục quán triệt nhận thức sâu sắc về vai trò của bảo hiểm y tế như một trong những nhiệm vụ quan trọng trong các chương trình công tác của các cơ quan Đảng và chính quyền.
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 là 95% dân số, đến năm 2030 đạt trên 95% dân số tham gia BHYT;
Ngành Y tế tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về bảo hiểm y tế, đặc biệt là chính sách hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế đối với người lao động, thân nhân người lao động, các đối tượng yếu thế.
Bộ cũng rà soát bảo đảm không bỏ sót các đối tượng, thực hiện bao phủ BHYT đến mọi đối tượng trong xã hội; tập trung nghiên cứu từng bước mở rộng phạm vi quyền lợi cho người tham gia BHYT.
Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, thời gian qua ngành BHXH Việt Nam đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển bền vững tỷ lệ người tham gia BHYT trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi chưa như kỳ vọng.
Đặc biệt, bên cạnh đẩy mạnh truyền thông vận động, khuyến khích người dân chủ động, tích cực tham gia BHYT như một nhu cầu thiết yếu, toàn ngành BHXH Việt Nam còn tích cực triển khai “Chương trình mang Tết ấm cho người có hoàn cảnh khó khăn được tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình”, trong đó nhằm tạo cơ hội để người có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận chăm sóc sức khoẻ bằng BHYT, góp phần hiện thực hoá mục tiêu “BHYT toàn dân” đã được đề ra tại các Nghị quyết của Đảng.
Việc gia tăng số người tham gia BHYT, cũng như gia tăng số lượt KCB BHYT trên toàn quốc, ông Mạnh cho rằng, chính sách BHYT đang đi đúng định hướng và đã trở thành một nguồn tài chính đáng kể góp phần cùng ngân sách nhà nước trong công tác bảo vệ, chăm sóc hiệu quả sức khỏe Nhân dân. Tuy nhiên, điều đó cũng gia tăng áp lực với cơ quan quản lý quỹ BHYT trong việc đảm bảo an toàn quỹ vì mục tiêu bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tham gia BHYT.
Về mục tiêu sử dụng quỹ KCB BHYT an toàn, hiệu quả, lãnh đạo BHXH Việt Nam cho hay, đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tăng cường công tác giám định và thanh toán chi phí KCB BHYT; giám sát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và phối hợp với cơ quan chức năng xử lý tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ KCB BHYT… Đồng thời, tích cực phối hợp với Bộ Y tế trong việc tham gia xây dựng, sửa đổi, hoàn thiện chính sách pháp luật về BHYT; tập trung giải quyết vướng mắc trong tổ chức, thực hiện chính sách BHYT, tạo thuận lợi cho các cơ sở KCB và đảm bảo tốt quyền lợi của người tham gia BHYT theo Luật định.
Qua 4 năm thực hiện (2020-2023), đã có khoảng 412.724 người có hoàn cảnh khó khăn được tham gia BHYT hộ gia đình. Đặc biệt, số người được trao tặng thẻ BHYT tăng qua từng năm, cụ thể: năm 2021 là 10.180 người; năm 2022 là 128.338 người (gấp 12,6 lần) và năm 2023 là 274.206 người (gấp 26,9 lần) so với năm 2021.