> Giảm phí trước bạ ô tô, Chủ tịch VAMA vẫn không lạc quan
> Chính phủ quyết định: Giảm phí trước bạ, không thu phí hạn chế ô tô
Như đã biết, năm 2012 tổng sản lượng bán hàng trên toàn thị trường chỉ đạt 92.584 chiếc, giảm đến 33% so với năm trước đó. Nguyên nhân chính bên cạnh khủng hoảng kinh tế còn được cho là do chính sách thuế và phí quá nặng nề.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao Bộ Tài chính chủ trì cùng Bộ Công Thương tổng hợp, đánh giá thực trạng để đề xuất định hướng chính sách thuế, tài chính đối với ngành ô tô trong thời gian tới.
Đây được coi là nội dung “xương sống”, có ý nghĩa quyết định đến nhiều vấn đề trong Quy hoạch, Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đang được Bộ Công Thương xây dựng, trình Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Quy hoạch phát triển ngành ô tô năm 2004 sau gần 10 năm thực hiện đang đòi hỏi những cập nhật mới về định hướng, chính sách, khắc phục những bất cập, phù hợp hơn với những thay đổi của tình hình kinh tế, xu thế thị trường.
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp chiều 9-1, Bộ Tài chính có báo cáo đánh giá, phân tích cụ thể về chính sách thuế, phí, lệ phí hiện hành đối với xe ô tô cũng như hoạt động nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, vận hành xe ô tô hiện nay; đánh giá về tác động điều tiết thị trường, điều tiết tiêu dùng của chính sách thuế đối với mặt hàng này trong thời gian qua.
Cùng với các báo cáo của Bộ Công Thương về thực trạng phát triển, tình hình thực hiện Quy hoạch ngành công nghiệp ô tô trong giai đoạn vừa qua, dự báo xu thế thị trường, nhu cầu tiêu dùng trong nước, báo cáo đánh giá của Bộ Tài chính sẽ là cơ sở để Chính phủ xem xét những định hướng chính sách thuế đối với ngành ô tô trong thời gian tới, bao gồm chính sách thuế nhập khẩu với xe nguyên chiếc, linh kiện cũng như các sắc thuế, phí, lệ phí khác.
Chính sách này sẽ được đồng bộ trong Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô ViệtNam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đang trong giai đoạn soạn thảo, lấy ý kiến đóng góp thẩm định.
Hiện nay, xe hơi tại Việt Nam đang gánh rất nhiều thuế và phí. Thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ, phí lắp biển số, phí bảo trì đường bộ. Gánh nặng từ phí và thuế khiến người dân không còn mặn mà với việc sở hữu xe hơi, khi chi phí bỏ ra để sở hữu một chiếc xe cao hơn khoảng 2,5 lần so với xe tại Mỹ.
Áp lực thị trường suy giảm đè nặng lên các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp xe hơi trong nước. Tất cả các thành viên của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam VAMA đều phải cắt giảm sản lượng để tránh tồn kho trong năm 2012, bởi doanh số bán ra sụt giảm nặng nề.
Lộ trình giảm thuế nhập khẩu xe hơi lại tác động một hướng khác tới ngành công nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam. Theo lộ trình giảm thuế đối với khu vực ASEAN, tới năm 2018, mức thuế nhập khẩu xe hơi trong khu vực gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Lào, Myanmar và Campuchia sẽ chỉ còn 0%.
Còn đối với WTO, thuế suất nhập khẩu ô tô trên thế giới sẽ phải theo đúng cam kết, tức là khoảng 70% tới năm 2014 và 47% tới năm 2017. Đây là những thách thức cực lớn với các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước.
Cứ theo đà này, các doanh nghiệp sẽ dần rút các nhà máy sản xuất ra khỏi Việt Nam, và chuyển sang phân phối xe nhập khẩu. Tất cả đang nín thở chờ đợi những thay đổi chính sách từ phía Chính phủ để cải thiện tình hình bết bát hiện nay.