Chiến sĩ đến từ buôn làng: Những chuyện vui cười

TP - Bỡ ngỡ, chưa quen nề nếp, tác phong nhà binh, những tân binh đến từ buôn làng dân tộc thiểu số tại Trung đoàn Bộ binh 24 (Sư đoàn 10, Quân đoàn 3) còn những câu chuyện vui cười riêng có, ngày đầu quân ngũ.

> Chiến sĩ mới vững tin trên thao trường
> Tên lửa bờ sẵn sàng chờ...khai hỏa

“XƯNG NGANG” CÁN BỘ

Sau gần một tuần lễ nhập ngũ Đại đội lâm thời, Ti Ơch (19 tuổi, người dân tộc Bana ở xã Phú An, Đắc Bơ, Gia Lai) đã khá thạo nề nếp gấp chăn màn, tư trang, làm vệ sinh súng tập. Tuy nhiên, khi thượng úy Nguyễn Đình Hùng, Chính trị viên Đại đội lâm thời hỏi chuyện thực hiện nhiệm vụ, Ti Ơch thản nhiên trả lời cọt lỏn “xong”, “đây”... mà không có bất kỳ câu đệm cảm thán (dạ, vâng, thưa thủ trưởng - PV).

Tại tổ bộ binh, hàng chục khuôn mặt đen sạm vẫn cách xưng hô với cán bộ đơn vị không khác gì Ti Ơch. “Xưng ngang với cán bộ, thủ trưởng đơn vị là chuyện thường của tân binh. Mình biết ý các em tốt, chỉ do phong tục tập quán ở quê các em thường xưng hô như thế nên mọi người chia sẻ, dần hướng dẫn thay đổi cho các em”, thượng úy Hùng nói.

Rơ Lan Song (19 tuổi, dân tộc Jrai ở vùng cao Gia Lai) mất 5 ngày mới có thể thức dậy đúng giờ buổi sáng theo quy định. Song bảo: “Ở nhà em nghe tiếng gà gáy gọi dậy quen rồi, ở đây chỉ có tiếng kẻng, loa báo hiệu nên cái tai chưa hiểu”. Một số tân binh bỗng nhớ rừng, nhớ bản làng khóc ròng đòi về nhưng được các cán bộ kịp thời chia sẻ, động viên...

Theo thượng úy Hùng, mỗi năm đơn vị tuyển trên dưới 1.000 tân binh. Trong đó, có 2/3 là người dân tộc thiểu số tại các địa phương trên địa bàn Kon Tum, Đắk Lắk, Gia Lai... Phần lớn số tân binh này đều có trình độ học vấn không cao, sống quen phong tục tập quán, giao tiếp, ngôn ngữ bản địa nên việc sinh hoạt, ăn uống thời gian đầu hòa nhập khá chậm. Phải mất tuần lễ mới phù hợp.

“Các em đều ngoan, hiền lành, dễ bảo và có thái độ rèn luyện tập trung cao. Nhiều chiến sĩ tiếp thu chậm nhưng rất bền trí, chịu khó và hầu như không có chuyện mất đoàn kết hay gây gổ với nhau. Cùng bạn trẻ, thanh niên nhưng các em biết cách giúp đỡ, hỗ trợ nhau”, thượng úy Hùng nói.

Gắn bó công tác đào tạo tân binh, nhiều câu chuyện vui cười, thú vị được anh Hùng góp nhặt. Khác với tân binh người Kinh, mỗi lần gia đình các chiến sĩ dân tộc thiểu số xuống thăm, cả đơn vị đông như mở hội. Nhiều trường hợp, không chỉ thân nhân gia đình mà dân bản “cắt núi” xuống thăm, lên đến gần 30 người. Đơn vị tạo điều kiện ăn ở, tiếp đón chẳng khác “đoàn công tác” đặc biệt.

LINH HOẠT HUẤN LUYỆN

Thượng tá Nguyễn Xuân Lai, Chính ủy Trung đoàn 24 cho hay, do đặc thù tân binh người dân tộc thiểu số chiếm tỉ lệ lớn nên ngoài chương trình huấn luyện theo quy định, đơn vị linh hoạt trong phương pháp huấn luyện phù hợp. Thay vì dạy lý thuyết, đơn vị tập trung chính vào phần thực hành, cụ thể, trực quan sinh động để các chiến sĩ mới dễ hiểu, dễ nhớ.

Hướng dẫn cách lau chùi, vệ sinh vũ khí sau huấn luyện. ẢNH: NGUYỄN HUY.

Theo thượng úy Hùng, “mưa dầm thấm lâu” là biện pháp kiên trì, hiệu quả được Đại đội tăng cường huấn luyện. Từng thao tác khởi động súng, ngắm bắn, vệ sinh khí tài đến các loại súng đều được cán bộ cụ thể bằng hình ảnh trực quan, tăng bài giảng ngay trên thao trường để các chiến sĩ vừa thực hành vừa nắm kiến thức cơ bản.

“Mỗi em đều có cuốn sổ ghi những điều cần lưu ý, để học tập. Với tân binh bình thường hơn tuần có thể thành thạo những kiến thức cơ bản, nhưng tân binh người dân tộc thiểu số yêu cầu thời gian huấn luyện, hòa nhập dài hơn. Tuy nhiên, khi các em đã hiểu thì nhớ rất kỹ, vận hành nhanh. Điều đáng mừng, tinh thần học hỏi các em rất cầu tiến”, thượng úy Hùng nói thêm.

Thế mạnh của những tân binh này khi bắt nhịp đời sống nhà binh rất sôi nổi, đa tài. Nhiều chiến sĩ thể hiện giọng hát đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên, chơi đàn, nhạc cụ, phát huy phong trào Đoàn, Hội.

Trung úy Rơ Lan Nhin, Trung đội trưởng Đại đội huấn luyện 8 (Tiểu đoàn 5), người Jrai trưởng thành từ quân ngũ, chia sẻ: “Bản thân tôi cũng là người dân tộc thiểu số nên khi huấn luyện các chiến sĩ tôi thấu hiểu hơn. Cái chính làm các em thấy được ý nghĩa, mục đích lớn trong việc góp phần bảo vệ quê hương đất nước, đem lại niềm vinh dự, tự hào cho gia đình, bản làng”.

Ti Ơch bộc bạch: “Mấy ngày đầu vào đơn vị thấy chán lắm, định bỏ về nhà theo con trâu, con bò nhưng các chú, các anh chỉ huy động viên. Em thấy được cái tốt, cái hay khi vào quân ngũ, bản thân mình tự lập, trưởng thành hơn. Giờ ở đây vui hơn cả nhà”.

Theo thượng tá Nguyễn Xuân Lai, thực hiện xây dựng điển hình tiên tiến từ năm 2011 đến nay, 100% cán bộ chỉ huy có năng lực điều hành huấn luyện, quản lý theo phân cấp. Có trên 80% đạt huấn luyện khá giỏi. Kết thúc kiểm tra huấn luyện hằng năm, 100% nội dung đều đạt yêu cầu trở lên; gần 97% khá giỏi, giữ vững đơn vị đạt huấn luyện giỏi. Trung đoàn 24 được tặng nhiều bằng khen, phong trào thi đua quyết thắng, đơn vị huấn luyện giỏi cấp Bộ Quốc phòng...

Theo Báo giấy