> Vị khách đáng ngờ trên chuyến xe
Tôi gặp anh Hùng sau thời gian anh đi đánh án từ Lạc Thủy trở về. Với vẻ mặt hiền từ, nụ cười răng khểnh “xinh giai”, ít ai biết thượng úy Hùng là khắc tinh của tội phạm nguy hiểm.
Tháng 10 - 2008, anh Hùng nhận công tác tại Phòng Hình sự CA tỉnh Hòa Bình. Vụ án đầu tiên anh tham gia là vụ một tài xế taxi bị giết tại xã Tân Thành (Kim Bôi, Hòa Bình).
“Hung thủ đã cắt đứt cổ người lái xe. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy hiện trường một vụ án mạng kinh hoàng đến thế”, anh Hùng nhớ lại. Vài ngày sau khi khám nghiệm hiện trường, anh Hùng ám ảnh, không ăn nổi cơm.
Tổ công tác khoanh vùng đối tượng. Anh Hùng đi khắp vỉa hè, hang cùng ngõ hẻm, tiếp cận lấy thông tin từng đối tượng, từ đó phác họa được chân dung kẻ thủ ác. Hung thủ bị bắt ngay sau đó. Hùng được Giám đốc CA tỉnh Hòa Bình tặng bằng khen bởi thành tích đột xuất.
Ngoài khả năng điều tra, anh Hùng còn rất nhạy bén, sáng tạo trong cách cảm hóa tội phạm để phá án. Tháng 2 - 2010, tội phạm ma túy tại hai xã Hang Kia, Pà Cò (huyện Mai Châu) diễn biến rất phức tạp, trở thành điểm nóng.
Cái khó ở đây là một bộ phận người dân địa phương mất niềm tin vào một số cán bộ khi bao che tội phạm truy nã, tích trữ vũ khí… “Cứ người nhà nước đến là người dân không tiếp” - anh Hùng nhớ lại.
Các hình thức tiếp cận trực diện không hiệu quả, Hùng kiên trì đi từ vòng ngoài bằng cách tổ chức và tham gia các phong trào như thể thao, các hoạt động cộng đồng... để tạo không khí hòa đồng để tập hợp thanh niên địa phương.
Anh Hùng cùng đồng nghiệp lên địa điểm Hang Kia, Pà Cò, cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc và tìm hiểu phong tục tập quán của đồng bào…
“Mất ba tháng trời mình mới tiếp xúc được với người dân”, Hùng nhớ lại. Từ chỗ bị từ chối, sau ba tháng, người dân đã mời chiến sĩ ăn cơm, uống rượu cùng, rồi cung cấp thông tin về tội phạm... Nhờ đó các tụ điểm ma túy đã được triệt phá, xóa thành công “điểm nóng”, đem lại bình yên cho dân bản.
Anh Hùng đã cưới vợ 1 năm và có con 4 tháng tuổi. Công việc gấp gáp, bận rộn, một tuần anh đảo qua nhà ăn cơm với gia đình vài bữa rồi lại biền biệt. Có lần, 12 giờ đêm anh về nhà, vợ con đã ngủ say.
Đang nhẹ nhàng vào nhà thì điện thoại đổ chuông gọi báo án. Vợ con tỉnh giấc. “Lúc đó xin lỗi vợ, xách cặp cùng vài bộ quần áo rồi chạy ra cửa”, anh Hùng kể.
Chấp nhận đau đớn vì hạnh phúc nhân dân
Trong chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời, Thượng tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng CA cho biết: “Từ đầu năm đến nay xảy ra 922 vụ án, tăng 140 vụ so với năm 2011. Có 3 cán bộ, chiến sĩ công an hy sinh và 244 cán bộ, chiến sĩ công an bị thương khi thi hành công vụ. Trong thời bình nhưng máu của cán bộ chiến sĩ công an, chủ yếu tuổi đời rất trẻ vẫn đổ xuống. Nhưng chúng tôi xác định, đã là chiến sĩ công an nhân dân phải chấp nhận hy sinh, đau đớn vì cuộc sống bình yên, vì hạnh phúc của nhân dân”.
Máu đã đổ cho những bình yên
Thiếu úy Lương Minh Năm (SN 1978) quân y của Đồn Biên phòng Sen Thượng (Bộ đội Biên phòng Điện Biên) hy sinh ngày 15-10 trong lúc tuần tra bảo vệ biên giới và truy bắt tội phạm. Anh bị bắn xuyên đùi, gãy chân vẫn lết đến băng bó cho đồng đội, rồi ra đi trong vòng tay đồng đội.
Đại úy Võ Sĩ Hoàng, Công an Q.Tân Phú (TPHCM) truy bắt tên cướp hung hãn, có vũ khí ngày 17-9. Tên cướp dùng dao đâm chết một nam thanh niên tại ngã tư Hoàng Hoa Thám - Cộng Hòa. Trong lúc truy đuổi, tên cướp chống trả quyết liệt, anh Hoàng bị đâm trọng thương. Trên giường bệnh anh đã ân hận vì không cứu được nạn nhân.
Hiệp sỹ đường phố Nguyễn Văn Minh Tiến (SN 1974) thực hiện gần 400 vụ truy đuổi tội phạm cướp giật tại TPHCM. Năm 2005, anh Tiến là 1 trong 8 đại biểu của TPHCM dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc.