Goodreads là một mạng xã hội thành lập từ năm 2006 dành cho người đọc sách trên toàn thế giới với hàng trăm triệu thành viên. Danh sách “những cuốn sách hay nhất” hoặc “tệ nhất” do độc giả của Goodreads bình chọn được đánh giá là “đáng tin” vì thành viên của Goodreads hầu hết đều là người “đọc rộng biết nhiều”, trong đó có không ít nhà văn, nhà báo, nhà phê bình...
Trong số hơn 5.000 bình luận giải thích lý do cho rằng Chạng vạng là tác phẩm “dở nhất mọi thời đại”, nhiều độc giả thẳng thắn: “Cuốn sách chứa đầy những điều tồi tệ”, “Cách phát triển nhân vật và cốt truyện đầy nghiệp dư và nhàm chán”, “Lối hành văn kém cỏi, cách viết lặp đi lặp lại, và lượng từ vựng ít ỏi”, “Nói một cách chính xác thì, Chạng vạng là một mớ tào lao”...
Thế nhưng, sự thật là ngay từ khi phát hành, bộ tiểu thuyết của nữ nhà văn Mĩ Stephenie Meyer vẫn khuấy đảo giới xuất bản với hơn 40 triệu bản đã được bán ra trên toàn thế giới, được dịch ra hơn 37 ngôn ngữ và nằm trong danh sách best seller năm 2008 của USA Today.
Bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết gốc cũng có doanh thu khủng không kém. Năm tập phim được sản xuất với chi phí tổng cộng chưa đầy 400 triệu USD nhưng doanh số của bốn phần đầu đã vượt mốc 2,5 tỷ USD. Nhưng số phận bộ phim giống như nguyên tác, mặc dù mỗi tập phim phát hành đều nằm trong danh sách bom tấn, song nó lại làm mất lòng toàn bộ giới phê bình điện ảnh.
Họ nhận xét một cách hài hước rằng, những “đóng góp” về nghệ thuật của Chạng vạng không gì hơn ngoài 11 đề cử và giải thưởng Mâm xôi vàng dành cho tác phẩm, diễn xuất dở nhất trong năm.
Hãng MSNBC thậm chí đã đưa ra tới 11 lý do không có tập phim nào trong series Chạng vạng thoát được đề cử giải thưởng “phản Oscar”.
Theo sát người anh em thành công rực rỡ về mặt thương mại nhưng “thảm họa về mặt nghệ thuật” là bộ ba50 sắc thái của nhà văn người Anh E.L.James. Những cuốn sách nổi tiếng vì “sex và sến” này được xuất bản lần đầu năm 2011 và gần như ngay lập tức leo lên hạng nhất của tất cả bảng xếp hạng sách bán chạy trên khắp thế giới với hơn 60 triệu bản bán ra.
50 sắc thái cũng được bán bản quyền dịch tới 37 quốc gia. Tại Việt Nam, ngay khi Alpha Books phát hành bản tiếng Việt thì 50 sắc thái cũng xuất hiện trên thị trường sách lậu chứng tỏ sức hút của ấn phẩm này “không phải dạng vừa”.
Hấp dẫn vì đề cập thẳng thắn đến tình dục, sau khi cơn sốt qua đi, độc giả toàn thế giới lập tức quay xe với bộ sách. Một công bố đáng chú ý của hệ thống 500 khách sạn Travelodge ở Anh viết rằng: 50 sắc thái chính là đầu sách bị bỏ lại nhiều nhất ở các khách sạn trong năm 2014.
Theo đó, trong tổng số 22.648 cuốn sách bị bỏ lại trong chuỗi khách sạn này thì tập thứ ba trong bộ tiểu thuyết - 50 sắc thái tự do đứng đầu danh sách những cuốn tiểu thuyết bị vứt bỏ. Tập đầu tiên - 50 sắc thái xám đứng thứ 6 trong danh sách. Tập thứ hai - 50 sắc thái đen đứng thứ 10.
Một hiệu sách từ thiện ở thành phố Swansea, South Wales, Anh vốn chuyên thu nhận sách cũ để đem bán lại giá rẻ, nhằm lấy tiền phục vụ cho các hoạt động từ thiện thậm chí đã vừa phải chính thức đưa ra thông báo đề nghị những người quyên tặng sách thôi không gửi về cho họ những cuốn nằm trong bộ tiểu thuyết 50 sắc thái nữa.
Trong danh sách 100 cuốn sách dở nhất mọi thời đại do độc giả Goodreads bình chọn, đáng chú ý còn có hai bom tấn xuất bản là Mật mã Da Vinci – xếp hạng dở thứ 10 và Ăn cầu nguyện và yêu – dở thứ 18.
Mật mã Da Vinci ngay từ khi phát hành đã vấp phải phản đối của giới chức Vatican vì nội dung phỉ báng Kitô giáo, tuy nhiên, nó vẫn thắng lớn về mặt doanh thu với hơn 40 triệu bản được bán ra và được dịch ra 44 thứ tiếng. Cùng thời gian, bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết của Dan Brown lại gây thất vọng cả giới phê bình khi vừa được công chiếu. Hầu hết nhận định về Mật mã Da Vinci đều mang tính tiêu cực, AP chỉ chấm phim này ở mức 2/5 sao.
Ăn cầu nguyện và yêu cũng là một hiện tượng xuất bản khi mới xuất hiện. Cuốn tự truyện của nhà văn Gillbert đã đứng trong danh sách bán chạy nhất của báo New York Times suốt 150 tuần liên tục và được dịch sang gần 50 thứ tiếng.
Câu chuyện mang hơi hướm tự truyện của Gillbert sau đó cũng được đưa lên màn ảnh rộng với diễn xuất của Julia Roberts. Tuy nhiên, điều đó không làm nó tăng điểm trong mắt nhiều độc giả: “Cuốn sách này thật kinh khủng”. “Tự cho mình là đúng, nhàm chán, tự buông thả”. “Chán đến nỗi tôi không thể vượt qua ba chương đầu”...
Sự phủ quyết của người đọc không loại trừ cả các “khách hàng lớn” của ngành xuất bản là các tổng thống Mỹ. Bởi vì cuốn Hy vọng táo bạo của Tổng thống Obama được xếp ở vị trí dở thứ 20, còn Tôi đã làm giàu như thế nào của Tổng thống Donald Trump thì vững vàng ở vị trí thứ 85.