Tài năng và môi trường
GS.TS Hồ Sĩ Quý, Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội cho rằng, ở Việt Nam nhân tài thời nào cũng có. Nghĩa là môi trường cho tài năng thời nào cũng đủ thôi thúc để tài năng xuất hiện và phát triển. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta không có nhiều nhân tài. Nguyên nhân do môi trường cho tài năng ở Việt Nam còn nhiều điều bất hợp lý, thậm chí nhức nhối, cần tìm cách giải quyết ngoài khuôn khổ của Chiến lược quốc gia về nhân tài.
Theo GS Quý, đó là tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, can thiệp để thao túng chính sách; tình trạng tham nhũng và tham nhũng lớn ngày càng khó phát hiện, có thể vô hiệu hóa được sự can thiệp của công lý. Đáng lo ngại hơn là nạn chạy chức, chạy quyền, chạy việc làm, chạy bằng cấp, chạy trường…thậm chí chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy án…đã tệ hại đến mức được coi là bình thường, ai cũng thấy mà rồi ai cũng có ý định hay buộc phải làm ngơ.
“Đất nước thật khó hóa rồng, hóa hổ nếu cơ chế vẫn khiến người dân còn làm ngơ với những tệ nạn này. Tài năng không thể phát triển bình thường trong một môi trường như vậy”- GS Quý nói.
Ngoài ra, cơ chế xin- cho tưởng đã chết cùng với thiết chế bao cấp, nhưng thực ra vẫn sống nhởn nhơ và đang lộng hành. Mọi trách nhiệm xã hội đều biến thành ban ơn và hàm ơn. Hệ thống quản lý tài chính thì máy móc, phức tạp. Dối trá ngày càng có nguy cơ trở thành bình thường, miễn là chứng từ chi tiêu hợp lệ, miễn là “nói dối được hợp pháp hóa”.
GS Hồ Sĩ Quý kết luận: “Muốn hạ thấp hay loại bỏ nhân tài, thì chỉ cần bỏ người tài vào một môi trường không thích hợp với tài năng của họ, ngăn chặn các mối liên kết giữa họ với môi trường tất nhiên của họ, tự khắc tài năng đó cũng sẽ mai một rồi thui chột. Do vậy, nếu muốn đề cao, tôn vinh hay phát huy tính tích cực xã hội của nhân tài, thì chưa chắc đã cần đến lương bổng hay đãi ngộ, mà chỉ cần đặt nhân tài vào đúng chỗ của họ”.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan trong tham luận của mình cũng cho rằng, không thể phát hiện, đào tạo, sử dụng nhân tài nếu không kiên quyết đẩy lùi những biểu hiện tiêu cực trong công tác cán bộ.
Chấn hưng giáo dục mới có người tài
GS Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN quả quyết, điều kiện thiết yếu để các nhân tài xuất hiện trong bối cảnh hiện nay là phải có một nền giáo dục quốc dân lành mạnh và thực học.
“Sự không trung thực ở đâu cũng là tai họa nhưng ở trong ngành giáo dục thì tác hại khôn lường. Nền giáo dục này đã dạy trẻ con và buộc phụ huynh phải chấp nhận sự dối trá ngay từ khi lần đầu cắp sách đến trường. Không thể chấn hưng nền giáo dục này bằng các phong trào, đề án”- GS Chu Hảo nhấn mạnh.
Vì vậy, đã đến lúc phải thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng ghi trong Văn kiện Đại hội XI: Đổi mới toàn diện và triệt để nền giáo dục nước nhà.
Muốn làm được điều này, trước hết phải tiến hành đánh giá một cách toàn diện và khách quan nền giáo dục quốc dân dưới sự chủ trì của Ban Tuyên giáo T.Ư hoặc Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Sau đó căn cứ vào kết quả đánh giá sẽ giao cho một Hội đồng hay một ủy ban cải cách giáo dục soạn thảo chương trình cải cách để Quốc hội thông qua.
GS Chu Hảo cũng thẳng thắn đề nghị, trong khi tiến hành các việc này, Chính phủ cần cho tạm dừng các đề án Đổi mới mà Bộ Giáo dục đang triển khai như: Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020, Luật Giáo dục đại học; đổi mới chương trình và sách giáo khoa...
GS Hồ Ngọc Đại đồng tình và cho rằng, chúng ta đang nhầm lẫn giữa bằng cấp và người tài. Nếu không cải cách mạnh mẽ giáo dục, thay “cày chìa vôi bằng máy cày” thì chúng ta không thể có nhân tài.
Mạnh dạn sử dụng người ngoài Đảng
Đó là ý kiến của GS Nguyễn Lân Dũng. Ông nói, Trung Quốc có tới hơn 73 triệu đảng viên, vậy mà họ dám cử các ông Vạn Cương và Trần Trúc không phải là đảng viên giữ các các chức vụ Bộ trưởng Khoa học- Công nghệ và Bộ trưởng Y tế, ngoài ra còn có rất nhiều nhân sĩ ngoài Đảng khác tham gia quản lý đất nước.
Bản thân tôi cũng là một người ngoài Đảng, có lần tiếp xúc cử tri trước ngày bầu cử Quốc hội đã bị một người dân chất vấn: “Trong lý lịch của ông ghi 19 năm là Chiến sĩ thi đua, vậy bây giờ ông hãy nói thật với cử tri là ông đã phạm lỗi gì mà không được vào Đảng?”.
Lúc đó tôi trả lời: “Nước ta còn trên 83 triệu người chưa phải là đảng viên, nhẽ nào họ đều là người phạm lỗi?”.
Tôi mong muốn Đảng và Nhà nước cần lựa chọn ra những trí thức đáng tin cậy, dù là đảng viên hay không đảng viên.