Chiến thắng dịch 'kép' ở Đắk Lắk

TP - Ngành y Đắk Lắk đã huy động tối đa cả về con người và trang thiết bị hiện có để chiến thắng dịch “kép” COVID-19 và bạch hầu. Tuy nhiên, ngành này lại đang đối mặt với việc một số cơ sở hạ tầng và trang thiết bị chưa đáp ứng được nhu cầu phục vụ công tác khám chữa bệnh.
Đội ngũ cán bộ Y tế Đắk Lắk làm việc tại Bệnh viện lao và bệnh phổi

Hy sinh thầm lặng

“Có những lúc anh em đi làm cảm thấy đuối sức, nhưng vì sức khỏe cộng đồng chúng tôi cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao”.

Ông Nay Phi La 

Khoa xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh thăm dò chức năng thuộc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC, Sở Y tế Đắk Lắk ) chỉ có 3 nhân viên phụ trách đều là nữ giới. Đây cũng là đơn vị thực hiện tất cả những mẫu xét nghiệm liên quan đến bệnh tật suốt thời gian qua. Làm việc với chúng tôi, chị Trần Thị Nguyên Hằng (nhân viên) kể lại quãng thời gian chống dịch COVID-19. “Khoảng cuối tháng 7 vừa qua, chúng tôi nhận mẫu và được giao xét nghiệm một người ghi nhiễm COVID-19 và có kết quả dương tính ngay sau đó. Để chắc chắn kết quả, chúng tôi tiếp tục gửi mẫu này đến Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên và cũng cho kết quả xét nghiệm tương tự. Lúc này, khoảng hơn 1 giờ sáng, cả cơ quan ai cũng lo lắng”, chị Hằng nhớ lại.

Khám chữa bệnh bạch hầu cho người dân

Những ngày sau đó, Đắk Lắk tiếp tục ghi nhận có thêm 2 ca mới, nâng số bệnh nhân mắc COVID-19 lên con số 3. Đến khoảng giữa tháng 8 (năm 2020), hơn 10.000 người được cách ly để theo dõi tại nhà và các khu cách ly tập trung; UBND tỉnh Đắk Lắk có lệnh cách ly toàn TP Buôn Ma Thuột, trong đó có 4 khu phố bị phong tỏa. Những người cách ly tập trung đều phải lấy mẫu xét nghiệm, chờ sau 14 ngày mới được ra ngoài cộng đồng, nếu có kết quả âm tính. Đối với 3 ca bệnh COVID-19, ngành y tế đã chủ động đưa đi điều trị riêng tại Bệnh viện lao và bệnh phổi.

“Cả 3 chị em chúng tôi suốt thời gian chống dịch không về nhà, không tiếp xúc với người thân do hàng ngày chúng tôi phải tiếp xúc với nhiều mẫu xét nghiệm, trong đó có những mẫu dương tính với COVID-19. Kết thúc ngày làm việc, chúng tôi về một ngôi nhà riêng và sinh hoạt tự túc”, chị Hằng nói.

 
Bác sĩ Nay Phi La (áo ca rô) kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID
Hiện nay, CDC Đắk Lắk đang sử dụng máy xét nghiệm chẩn đoán COVID-19 và các loại bệnh khác bằng công nghệ Realtime RT PCR, sản xuất năm 2008. Giai đoạn 1, cách ly xã hội (tháng 4/2020) theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, mỗi ngày CDC Đắk Lắk chỉ xét nghiệm 5 đến 10 mẫu. Đến giai đoạn 2 (tháng 7/2020), ghi nhận có 3 ca nhiễm COVID-19, số lượng người đi từ vùng dịch trở về tăng đột biến… máy xét nghiệm này bị quá tải. “Máy này qua 10 năm sử dụng, tín hiệu đọc, block nhiệt… không đồng đều và không đáp ứng tiêu chí về các giải màu để đọc các tác nhân gây bệnh do tổ chức WHO và CDC quy định. Hiện nay, chúng tôi chưa có kĩ thuật xét nghiệm khẳng định, mà chỉ sàng lọc… Tất cả các mẫu xét nghiệm nếu có kết quả dương tính, chúng tôi phải gửi mẫu này lên Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên dùng kĩ thuật xét nghiệm khẳng định. Lúc này, kết quả mới chính được công bố”, chị Hằng cho biết.

Bác sĩ Trịnh Quang Trí, Phó giám đốc CDC Đắk Lắk cho biết: Máy xét nghiệm bằng công nghệ Realtime RT PCR tại đơn vị, chưa đáp ứng được công việc khi dịch bệnh bùng phát. Ngoài ra, chúng tôi đang thiếu các máy tách chiết tự động, máy li tâm lạnh, hoặc các máy tăng công suất xét nghiệm... Dù dịch bệnh đã được kiểm soát, nhưng ngành y tế không chủ quan. Nếu chúng tôi được trang bị các thiết bị hiện đại này, phù hợp với thực tế… tất cả các loại bệnh dịch không còn là vấn đề đáng phải lo ngại.

Chống dịch “kép”

Cuối tháng 7 năm nay, Sở Y tế Đắk Lắk thông báo có ca dương tính với COVID-19 đầu tiên tại địa phương này. Lúc này, ghi nhận ở các huyện của tỉnh này có hơn 30 ca mắc bệnh bạch hầu. Ngay lập tức, Sở Y tế Đắk Lắk tham mưu cho UBND tỉnh các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh hiệu quả như khởi động các bệnh dã chiến, các khu cách ly trong doanh trại quân đội, công an... “Chúng tôi không chủ quan và luôn sẵn sàng với những tình huống xấu nhất xảy ra”, ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk nói.

Các bác sĩ xét nghiệm mẫu COVID-19 tại CDC Đắk Lắk

Tại khu vực vùng sâu, vùng xa và nơi có dịch bệnh lực lượng y tế phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức khoanh vùng, phong tỏa khu vực bệnh nhân sinh sống và triển khai phun thuốc khử trùng, điều tra dịch tễ, cho người dân tiếp xúc gần và trong khu vực có bệnh nhân uống thuốc kháng sinh dự phòng. Đồng thời triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin bạch hầu (vắc xin TD) cho người dân ở các xã trong vùng dịch và có nguy cơ cao và đang tiến hành tiêm mũi 2.

Đầu tháng 8, Đắk Lắk ghi nhận có thêm 2 ca mắc COVID-19. Để kiểm soát dịch bệnh không bùng phát và lây lan trong cộng đồng, bên cạnh việc tích cực trong công tác điều trị cách ly, chăm sóc cho bệnh nhân mắc COVID-19, ngành y tế còn đảm bảo đáp ứng điều kiện tốt nhất cho người dân tại khu cách ly tập trung, ra sức truy vết các trường hợp F1. Tiếp tục việc giám sát các trường hợp đi, về từ vùng dịch, lấy mẫu xét nghiệm cho các trường hợp có yếu tố dịch tễ cho những người nguy cơ cao... Đặc biệt, bảo đảm tuyệt đối việc phòng, chống lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị, thực hiện tốt công tác phòng hộ cho nhân viên y tế.

Với mục tiêu “chiến thắng dịch kép”, Sở Y tế Đắk Lắk còn kêu gọi tất cả nhân viên y tế trong và ngoài công lập (kể cả đội ngũ bác sĩ đã nghỉ hưu), giảng viên, sinh viên Y của các trường đại học chung tay cùng tham gia chống dịch. Có hơn 300 người là giảng viên, sinh viên của các trường Đại học Buôn Ma Thuột, Đại học Tây Nguyên, Cao đẳng Y tế Đắk Lắk đăng ký tham gia. Thành lập 3.074 tổ phòng chống COVID019 tại các thôn buôn, khối phố. Đối với 3 ca nhiễm COVID-19, Sở Y tế đã chủ động đưa vào cách ly điều trị tại Bệnh viện lao và bệnh phổi. Quá trình điều trị, những bệnh nhân này đã được xuất viện.