Chính phủ bổ sung 4 khu công nghiệp gần 1.000ha của Hà Nam

TPO - Chính phủ đồng ý bổ sung 4 khu công nghiệp tại thị xã Duy Tiên và huyện Kim Bảng (tỉnh Hà Nam) với tổng quy mô 940ha vào Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký văn bản đồng ý đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc bổ sung 4 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam vào Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam.

Theo đó, 4 khu công nghiệp được bổ sung vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam gồm: khu công nghiệp Đồng Văn V với diện tích quy hoạch 250 ha ở Phường Tiên Nội, xã Tiên Ngoại và xã Yên Nam, thị xã Duy Tiên; khu công nghiệp Đồng Văn VI có diện tích quy hoạch 250 ha ở các xã: Tiên Ngoại, Yên Nam và Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên; khu công nghiệp Kim Bảng I có diện tích quy hoạch 230 ha ở các xã: Lê Hồ, Đại Cương và Đồng Hóa, huyện Kim Bảng và khu công nghiệp Châu Giang I với diện tích quy hoạch 210 ha ở phường Châu Giang, xã Mộc Nam, xã Mộc Bắc, thị xã Duy Tiên.

Chính phủ bổ sung 4 khu công nghiệp gần 1.000ha của tỉnh Hà Nam vào quy hoạch. Ảnh minh họa.

Các khu công nghiệp khác nằm trong quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại các văn bản số 469 ngày 03/4/2017 và số 363 ngày 20/4/2022 không thay đổi.

Tại văn bản trên, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Hà Nam chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác của số liệu báo cáo; quy mô diện tích, vị trí đề xuất bổ sung quy hoạch phát triển 04 khu công nghiệp: Đồng Văn V, Đồng Văn VI, Kim Bảng I, Châu Giang I; đảm bảo sự phù hợp, tính khả thi, liên kết, đồng bộ, kế thừa và khả năng tích hợp của phương án điều chỉnh quy hoạch trên địa bàn Tỉnh trong nội dung quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030 theo quy định của pháp luật về quy hoạch; không để xảy ra các tranh chấp, khiếu kiện trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch.

Đồng thời, cập nhật vị trí và quy mô diện tích của 04 khu công nghiệp: Đồng Văn V, Đồng Văn VI, Kim Bảng I, Châu Giang I vào quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; kế hoạch sử dụng đất 05 năm 2021-2025 tỉnh Hà Nam; chỉ đạo phân kỳ đầu tư để đảm bảo chỉ tiêu đất của 04 khu công nghiệp này nằm trong chỉ tiêu đất khu công nghiệp trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phân bổ cho tỉnh Hà Nam và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch và pháp luật về đất đai.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu việc lập các dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp cần có sự tính toán và cân nhắc kỹ về khả năng thu hút đầu tư, hiệu quả sử dụng quỹ đất khu công nghiệp trên địa bàn, trong đó ưu tiên phát triển các loại hình khu công nghiệp mới.

Việc phát triển các khu công nghiệp cần gắn với sắp xếp, phân bổ không gian phát triển của tỉnh Hà Nam một cách bài bản, khoa học nhằm khai thông và tận dụng tối đa các nguồn lực cho phát triển bền vững về kinh tế-xã hội-môi trường, đảm bảo các điều kiện để triển khai các khu công nghiệp và đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là các dự án công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, đổi mới và sáng tạo, thân thiện với môi trường, sử dụng ít lao động và tài nguyên (đất đai, nước, năng lượng), có sự liên kết giữa các khu công nghiệp trên địa bàn phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của Việt Nam và tỉnh Hà Nam trong từng thời kỳ.

Bảo đảm việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, trong đó có đất trồng lúa và các loại đất nông nghiệp khác nằm trong chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp còn lại được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho tỉnh Hà Nam, thị xã Duy Tiên và huyện Kim Bảng theo đúng quy định của pháp luật.

Thực hiện đồng bộ việc quy hoạch, phát triển khu công nghiệp với các công trình nhà ở, xã hội và văn hóa thể thao cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp; đảm bảo việc cung cấp hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ngoài hàng rào phục vụ cho hoạt động của khu công nghiệp; có giải pháp ổn định đời sống và xây dựng phương án hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề cho người dân, người lao động bị ảnh hưởng.