Vào thời khắc thiêng liêng bước sang năm Bính Tuất, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã gửi lời chúc mừng năm mới đến toàn thể nhân dân Việt Nam ở trong nước và nước ngoài một năm mới hòa bình, và hạnh phúc.
Tại Hungary: Ông Trần Minh Tâm - Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Hungary gửi lời chúc Tết tới bà con ở đất Mẹ qua Tiền phong Online đúng vào phút giao thừa.
Ông nói: "Giờ phút thiêng liêng này, mọi con tim người Việt xa xứ chúng tôi đều cùng một nhịp đập hướng về quê hương đất nước. Cộng đồng người Việt chúng tôi tại Hungary luôn ý thức rằng, mỗi khi làm được việc gì có ích cho sự phát triển của quê hương là chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc.
Thay mặt cho cộng đồng người VN tại Hungary, xin chúc cho tất cả bà con ta ở trong nước một năm mới an khang thịnh vượng. Chúng tôi, những người con xa xứ mong sao hai tiếng Việt Nam sẽ mãi vang lên một cách tự hào trên trường quốc tế".
Hà Nội: Cùng chung tay cho một "Giao thừa sạch”
Chương trình "Giao thừa sạch" lần đầu tiên do báo Tiền phong bảo trợ đã chính thức khởi động.
Bắt đầu từ 20 giờ, từ vườn hoa Lý Thái Tổ, gần 100 bạn trẻ đã chia thành 3 nhóm tỏa đi các địa điểm.
Nhóm thứ nhất do trưởng nhóm Thành phụ trách đặt “chốt” tại góc cửa hàng kem Thủy Tạ, nhắc nhở mọi người giữ gìn vệ sinh, bỏ rác vào thùng đúng quy định. Các bạn trẻ đã phát túi giấy cho những người ăn kem.
Nhóm do Lực làm trưởng nhóm đi dọc bờ hồ Hoàn Kiếm phát túi và băng đô Giao thừa sạch cho những người đi đường. Nhóm thứ ba do Sơn phụ trách đẩy thùng rác dọc tuyến phố từ Tràng Tiền đến Hàng Khay.
Chỉ trong vòng nửa tiếng, hàng trăm băng đô đã được phát cho những người du xuân.
Quanh hồ Hoàn Kiếm – tâm điểm du xuân đêm giao thừa, nơi đang diễn ra các hoat động văn hóa hết sức nhộn nhịp – đâu đâu cũng bắt gặp những gương mặt ngời sáng trong màu băng đô đỏ in dòng chữ Giao thừa sạch.
Ngay từ 20 giờ 30, những con đường vào trung tâm thành phố đã tấp nập người xe. Thời tiết ấm áp dường như cũng khiến cho không khí đón Giao thừa trở nên tưng bừng hơn. Xung quanh hồ Hoàn Kiếm, dòng người ngày càng trở nên dày đặc hơn.
Hồ Hoàn Kiếm là điểm bắn pháo hoa tầm cao duy nhất ở Hà Nội ngoài 4 điểm bắn pháo hoa khác như Công viên Thống Nhất, Hồ Ngọc Khánh, Hồ Tây... nên càng thu hút được sự quan tâm của người dân Thủ đô.
Chương trình ca nhạc tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục thu hút đông người xem
Tại đền Ngọc Sơn, một chiếu chèo do các nghệ sĩ Đoàn Chèo Hà Nội trình diễn sẽ được bắt đầu từ 22 giờ với những tích chèo dân gian. Năm nay đền Ngọc Sơn được lựa chọn là một trong những điểm cầu truyền hình.
Suốt dọc đường Giảng Võ, Nguyễn Thái Học, Khâm Thiên, Bà Triệu... đã có rất nhiều hàng mía, hoa hải đường... được bày bán cho những người đi hái lộc đầu Xuân. Những người bán hàng đang mong chờ có một giao thừa may mắn và đắt hàng.
Đến 21 giờ, giá vé gửi xe tại các tuyến phố quanh hồ Hoàn Kiếm như Lý Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng, Đinh Liệt, Hàng Gai, Hàng Trống... bắt đầu tăng cùng với số khách gửi xe.
Các hàng ăn xung quanh Hồ Hoàn Kiếm cũng bắt đầu tăng nhiệt khi lượng người đổ về đây ngày càng đông.
Nhiều người phòng xa lo qua Giao thừa sẽ bị đói bụng lên dằn lòng bằng những bát phở, những đĩa mì xào nóng hổi với mức giá cũng cao hơn ngày thường. "Tết mà, ai cũng phải kiếm một chút. Biết là đắt nhưng vẫn phải ăn thôi" - Một khách ăn tại quán cơm phở trên đường Lò Sũ nói.
21 giờ 30, dòng người xe đổ về các khu trung tâm như hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây, hồ Bảy Mẫu ngày càng đông. Tiếng còi xe inh ỏi, dòng người nhích lên từng mét. Một số vụ va chạm nhỏ đã xảy ra. Nhiều nhóm thanh niên kẹp ba, kẹp bốn lạng lách và bấm còi inh ỏi bất chấp sự có mặt của lực lượng công an và trật tự.
Trên đường Trần Nguyên Hãn, Cty Điện lực Hà Nội huy động một máy phát điện lưu động trực chiến nhằm đảm bảo không bị cắt điện ở khu vực trung tâm.
Tại khu nhà tròn đằng sau tượng đài Lý Thái Tổ, các tín đồ Hip-hop đón Giao thừa bằng những màn trình diễn hết sức điêu luyện của các thành viên nhóm nhảy Halley Crew, New Wave...
Phạm Minh Hoàng - Trưởng nhóm Halley cho biết cả nhóm của bạn cùng một số nhóm khác đã lập kế hoạch đón Giao thừa bằng màn nhảy tập thể bên Hồ Hoàn Kiếm với sự tham dự của hàng chục thành viên.
"Đây sẽ là màn trình diễn ấn tượng nhất từ trước đến nay của những "tín đồ" Hip-hop" - Hoàng nói.
TPHCM: Đường hoa Nguyễn Huệ đông nghẹt
Trước thời khắc giao thừa, đường hoa Nguyễn Huệ đã ken đặc người. Ngay trước Nhà hát Thành phố, sân khấu biểu diễn nghệ thuật mang chủ đề Thành phố Anh hùng cũng thu hút hàng ngàn người dân thưởng thức.
Hòa trong dòng người đi dọc đường hoa Nguyễn Huệ, có rất đông Việt kiều và người nước ngoài. Tất cả đều vui tươi trước một không khí Tết ấm áp, yên bình của TPHCM.
Tại khu vực Bến Nhà Rồng, một trong những địa điểm bắn pháo hoa của TPHCM, những quán bar, nhà hàng trên đường Tôn Đức Thắng, ven sông Sài Gòn... đã không còn chỗ trống.
Rất nhiều gia đình, nhóm bạn đã đặt bàn tại đây, cùng chuẩn bị vui đón giao thừa và thưởng ngoạn pháo hoa.
23 giờ 15, thời khắc giao thừa càng nhộn nhịp hơn khi mọi người trong gia đình đang chuẩn bị lễ cúng gia tiên.
Riêng khu vực nhộn nhịp nhất là tục đường hoa Nguyễn Huệ, hàng trăm người đã đổ dồn về phía góc đường Nguyễn Huệ - Tôn Đức Thắng để “xí” chổ cho mình nhằm chờ những chùm pháo hoa lung linh, tỏa sáng trên nóc nhà Bến Nhà Rồng.
0:00: Tiếng còi của những con tàu vượt sóng đại dương đang cập cảng Sài Gòn lần lượt kéo từng hồi. Cả khu vực đối diện Bến Nhà Rồng bỗng nhộn nhạp hẳn lên. Nhiều tiếng trẻ em đã reo vang: “Pháo hoa, pháo hoa”.
Ì ầm..ầm…ìm ầm…, từng đốm lửa phóng vụt lên bầu trời và tủa ra hàng trăm tia lửa tạo thành những chùm hoa đỏ rực… Nhiều tiếng ồ vang và những người có mặt tại khu vực bắn pháo hoa đã quay sang tay bắt mặt mừng và có vài cặp tình nhân đã ôm hôn nhau.
0:30. Đám đông trên vực đường hoa Nguyễn Huệ vãng dần. Màn bắn pháo hoa đã kết thúc sau khi diễn ra khoảng 20 phút.
Có rất nhiều người đã bắt đầu rời khỏi nhà để di chuyển đến chùa hái lộc xuân, cầu nguyện đầu năm. Một phong tục của người Việt đã tồn tại từ bao đời nay.
Tại Nghệ An:
22:50. Chúng tôi đang đứng tại quảng trường Hồ Chí Minh (TP Vinh), cùng hàng vạn khách thập phương đón giao thừa bên tượng đài Bác. Quảng trường rực sáng dưới ánh đèn cao áp và ánh đèn màu.
Thời tiết ấm áp là điều kiện thuận lợi cho cuộc dạo chơi đêm giao thừa. Dọc đại lộ Trường Thi, Nguyễn Du, Lê Duẩn, Quang Trung, Trần Phú…từng dòng người nối theo nhau đổ về phía Quảng Trường và Công viên trung tâm – hai điểm hẹn văn hoá của du khách xứ Nghệ.
Trên Quảng Trường Hồ Chí Minh, du khách vừa bách bộ vừa chiêm ngưỡng đài phun nước – nhạc màu; lên núi Chung (mô phỏng ngọn núi Chung - Nam Đàn quê Bác) chờ xem bắn pháo hoa.
Trong khi đó, khu vực Công viên trung tâm TP Vinh tấp nập khách vào ra. Chào xuân mới, Công viên đưa vào sử dụng nhiều trò chơi dành cho thanh thiếu nhi, với số tiền đầu tư hàng tỷ đồng.
Trong đêm giao thừa, tại TPVinh diễn ra nhiều hoạt động VH – VN. Đoàn ca múa kịch Nghệ An có chương trình “Mừng Đảng, mừng Xuân” ở khu vực Quảng trường. Đài TH Nghệ An tổ chức cầu truyền hình trực tiếp chương trình ca nhạc tại Công viên TT – bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh.
Tại Nhật Bản:
Bạn Hà Trang - Đại học Ritsumeikan Châu Á - Thái Bình Dương (Ritsumeikan Asia Pacific University), tỉnh Oita, đảo Kyuushu cho biết: Đón Tết ở nơi... không có Tết, tôi và những du học sinh Việt Nam ở đây chỉ còn biết nhớ không khí đón Tết ở quê nhà.
Thời điểm này, chúng tôi đang bận túi bụi với những bài tập và thi hết kỳ, vì thế không có nhiều thời gian để ý đến Tết. Bên cạnh đó, đồ ăn Việt Nam ở đây rất đắt. Một chiếc bánh chưng giá đặt tới 1.200 yen ( khoảng 200.000 VND) nên không phải sinh viên nào cũng có tiền để "ăn Tết".
Không những thế, nơi chúng tôi ở cách xa chợ. Mỗi lần đi chợ cũng mất ít nhất nửa ngày, nên ngại.
Ngày 29 Tết, nơi đây vẫn bình yên lạ. Nhiều sinh viên Việt Nam vẫn đi làm thêm để có tiền trang trải chi phí học tập và sinh hoạt. Một cô bạn đã than với tôi: Mai thi, mai phải nộp báo cáo rồi mà đêm nay vẫn phải đi làm tới 4 giờ sáng...
>> Gửi lời thân ái tới gia đình, người thân và bạn bè tại đây.
Dù vậy nhưng đến đêm Giao thừa, những sinh viên lần đầu tiên "gặm nhấm" Tết ở nơi không có Tết này vẫn xôn xao hỏi cách gọi điện về nhà. 2.000 yen (300.000 VND)/32 phút, đắt đỏ thế nhưng nhiều người vẫn phải mở hầu bao vì không thắng được nỗi nhớ da diết người thân.
Đêm nay, chúng tôi thật may mắn khi xin được bó hương trầm nhỏ của một bạn Việt Nam mang ở nhà đi còn dư lại. Vậy là cũng có được nén hương, thắp hương trong giờ phút chuyển giao giữa 2 năm....
Tại Nga:
Bạn Nguyễn Hoàng Giang - Cựu sinh viên trường Công nghệ thông tin cơ khí và quang học St. Petersburg (UITMO) cho biết:
Ở thành phố St. Petersburg sinh viên đón Tết theo từng trường, trường nào nhỏ thì cùng nhau đón Tết.
Ngày Tết cũng là cơ hội để cho những sinh viên nam có ý đồ tiếp cận một bạn nữ dễ dàng "hành động" hơn khi mời nàng đến trường mình ăn Tết.
Giây phút giao thừa sắp tới, tôi và nhóm bạn ngồi với nhau cùng tâm sự về những suy nghĩ của mỗi người về cái Tết ở quê nhà.
Giờ phút này đây, tất cả đều có chung tâm trạng bùi ngùi xúc động khi nhắc về gia đình, những kỷ niệm đón Tết của mỗi người.
Trước đó, nhóm 20 sinh viên Việt Nam trong trường tìm mua lá dong, gạo nếp và tự gói 10 cái bánh chưng. Chúng mình còn làm cả giò thủ và dưa góp nữa.
Cành đào thì được làm giả. Dù chặt cành cây rồi làm hoa treo lên, nhưng cành đào tự tạo cũng khá giống thật.
Tết này cũng là cái Tết thứ 7 xa nhà và cũng là cái Tết cuối của tôi ở Nga nên tôi cố gắng đi một vòng chúc tết bạn bè trong thành phố.
Quảng Ngãi: Hoa ế ẩm, pháo nổ đì đùng
Trong khi nhiều mặt “cháy chợ” thì chợ hoa xuân trên đường Phạm Văn Đồng, TP.Quảng Ngãi lại ế ẩm đến mức bất thường. Mặc dù vậy, giá bán các loại hoa này lại không hề rẻ chút nào.
Thời tiết trong những ngày cận Tết tại Quảng Ngãi bỗng nhiên trở rét đậm, kèm theo gió mạnh. Nhiều người dân cho biết, thời tiết năm nay tại Quảng Ngãi có những diễn biến bất thường, mưa xuất hiện muộn và cũng kết thúc muộn so với mọi năm.
Trên thị trường, một số mặt hàng mùa đông như áo lạnh, mũ len, găng tay, khăn quấn cổ... bán rất chạy. Không khí sắm tết tại Quảng Ngãi rất tấp nập, nhộn nhịp. Tại các chợ, siêu thị luôn chật ních người mua sắm cho đến tận khuya.
Trong khi nhiều mặt “cháy chợ” thì chợ hoa xuân trên đường Phạm Văn Đồng (TP Quảng Ngãi) lại ế ẩm đến mức bất thường.
Theo quan sát của phóng viên Tiền phong, mặc dù giờ khắc giao thừa đã cận kề nhưng hai bên lề đường đường Phạm Văn Đồng vẫn còn bày la liệt các loại hoa, đặc biệt là các loại hoa cúc.Chỉ có một loại được tiêu thụ mạnh là quất, với giá 120 - 300 nghìn đồng/cây.
Quảng Ngãi năm nay cũng “nóng” lên với sự xuất hiện của các loại pháo nhập lậu từ Trung Quốc.
Trong khi chúng tôi đang viết bài này thì ở ngoài đường, tiếng pháo đì đùng nổ. Sau mỗi tiếng nổ là tiếng reo hò̀, cười ngặt nghẽo của những cô cậu tuổi choai choai.
Cà Mau: Ra biển ăn Tết
Những chuyến biển muộn con nước trước đã vào bờ ăn Tết. Gần 3.600 tàu cá Cà Mau có đến 90% ra khơi chuyến biển đúng vào dịp Tết. Ngư phủ đón Giao thừa trên biển với bánh mứt, rượu đế và biển khơi.
Không khí xuân sang Tết đến khắp mọi nơi mà thị trấn Sông Đốc vắng đàn ông con trai. Các cửa biển Sông Đốc (Trần Văn Thời), Khánh Hội (U Minh), Tân An (Ngọc Hiển), Cái Đôi Vàm (Phú Tân)… phần lớn đàn ông đã ra khơi đánh bắt tôm cá.
Trong ngôi nhà khang trang được xây cất từ đồng tiền có được từ biển, chị Dương Bích Liễu cùng 4 cháu quây quần bên mâm cơm cúng ông bà. Chồng của chị là anh Lê Quốc Việt, 35 tuổi, cùng 30 bạn theo 3 chiếc tàu câu mực mang số hiệu TS 91377, 99639, 98847.
Chị Liễu ôm hôn đầu cháu gái út Lê Trúc Lam vừa tròn 4 tháng tuổi: “Em có chồng 13 năm thì chỉ có một cái Tết ăn chung với chồng con. Năm đó, ảnh bệnh phải phải nằm nhà. Chị em tụi tui có chồng ngư phủ đã quen rồi. Qua Tết ảnh sẽ về, có mất gì đâu!”
Phía sau lưng con tàu là vợ, con đang ngày đêm mong đợi tàu về bến. Các chị vá lưới, lo cho con ăn ngon, mặc đẹp trong những ngày vui xuân đón Tết. Đêm Giao thừa chiếc máy bộ đàm là phương tiện giao lưu người thân trên biển với gia đình ở đất liền.
Huế: Rộn ràng đón Giao thừa
Dịch giả Bửu Ý và Tiến sĩ triết học Thái Kim Lan (Việt kiều ở CHLB Đức) đang đổ xăm hường trong từ phủ thờ công chúa Ngọc Sơn
Sau hơn 2 tháng liên tục mưa và lạnh, sáng nay trời Huế bỗng sáng bừng. Tuy nhiên, nắng ấm của ngày cuối năm không đủ sức làm cho chợ hoa xuân nóng lên.
Kỳ Đài, Phu Văn Lâu, Nghinh Lương Đình - Trung tâm chợ hoa xuân - không rực rỡ mai vàng như mọi năm. Hiếm hoi lắm mới có một chậu mai thế bông nở như thế này. Có lẽ đây là chậu mai đẹp nhất của chợ hoa xuân Huế năm nay.
Trung tâm đón giao thừa năm nay ở Huế vẫn là khu vực Phu Văn Lâu với một chương trình ca múa nhạc tổng hợp. Sân khấu được dựng lên trước sân Nghinh Lương Đình.
Những năm gần đây, các hoạt động đón Giao thừa đã kéo nhiều người Huế ra khỏi nhà trong đêm cuối năm. Dòng người vẫn đang đổ về đây và dọc 2 bờ sông Hương đoạn từ cầu Trường Tiền lên đến cầu đường sắt Dã Viên để xem bắn pháo hoa.
Trong khi đó, khá nhiều gia đình đã có thói quen quây quần trong từ đường, trong những ngôi nhà cổ, đón một cái tết theo nếp xưa với các trò chơi tao nhã quý phái như đổ xăm hường, thả thơ, cho chữ, viết thư pháp…
Cần Thơ: Dịu mát và lộng lẫy
Dịu mát nhờ xe tưới nước khắp các đường phố từ chiều, đến tối mặt đường còn ướt đẫm như vừa có mưa rào, một việc làm lần đầu tiên diễn ra trong dịp Tết ở Cần Thơ. Dòng người xe chen chúc trên đường bớt được không khí nóng bức của mùa khô phương Nam.
Đường phố Cần Thơ chăng đèn kết hoa lộng lẫy. Nổi bật đầu đại lộ Hòa Bình ở trung tâm TP Cần Thơ là câu khẩu hiệu nêu ra từ Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XI: “Thành phố Cần Thơ đoàn kết, trí tuệ, phát triển nhanh, bền vững”.
Công viên Văn hóa Miền Tây khai mạc “Đêm hội hoa đăng” với hàng nghìn ngọn đền lồng nhỏ to, cao thấp.
Đoàn xe hoa 13 chiếc do quận Ninh Kiều tổ chức diễu hành trên các đường phố càng làm cho đường phố lộng lẫy hơn.
Hải Phòng: Tưng bừng đón giao thừa...
23 giờ đêm, phóng viên TPO ghi nhận, hàng vạn người dân đất Cảng đổ ra đường dẫn đến trung tâm thành phố chờ thời khắc thiêng liêng giao thừa đón năm mới Bính Tuất.
Các giàn bắn pháo hoa đã sẵn sàng. Một số người đang tất bận chuẩn bị cành lộc để bán sau giao thừa. Tranh thủ thời gian, một “ông đồ” bán chữ... Thỉnh thoảng, tiếng pháo nổ vẫn râm ran đây đó.
Các chị quét rác của Cty Môi trường Đô thị hối hả thu dọn đường phố để một năm mới phong quang sạch đẹp.
Tại Anh:
Bạn Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Hội SVVN tại Anh - cho biết:
Dù xa nhà nhưng hàng năm cứ đến Tết Nguyên đán là sinh viên Việt Nam tại Anh lại sôi nổi tổ chức đón Tết.
Năm nay nổi bật nhất là chương trình ca nhạc SVUK Live Show "Glamour" đón Xuân của Hội Sinh Viên Việt Nam tại London Anh (SVUK). Chương trình thu hút gần 1000 bạn sinh viên và bà con người Việt tham gia.
Ngoài chương trình do SVUK tổ chức ra, các hội sinh viên Việt Nam tại các thành phố cũng sôi nổi tổ chức những chương trình riêng.
Các bạn sinh viên Việt Nam tại thành phố Leeds và Birmingham nhân dịp Tết truyền thống đã tổ chức các chương trình giới thiệu văn hóa Việt Nam đến đông đảo bạn bè quốc tế.
Tại Leeds, ngày Việt Nam (Vietnamese Day), tổ chức vào 25/1, gồm có triển lãm tranh ảnh về Việt Nam, hàng thủ công mỹ nghệ, chương trình văn nghệ truyền thống và các món ăn dân tộc Việt Nam.
Tại Birmingham, đêm Văn hóa Việt "The Hidden Charm", tổ chức vào ngày 27/1 cũng đem lại cho các bạn quốc tế những màn trình diễn lôi cuốn như múa áo dài, múa sen, trống cơm, ca nhạc cùng những trò chơi vui nhộn như đá cầu, nhảy sạp, cũng như cơ hội thưởng thức những món ăn đậm đà bản sắc Việt.
Sinh viên Việt Nam tại Southampton đón Tết một cách độc đáo bằng cách mua nguyên liệu về tự gói bánh chưng và nấu lấy, một kinh nghiệm thú vị mà nhiều bạn sang đây mới được trải qua.
Các bạn sinh viên tại Nottingham lại tổ chức một đêm nhạc nho nhỏ đón Tết cho các thành viên với sự góp mặt của ban nhạc Double Jack cũng như nhiều ca sĩ sinh viên đã tham gia trong chương trình Glamour vừa rồi.
Dù đón Tết dưới hình thức nào, đọng lại trong mỗi sinh viên là tình yêu quê hương đất nước nồng nà.
Tại Singapore:
Hiện giờ chương trình đón giao thừa mang tên “Cún con cưỡi cọp” của du học sinh Việt Nam tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS) đang diễn ra.
Bạn Hà Đăng Chính - Sinh viên Cao học, chương trình Cơ điện tử (ĐH Quốc gia Singapore) cho biết:
Năm nay, số lượng sinh viên Việt Nam ở Singapore về đón Tết khá đông. Đến đêm 30 Tết, khoảng 150 sinh viên ở lại, phần lớn là các bạn sinh viên năm nhất, đang có mặt tại Prince Geogre Park Residence để đón giao thừa. Đây là khu KTX tập trung nhiều sinh viên nhất ở NUS.
Chương trình bắt đầu từ 20 giờ 30 giờ địa phương (khoảng 19 giờ 30 giờ Việt Nam) và kết thúc sau thời khắc giao thừa. Tuy nhiên, ngay từ lúc 18 giờ, một bữa tiệc ẩm thực đã được tổ chức. Mọi người có dịp thưởng thức các món ăn quê nhà của 3 miền: bún bò Huế, phờ bò hay bún bò Nam bộ.
Kết thúc bữa tiệc ẩm thực là một màn trình diễn của các bạn trong CLB skating (trượt patin)
Bạn Phùng Kim Cương - Sinh viên năm 2 khoa Công nghệ Thông tin trường ĐHQG Singapore - tâm sự: Đã 2 năm đón Tết xa nhà nhưng sao cứ đến thời khắc giao thừa lại thấy nhớ nhà da diết.
Tuy nhiên, quây quần bên nhau trong không khí vui vẻ như thế này cũng làm chúng mình phần nào vơi đi nỗi nhớ Tết ở nhà.
Tại Hàn Quốc:
Tạ Văn Quang, sinh viên Pukyong National University cùng 20 bạn khác đang cùng quây quần bên mâm cơm cuối năm. Cùng tham dự với các du học sinh Việt Nam còn có một bác người Hàn.
Đã là năm thứ hai đón Tết xa quê, mà sao Quang vẫn không vơi được sự nôn nao vào thời khắc giao hòa giữa năm cũ và năm mới.
Năm nay, Quang và các bạn sinh viên Việt Nam ở Pukyong National University được nghỉ 3 ngày. Vì thế, mọi người có điều kiện tụ tập nhau đón Tết.
Mọi người chuẩn bị các món ăn mang đậm hương vị truyền thống ngày Tết như xôi gà (cúng giao thừa), nồi hầm, bánh chưng, giò lụa…
Do năm nay không có người quen sang Busan vào dịp tết nên Quang và các bạn phải đặt bánh chưng, giò và những nguyên liệu làm các món ăn Việt Nam ở tận Seoul.
Giá của các món tuy có đắt một chút nhưng anh em vẫn cố gắng đóng góp để có một chút hương vị Tết cổ truyền của Việt Nam nơi đất khách.
Xin được gửi lời chúc mừng năm mới từ những người bạn đang học tập ở khắp nơi trên thế giới. Chúc các bạn năm mới dồi dào sức khoẻ và đạt nhiều thành công…
Gia Lai: Chuyện lạ Việt Nam đến phố núi Pleiku
Từ 29 đến mùng 4 tết Bính Tuất tại công viên Văn hoá Đồng xanh, người dân Pleiku được tận mắt chứng kiến chương trình vui xuân độc đáo do Cty Cổ phần Văn hoá - Du lịch Gia Lai tổ chức
Trong chương trình vui xuân này có "Những chuyện lạ Việt Nam" như: Đi chân không trên than hồng, lột vỏ dừa bằng răng, sắt đâm xuyên cổ...
Những trái sung sẽ đem lại may mắn, sự sung túc trong năm mới
Năm nay người dân phố núi Pleiku đón Tết thật tưng bừng, vui nhộn. Từ 20 tháng Chạp, các chợ đã đầy ắp người và hàng hoá. Đường Trần Hưng Đạo biến thành chợ hoa đủ các loại từ hoa đào đất Bắc đến mai vàng phương Nam.
Hoa lan, lay-ơn, hoa cúc...nở thắm đường phố và được người bình dân chọn lựa nhiều hơn cả. Hàng hoá các loại đều tăng giá. Thịt heo tăng vọt từ 40.000đ/kg hôm 28 tết lên 50.000đ/kg 29 tết trong khi ngày thường chỉ 35.000 đ/kg.
Các khu vui chơi giải trí như Công viên Diên Hồng, Nhà Văn hoá Thanh thiếu nhi, Đại Vinh gia trang...từ 29 tết đã đông khách thập phương du ngoạn. Nhìn chung người dân Gia Lai năm nay đón tết an toàn và hoan hỷ.
Lâm Đồng: Mùa xuân – mùa của muôn sắc hoa
Năm nay, loài hoa đường phố đặc trưng cho mùa xuân Đà Lạt là Mai Anh Đào nở đúng vào dịp Tết Nguyên đán làm hồng lên khuôn mặt phố phường.
Gần chục năm rồi Mai Anh Đào mới nở rộ vào thời điểm thiêng liêng nhất khiến thành phố càng đẹp hơn và lòng người bồi hồi xúc động.
Hội hoa Xuân Đà Lạt 2006 thu hút nhiều nghệ nhân tham gia trưng bày 2.295 tác phẩm địa lan, phong lan, bon sai, đá cảnh, gỗ lũa, xương rồng, kiểng cổ…, trong đó có 295 tác phẩm dự thi.
Ban giám khảo vừa công bố kết quả hội thi với 12 tác phẩm đạt giải vàng, 17 bạc, 38 đồng và 35 khuyến khích.
Gióng tiếng chiêng mở đầu mùa lễ hội Tây Nguyên
Từ đêm giao thừa, gần chục nhóm cồng chiêng của các nghệ nhân Lạch, K’ho ở chân núi Lang Bian (nơi khai sinh ra Đà Lạt) sẽ bắt đầu gióng tiếng, chiêng cồng mừng năm mới và phục vụ du khách, đặc biệt là khách quốc tế.
Những tiếng cồng, tiếng chiêng này sẽ lan tỏa, giục giã các tộc người thiểu số cư trú lâu đời ở miền đất Tây Nguyên tổ chức nhiều lễ hội đặc sắc trong tiết xuân ấm áp.
Đã thành thông lệ, nhiều thập niên qua, cứ đến rằm tháng giêng là hàng vạn du khách trong và ngoài nước trẩy hội thác Pongour để thưởng ngoạn cảnh đẹp và nguyện cầu những điều may mắn, tốt lành, lập kỷ lục về số người tham quan thác nước trong một ngày ở Việt Nam.
Pongour theo tiếng K’ho là thác bốn sừng tê giác và từ thuở xa xưa tộc người này lưu truyền câu chuyện về 4 chúa sơn lâm Tê giác giúp tù trưởng K’Nai xinh đẹp đẩy lùi nhiều đội quân xâm lược hùng hậu, đồng thời bạt núi san đồi tạo nên thác nước hùng vĩ với tiếng gầm thét vang xa vạn dặm để uy hiếp kể thù.
Tại lễ hội Pongour, du khách sẽ được chứng kiến nghi lễ “Rước nước” và lễ hội mừng lúa mới của người K’ho; xem biểu diễn công chiêng, múa xoè Thái hoặc tham gia các cuộc thi leo núi, nấu cơm lam và nhiều trò chơi dân gian khác.
Tại Ucraina: Nồng ấm xứ lạnh Kiev
Cũng cành đào khoe sắc hồng đón xuân.
Sắc đào hồng thắm của Tết Việt đã bừng lên trong tuyết trắng nơi thủ đô Kiev của Ukraina. Nơi đây, hơn 400 sinh viên Việt Nam đang sinh sống và học tập.
Mặc dù vào thời điểm này, hầu hết các bạn đều đang vướng các đợt thi học kỳ căng thẳng, thế nhưng không vì thế mà không khí Tết kém phần sôi nổi và hào hứng.
Trường Đại Học Hàng không Kiev đã khiến mùa đông xứ lạnh ấm lên bằng hương vị Tết quê nhà.
Nga: Đón Xuân trên thành phố Volga anh hùng
Hòa cùng nhịp với hơi thở của mùa xuân, sinh viên và cộng đồng người Việt Nam tại thành phố Volga của Nga cũng náo nức đón chào giao thừa bằng những màn múa hát của quê hương.
Tà áo dài thiết tha cùng nón trắng đã đem lại hương vị quê nhà ấm áp cho một cái Tết nơi đất khách.
Tại Pháp:
Bạn Nguyễn Kim Phượng, du học sinh Việt Nam, tâm sự: Chỉ còn vài giờ nữa thôi một năm mới sẽ đến. Hiện ở Việt Nam mọi người đang rộn ràng chuẩn bị đón năm mới còn ở Pháp thì tuyết rơi trắng đường. Cái lạnh tái tê càng nhớ tới Việt Nam, nhớ tới gia đình.
"Ước gì lúc này có mặt tại Việt Nam. Nhân dịp năm mới, xin chúc cho quê hương mình Việt Nam thân yêu ngày càng giàu mạnh và bền vững hơn"- Phượng tâm sự.
Bạn Nguyễn Văn San, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp (UEVF) cho biết:
Ở Việt Nam, "tháng giêng là tháng ăn chơi", nhưng ở Pháp, đây lại là tháng thi cử. Vì thế, du học sinh Việt Nam ở đây ai cũng bận rộn với thời khóa biểu của học kỳ hai trong năm học.
Tuy vậy, nhiều du học sinh Việt Nam tại đây vẫn cố gắng sắp xếp công việc để tham dự buổi Tất niên thật đầm ấm do Ban chấp hành Chi hội Paris tổ chức vào đúng ngày ông táo về trời.
Ngoài các du học sinh Việt Nam, nhiều nhà khoa học gốc Việt làm việc ở Paris cũng đến chia vui không khí Tết cổ truyền.
Trong ngày cuối cùng của năm, tôi và nhóm bạn ở Paris cũng làm các món ăn như ở Việt Nam. Các bạn nữ nấu một nồi thịt đông, vài món xào, một chút giò chả, nem rán...
Lúc đó, bỗng nhiên tôi lại nhớ về cái tết đầu tiên của mình trên đất Pháp chỉ có nhõn gói mì tôm. Bởi lẽ, bánh chưng để dành trong tủ lạnh vừa cứng vừa có mùi, không thể nào ăn nổi. Hơn nữa năm đó, tôi lại vừa trải qua một tuần thi căng thẳng, nên chẳng kịp chợ búa sắm Tết.
Còn năm nay, tôi được mời đến xông nhà cho mấy người bạn. Chúng tôi còn đi lễ chùa Trúc Lâm để cầu chúc cho một năm mới tốt lành. Tiếp theo, tôi sẽ tham gia tổ chức đón xuân cùng Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp.
Chương trình cây nhà lá vườn chào năm mới của du học sinh đã sẵn sàng. Ngoài những tiết mục như ăn cỗ tết, ca nhạc, thời trang..., chương trình có cả độc tấu, múa và kịch.
Cuối cùng, tôi sẽ dự một tiệc rượu đầu xuân cùng với các bác trong hội “Culture-Loisir” (Văn hóa-Giải trí).
Tại Rumani: Đậm đà hương vị Tết Việt
Đỗ Tấn Phong, Việt kiều ở Rumani, cho biết bây giờ ở Rumani là 18h. Chỉ còn vài tiếng nữa là đến Giao thừa, tất cả thành viên trong gia đình đang tập trung chuẩn bị đón giờ khắc thiêng liêng nhất trong năm.
Một vài món ăn cuối cùng cho mâm cúng giao thừa cũng đang được mẹ và em của Phong chuẩn bị.
|
Tại Lạng Sơn: Đội múa sư tử làm lễ rửa mặt trước khi đi xông nhà
Phong cho biết, đây là cái tết thứ 13 bạn cùng gia đình đón tết ở Rumani. Những ngày trước tết, Phong cùng các thành viên trong gia đình đã mua lá dong, đỗ xanh để gói bánh chưng, mua giò chả. Đặc biệt dịp tết năm nay gia đình Phong có một cành đào, sản phẩm mà cả nhà đã chăm bón kỹ lưỡng suốt năm qua.
Tại thành phố Bochum, CHLB Đức, mọi người đang quây quần bên nhau chuẩn bị đón giao thừa (theo giờ Việt Nam). Bạn Trương Minh Huy Vũ, sinh viên Đại học Siegen gửi về từ Bochum:
Từ buổi sáng, sinh viên tại TP Bochum đã tập trung cùng nhau nấu ăn chuẩn bị đón tết. Thực đơn đêm giao thừa là: bánh chưng, bún măng, củ kiệu và chè. Sau khi cùng đón giao thừa, từ 7h Đức (tức 1h sáng mùng 1 ở Việt Nam), mọi người sẽ tiếp tục đi chơi năm mới cho đến sáng.
Cách đó không xa, ở một ký túc xá khác, các bạn nữ vừa tổ chức cúng đêm giao thừa. "Có kiêng có lành", một bạn nữ cười nói. Chắc dù ở tận phương trời Âu, ông bà cũng sẽ phù hộ cho mình nhiều may mắn trong năm sau.
Tập thể những người làm báo Tiền phong và Tiền phong Online xin cảm ơn sự quan tâm của bạn đọc. Năm mới, xin chúc các bạn: HẠNH PHÚC - SỨC KHỎE - TƯƠI TRẺ - THÀNH ĐẠT. Chúng tôi cũng xin hứa sẽ làm hết sức mình để không phụ lòng tin cậy của các bạn.
Tôi cũng xin thay mặt Tiền phong Online gửi lời cảm ơn tới các bạn phóng viên và cộng tác viên đã nhiệt tình tham gia chương trình trực tuyến này.
Nguyễn Ngọc Nam
Phó Tổng Biên tập báo Tiền phong