Chiêu trò của dân nhậu ở TPHCM đối phó CSGT khi bị kiểm tra nồng độ cồn

Trước việc CSGT TPHCM triển khai cao điểm kiểm tra nồng độ cồn, nhiều tài xế ăn nhậu đối phó bằng cách đi xe máy cũ nát và không mang theo giấy tờ tùy thân.

"Sau giờ làm, chủ nhà mời anh em thợ hồ uống vài lon bia. Mọi người đều uống, mình không uống thì anh em xem ra gì. Tôi uống đúng 3 lon, tỉnh táo như chưa nhậu mà phạt 4,5 triệu là cái giá quá đắt", đó là tâm sự của ông L.T.T. (43 tuổi, quê Lâm Đồng) khi bị Trạm CSGT Đa Phước kiểm tra nồng độ cồn hơn 20 ngày trước.

Ông T. là một trong hàng nghìn trường hợp bị Cảnh sát giao thông (CSGT) TPHCM lập biên bản xử phạt trên đường đi nhậu về hơn 3 tháng qua. Theo Phòng CSGT Công an TPHCM (PC08), việc triển khai kiểm tra nồng độ cồn nhằm ngăn chặn người đã sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện gây tai nạn giao thông.

Đối phó CSGT bằng cách "đi xe cũ"

Một ngày cuối tuần đầu tháng 11, sau khi sơn nước xong căn nhà 3 tầng ở quận 8, ông T. cùng 5 người thợ được gia chủ dắt ra quán nhậu bình dân tại chân cầu chữ Y (quận 5) ăn tối. Sau bữa tiệc nhỏ, ông T. lên chiếc xe máy đời cũ lái về phòng trọ ở bên kia đại lộ Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh).

Tuy nhiên, khi đến quốc lộ 50 (xã Bình Hưng), ông bị các cán bộ Trạm CSGT Đa Phước dừng xe kiểm tra. Qua vài câu nói chuyện, hơi thở của ông T. nồng nặc mùi bia nhưng CSGT kiểm tra bằng máy định lượng không phát hiện nồng độ cồn. Sau một lúc chú ý, CSGT mới phát hiện ông T. ngậm vào ống máy đo chỉ hút hơi vào chứ không thổi ra.

"Anh phải thổi hơi ra chứ không được hút vào như vậy", cán bộ CSGT nhắc nhở nhưng ông T. mỗi lần ngậm vào ống lại cứ hút vào, không hợp tác. Đến khi CSGT gắn ống hình phễu vào máy, tài xế mới thổi và phát hiện nồng độ cồn mức 0,253mg/lít khí thở.

Ông T. bị tổ công tác lập biên bản xử phạt 4,5 triệu đồng, tước bằng lái 17 tháng, tạm giữ xe 7 ngày. Trong lúc lập biên bản, nam tài xế không xuất trình bất kỳ giấy tờ nào cho CSGT và khẳng định bỏ luôn phương tiện vì mức phạt quá cao.

"Xe này tôi mua lại 1,5 triệu đồng. CSGT phạt cỡ đó thì tôi bỏ luôn xe", ông T. nói.

Tài xế L.T.T. ngậm ống máy đo hút vào chứ không thổi ra, gây khó cho CSGT (Ảnh: An Huy).

Qua nhiều đêm phóng viên Dân trí theo các đội, trạm CSGT ghi nhận kiểm tra nồng độ cồn, ông T. là một trong nhiều trường hợp đối phó tổ công tác bằng cách bỏ luôn xe và không xuất trình giấy tờ. Những chiếc xe này đa phần là đời cũ, giá trị không cao.

Tương tự ông T., đêm 14/11, ông N.Q.V. (39 tuổi) lái xe tay ga hiệu Attila chạy trên đường Hoàng Sa và bị Đội CSGT - trật tự Công an quận 1 kiểm tra, phát hiện nồng độ cồn vượt mức kịch khung.

Ông V. khai uống 2 lon bia và không xuất trình bất kỳ giấy tờ liên quan nào. Tài xế này khẳng định bỏ luôn phương tiện và cho biết mỗi khi đi nhậu, ông thường lái những chiếc xe cũ như vậy.

"Những chiếc này giá trị vài trăm nghìn thôi. Tôi thừa biết CSGT lập chốt tại đây nhưng vẫn lái xe qua. Đơn giản, tối nay tôi vui và chấp nhận cho CSGT xử phạt rồi bỏ luôn xe. Nhà tôi còn nhiều xe cũ lắm", ông V. nói với vẻ bất cần khi bị CSGT lập biên bản phạt 7 triệu đồng.

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Hùng (29 tuổi, ngụ quận 11) lại chọn cho mình giải pháp an toàn là trước mỗi cuộc nhậu, anh sẽ chủ động đi xe ôm đến quán. Anh uống bia thỏa thích với bạn bè rồi bắt xe ôm về nhà, vừa an toàn cho bản thân nhưng không tốn bao nhiêu tiền.

Khi được hỏi nếu bắt buộc chạy xe về thì làm thế nào, nam thanh niên cho biết khi rơi vào tình thế đó, anh sẽ uống vừa đủ, không quá say để điều khiển được phương tiện. Anh sẽ chạy xe thật chậm và cố quan sát phía trước. Nếu phát hiện chốt CSGT, anh sẽ chủ động quay đầu phương tiện để né tránh. Trường hợp bất khả kháng bị CSGT từ phía sau đến dừng xe, anh chấp nhận xử phạt.

"Mỗi bữa nhậu tốn vài triệu đồng, hà cớ gì tiếc vài chục nghìn đi xe ôm mà đưa bản thân mình vào thế khó. Những người nhậu xỉn mà vẫn cố chấp lái xe là quá dại. Nếu không may bị CSGT kiểm tra, phạt vài triệu đến vài chục triệu hoặc bị tai nạn, lúc đó hối hận cũng đã muộn", anh Hùng nói.

Ông N.Q.V. lấy đồ dùng cá nhân trong cốp xe hiệu Attila và bỏ luôn phương tiện (Ảnh: An Huy).

Ăn nhậu gần nhà và chọn xe ôm

Với công việc đặc thù, anh N.V.T. (38 tuổi, ngụ TP Thủ Đức), nhân viên kinh doanh một công ty bất động sản ở TPHCM phải thường xuyên tiếp khách. Ngoài đi thị trường anh còn phải lân la quán xá cùng khách hàng để chốt hợp đồng. Trong đó, các cuộc nhậu của anh chiếm phần lớn thời gian.

Thời gian gần đây, anh T. bày tỏ sự quan ngại trước đợt cao điểm kiểm tra nồng độ cồn trên toàn thành phố. Với công việc hiện tại, anh chủ yếu tìm nguồn khách hàng có nhu cầu mua nhà đất. Sau khi trao đổi, khách hàng đồng ý anh sẽ dẫn khách đi xem nhà, tư vấn cho họ.

"Thông thường, người ta xem xong không phải chốt liền, họ sẽ suy nghĩ và đưa ra lựa chọn ngay sau đó. Để công việc có thể suôn sẻ hơn, tôi cũng thường quan tâm đến khách của mình, trò chuyện và mời họ đi ăn, đi nhậu theo từng đối tượng phù hợp. Thông thường sau những cuộc nhậu, tỷ lệ chốt hợp đồng của tôi cao hơn", anh T. nói.

Tuy nhiên, sau dịch bệnh, tình hình kinh tế khó khăn, mảng kinh doanh bất động sản dường như điêu đứng, công việc của anh T. cũng không mấy suôn sẻ. Bên cạnh đó, trong những tháng cuối năm vào đợt cao điểm kiểm tra nồng độ cồn, việc anh T. gặp khách hàng trên bàn nhậu cũng không mấy khi.

"Thật sự, đi nhậu nhưng với tâm lý lo sợ bị kiểm tra nồng độ cồn nên tôi cũng không được thoải mái. Nay tần suất đi nhậu của tôi ít hơn trước, nếu đi tôi sẽ đặt xe ôm, hoặc chọn những quán gần nhà.

Tôi đồng ý, chấp hành quy định của pháp luật bởi việc đó là đúng, đảm bảo an toàn cho tính mạng, sức khỏe cho tôi cũng như người khác khi tham gia giao thông", anh T. bộc bạch.

Anh L.V.T. chọn đi nhậu ở quán nhậu gần nhà (Ảnh: Hoàng Hướng).

Tương tự, anh L.V.T. (40 tuổi, ngụ quận 1) cho rằng việc CSGT ra quân cao điểm kiểm tra nồng độ cồn kéo giảm tai nạn giao thông vào cuối năm là đúng.

Theo cá nhân anh, đã ăn nhậu thì không nên lái xe. Việc điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu bia rất nguy hiểm cho chính cá nhân người cầm lái và cả người đi đường.

"Trong đợt ra quân kiểm tra nồng độ cồn như hiện nay thói quen đi nhậu của tôi cũng thay đổi. Tôi chọn giải pháp đặt xe ôm công nghệ, nếu lỡ quá chén chọn taxi công nghệ để về nhà an toàn hơn.

Tôi nghĩ các quán nhậu nên có những dịch vụ mới để phục vụ khách hàng như việc đưa rước khách khi đã sử dụng rượu bia hoặc có thể cho khách gửi xe lại đặt xe cho khách về", anh L.V.T. nói.

Thời gian vừa qua tại địa bàn TPHCM, nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan nồng độ cồn đã xảy ra để lại hậu quả thương tâm.

Trong đó, đáng chú ý như hôm 12/11, nam tài xế sau khi ăn nhậu điều khiển ô tô gây tai nạn liên hoàn trên đường Nguyễn Văn Tăng (phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức) làm một người tử vong, hai người bị thương và hư hại tài sản nhà dân.

Tại cụm 7, Đội CSGT - Trật tự Công an quận Phú Nhuận kết hợp Đội CSGT Tân Sơn Nhất thuộc Phòng PC08; Đội CSGT - TT Công an quận Tân Bình và quận Tân Phú tối 24/11 (Ảnh: Hoàng Hướng).

Theo Dân Trí