Quá nhiều báo cáo, văn bản
Ngày 17/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái triệu tập cuộc họp với các bộ, ngành chức năng liên quan, căn cứ vào các quy định của pháp luật để xem xét, kiểm tra thông tin về việc trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam (số 4 Thụy Khuê, Hà Nội) đang bị hoang tàn, đổ nát.
Câu chuyện cổ phần hóa gây tranh cãi của Hãng phim truyện Việt (VFS) Nam kéo dài từ năm 2015. Quá trình cổ phần hóa được tiến hành từ năm 2014, dự kiến hoàn thành vào năm 2015 nhưng tới 2016 hãng mới tìm được cổ đông chiến lược là Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso). Với 32,5 tỷ đồng, Vivaso đã giành 65% tổng giá trị doanh nghiệp và trở thành cổ đông chiến lược. Vivaso hoàn tất quá trình mua lại hãng phim vào tháng 6/2017.
Tuy nhiên, sau khi hoàn tất quá trình mua lại, mâu thuẫn giữa nghệ sĩ và Vivaso vô cùng căng thẳng, khó giải quyết. Năm 2018, Thanh tra Chính phủ kết luận việc cổ phần hóa có nhiều sai phạm, trong đó có việc cho thuê văn phòng, thuê đất trái thẩm quyền, vi phạm quản lý tài sản, kinh doanh lỗ liên tiếp thông qua Kết luận thanh tra số 447/KL-TTCP ngày 30/3/2018, Kết luận thanh tra số 1412/KL-TTCP ngày 23/8/2018 và Kết luận thanh tra số 1589/TB-TTCP ngày 19/9/2018.
Ngày 13/9/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) có công văn số 3320/BVHTTDL-KHTC báo cáo Thủ tướng về việc thực hiện kết luận sau thanh tra công tác cổ phần hóa VFS. Ngày 23/8/2022, Bộ VHTTDL tiếp tục có công văn số 3187/BVHTTDL-TTr gửi Thanh tra Chính phủ báo cáo quá trình thực hiện Kết luận Thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.
Bộ VHTTDL cũng đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ sớm có ý kiến hướng dẫn về việc thu hồi số cổ phần đã bán, hoàn trả tiền cho nhà đầu tư chiến lược để giải quyết tận gốc những vấn đề vướng mắc tại CTCP Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam, sớm ổn định tình hình tại công ty, có cơ sở đảm bảo quyền lợi cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật.
Tháng 2/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà có công văn yêu cầu Bộ VHTTDL chuẩn bị báo cáo nội dung liên quan việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. Ngày 17/3/2023, Bộ VHTTDL cũng thông báo về quá trình thực hiện Kết luận thanh tra.
Nghệ sĩ đau xót kêu cứu
Thăm lại hãng phim vào dịp kỷ niệm 70 năm điện ảnh cách mạng Việt Nam, NSND Trà Giang xót xa về thực trạng của VFS. Cái nôi của điện ảnh cách mạng, nơi sản xuất cả trăm bộ phim kinh điển của điện ảnh nước nhà trở nên tiêu điều, hoang tàn. NSND Nguyễn Thanh Vân chua xót vì mấy chục năm cống hiến cho VFS, ông không được hưởng quyền lợi bảo hiểm.
PGS.TS. Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam bày tỏ sự buồn bã, mong mỏi các cấp có thẩm quyền sớm giải quyết dứt điểm vấn đề của Hãng phim truyện Việt Nam để anh em nghệ sĩ bớt thiệt thòi. Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành thấu hiểu tâm trạng của nhiều thế hệ nghệ sĩ điện ảnh. Ông cũng bày tỏ nguyện vọng câu chuyện cổ phần hóa của VFS sớm có cái kết trọn vẹn.
Bắt đầu làm việc tại Hãng Phim truyện Việt Nam từ năm 1987, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho biết khi “cơn bão” cổ phần hóa ập tới, bà cùng nhiều đồng nghiệp cố gắng tìm một đường thoát cho hiện trạng xuống dốc không phanh của hãng. “Sự tàn phá của quá trình cổ phần hóa đối với VFS giống như cú đánh huỷ diệt vào nền điện ảnh cách mạng. Tôi chỉ biết chết lặng, đau và bất lực”, nhà biên kịch Thanh Nhã kể.
Vướng mắc dai dẳng
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ VHTTDL phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính về phương án hoàn trả tiền và nhận lại cổ phần của nhà đầu tư chiến lược, thực hiện đàm phán với nhà đầu tư về hình thức thực hiện cũng như xác định cụ thể số tiền phải hoàn trả cho nhà đầu tư chiến lược. Từ cuối tháng 11/2019, Bộ VHTTDL liên tiếp ban hành các công văn gửi Vivaso đề nghị xác định số tiền nhận lại để hoàn trả cổ phần đã mua tại CTCP Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam cho Bộ VHTTDL.
Mặc dù tích cực triển khai, giải quyết những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện cổ phần hóa ở VFS theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ nhưng quá trình triển khai vấp phải nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, khu đất của hãng phim...
Trước hết là vướng mắc liên quan đến nội dung tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược. Ngành nghề đầu tư của Hãng phim truyện không thuộc đối tượng theo danh mục ngành nghề Nhà nước phải đầu tư để mua vốn tại các công ty cổ phần. Từ khi chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần cũng như quá trình hoạt động trước khi cổ phần hoá không hiệu quả, căn cứ theo quy định của Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước, hoạt động nhận lại cổ phần tại VFS không thuộc đối tượng Nhà nước đầu tư.
Về những vướng mắc tồn tại ở VFS, đạo diễn Đức Việt nói rằng ông và nhiều đồng nghiệp đã đứng lên đấu tranh quyết liệt và đã được Thanh tra Chính phủ kết luận là cổ phần hóa sai, yêu cầu Vivaso thoái vốn. “Đã hơn 3 năm rồi việc về thoái vốn của Vivaso không thấy đâu? Chúng tôi gửi văn bản kiến nghị đi các cơ quan có thẩm quyền giải quyết cũng không được”, đạo diễn Đức Việt nói.
Vướng mắc về vấn đề đất đai của VFS đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để. Trụ sở dù nằm trên mảnh đất vàng tại số 4 Thụy Khuê với diện tích lên tới 5.000 m2 nhưng hơn 60 năm nay hãng phim không có quyền sử dụng mảnh đất này. Đây chỉ là mảnh đất đi thuê. Quá trình thoái vốn còn gặp khó, do sự khó khăn về xác định giá trị doanh nghiệp tại thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần. Hoạt động sản xuất kinh doanh của CTCP Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam chưa đạt theo kế hoạch sản xuất kinh doanh được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông lần đầu...
Một thời vàng son
Trải qua 70 năm, Hãng phim truyện Việt Nam từng là cái nôi, bệ phóng cho nhiều tên tuổi lừng danh điện ảnh nước nhà. Bước vào thời kỳ mới và đặc biệt sau khi trải qua quá trình cổ phần hóa, hãng phim đánh mất ánh hào quang.
Hãng phim truyện Việt Nam được thành lập năm 1953, trực thuộc Bộ VHTTDL. Lịch sử tồn tại của hãng gắn liền với dòng phim cách mạng và nghệ thuật, với các tác phẩm như Chung một dòng sông, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Nổi gió, Chị Tư Hậu, Sao tháng Tám, Em bé Hà Nội, Vợ chồng A Phủ, Thị xã trong tầm tay, Mùa ổi...
Hãng sản xuất hơn 400 bộ phim điện ảnh, truyền hình, tài liệu. Từ bộ phim đầu tiên của điện ảnh Cách mạng Chung một dòng sông (1959), tới đầu những năm 1990, VFS vẫn giữ vai trò chủ lực của điện ảnh. Nhiều tác phẩm gặt hái giải Vàng ở các Liên hoan phim Việt Nam, nhiều giải thưởng quốc tế. “Đó không chỉ là những bộ phim hay mà là những tác phẩm điện ảnh kinh điển. Bởi giá trị của nó không chỉ có tiếng vang trong nước mà còn lan tỏa ở quốc tế. Đó là một kho báu của điện ảnh Cách mạng. Chúng tôi rất tự hào có kho báu này”, đạo diễn Đức Việt nói.